Vườn quốc gia Bến En (thuộc khu phố Xuân Lai, thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa), có 21 đảo nổi giữa, là một trong những Vườn quốc gia đẹp nhất Việt Nam. Ảnh: Do Huy Duong
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định số 3239/QĐ-UBND ngày 23.8 phê duyệt phương án bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Bến En giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, hệ sinh thái Vườn Quốc gia Bến En bao gồm hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái đất ngập nước trong thể thống nhất không thể tách rời theo xác lập các phân khu tại Quyết định số 33/CT ngày 27.1.1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), có tổng diện tích 14.305,09 ha; trong đó:
Hệ sinh thái trên cạn 12.197,10 ha (đất rừng đặc dụng 11.274,78 ha; đất rừng sản xuất 366,65 ha; đất ngoài quy hoạch 555,67 ha). Hệ sinh thái mặt nước 2.107,99 ha với định hướng quy hoạch là đất rừng đặc dụng.
Đất rừng đặc dụng tăng 2.651,59 ha (chuyển diện tích mặt nước 2.107,99 ha vào rừng đặc dụng; chuyển đất rừng sản xuất 413,06 ha vào rừng đặc dụng; chuyển đất khác 134,29 ha vào rừng đặc dụng; đất rừng đặc dụng chuyển sang đất thủy lợi 3,75 ha). Rừng sản xuất giảm 396,61 ha (chuyển sang rừng đặc dụng 413,06 ha; đất khác 16,45 ha chuyển vào rừng sản xuất). Đất khác giảm 138,58 ha (chuyển vào rừng đặc dụng 134,29 ha; chuyển vào rừng sản xuất 16,45 ha; đất sản xuất nông nghiệp 12,16 ha chuyển vào đất khác). Nguồn gốc đất hiện đang giao cho Vườn quốc gia Bến En quản lý.
Điều chỉnh nội bộ các phân khu Vườn quốc gia Bến En như sau: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 5.458,82 ha (tăng 131,67 ha). Phân khu phục hồi sinh thái 6.352,47 ha (giảm 48,2 ha). Phân khu dịch vụ hành chính 2.493,79 ha (giảm 83,47 ha).
Mục tiêu xã hội của phương án bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Bến En giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt với các nội dung: phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Tập đoàn Sun Group) đầu tư phát triển du lịch sinh thái trong Vườn quốc gia Bến En, thu hút sự tham gia của người dân vào các hoạt động dịch vụ, phục vụ du lịch trên địa bàn.
Hình ảnh đồ họa thuyết trình của dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ giải trí cao cấp Bến En của Tập đoàn Sun Group. Ảnh: CTV
Triển khai các hoạt động giao khoán bảo vệ rừng nhằm tăng cường sự hỗ trợ, tham gia của chính quyền các địa phương, cộng đồng. Triển khai các loại hình dịch vụ môi trường rừng để tạo thêm khoảng 1.000 việc làm cho người dân vùng đệm và người lao động trong đơn vị. Xây dựng, triển khai hiệu quả các dự án phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội, đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí góp phần cải thiện sinh kế, cơ sở hạ tầng, giảm nghèo cho cộng đồng.
Giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giảm thiểu các tác động tiêu cực của người dân tới việc bảo vệ, phát triển rừng. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, thực hiện các nhiệm vụ về bảo tồn, nghiên cứu hệ sinh thái, nghiên cứu bảo tồn loài và nghiên cứu thực nghiệm, chuyển giao các kết quả nghiên cứu.
Quyết định phê duyệt cũng chỉ đạo tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng lưu vực lòng hồ sông Mực do Nhà máy thủy điện Sông Mực chi trả với diện tích lưu vực thuộc đối tượng rừng đặc dụng khoảng 10.800 ha. Triển khai thực hiện cho thuê môi trường rừng (khoảng 900 ha); kinh doanh du lịch sinh thái (khoảng trên 700 ha); nuôi trồng phát triển cây dược liệu (khoảng 150 ha) khi được phê duyệt. Tiếp tục thực hiện đề án cho thuê mặt nước để nuôi trồng và khai thác thủy hải sản theo phê duyệt của cấp thẩm quyền với diện tích 1.500 ha.
Về chi trả dịch vụ hấp thụ cacbon, quyết định phê duyệt yêu cầu xác định phạm vi, đối tượng, trạng thái rừng áp dụng; xác định mức giá dịch vụ đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của các bên tham gia khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện (dự kiến có khoảng 11.100 ha rừng).
Phương án bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Bến En giai đoạn 2021-2030 xác định mục tiêu về môi trường là bảo vệ hiệu quả diện tích rừng hiện có với trên 10.800 ha rừng tự nhiên; tiếp tục duy trì ổn định độ che phủ rừng đạt trên 74%. Nâng cao khả năng, giá trị phòng hộ đầu nguồn và cung cấp nguồn sinh thủy cho hồ sông Mực.
Bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ, phát triển các loài động, thực vật, nhất là 101 loài thực vật và 464 loài động vật quý, hiếm, đặc hữu, loài ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật, Sách đỏ Việt Nam và các Hiệp ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên (IUCN, CITES…).
Vượn Bạc Má tại Vườn quốc gia Bến En. Ảnh: Tinvn
Phục hồi trên 2.500 ha rừng nghèo, nghèo kiệt tại các khu vực giáp ranh, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ hành chính thông qua các hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và làm giàu rừng. Hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ bảo tồn nội vi, bảo tồn ngoại vi các giống loài động thực vật hiện có trong Vườn quốc gia Bến En.
Khai thác hiệu quả các giá trị dịch vụ môi trường rừng (cho thuê kinh doanh du lịch, trồng cây dưới tán rừng, cung cấp nguồn nước, hấp thụ và lưu giữ cácbon, cung ứng bãi đẻ, nuôi trồng thủy sản…). Mở rộng hành lang đa dạng sinh học, hành lang xanh giữa Vườn quốc gia Bến En với các chủ rừng liền kề gắn với đảm bảo chức năng phòng hộ, điều tiết nguồn nước cho hồ sông Mực.
Kinh phí thực hiện phương án được xác định chủ yếu từ nguồn vốn đơn vị huy động theo hình thức đầu tư và xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng và vốn tự có hợp pháp của đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Bến En, giai đoạn 2021 - 2030 sau khi được phê duyệt;…
Hồ sông Mực thuộc địa phận Vườn quốc gia Bến En. Ảnh: TL
Quyết định phê duyệt cũng xác định mục tiêu về kinh tế của phương án bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Bến En giai đoạn 2021-2030 nhằm tạo thêm nguồn thu hợp pháp để hỗ trợ, tổ chức các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bến En. Đa dạng hoá các chương trình hợp tác, liên doanh, liên kết, tạo nguồn tài chính ổn định, cải thiện sinh kế bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng, người dân địa phương.
Xây dựng, triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Vườn Quốc gia Bến En giai đoạn 2021 – 2030 làm cơ sở để cho thuê môi trường rừng, hài hòa giữa lợi ích bảo tồn, bảo vệ môi trường với lợi ích kinh tế, tiến tới từng bước tự chủ về tài chính, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước…
Huỳnh Hữu Tiến
Như Người Đô Thị đã thông tin, ngày 18.5, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 6592/UBND-CN cho biết đã nhận được Công văn số 1541/BXD-QHKT ngày 10.5 của Bộ Xây dựng về việc hồ sơ đồ án Điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ giải trí cao cấp Bến En (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa).
Sau khi xem xét, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm chỉ đạo giao Sở Xây dựng căn cứ ý kiến của Bộ Xây dựng tại công văn trên và Thông báo số 124/TB-UBND ngày 7.5 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm tại hội nghị nghe báo cáo quy hoạch các dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, để hướng dẫn Công ty nghiên cứu đồ án Điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ giải trí cao cấp Bến En và báo cáo theo quy định.
Hai ngày sau chỉ đạo hướng dẫn Tập đoàn Sun Group nghiên cứu đồ án “Điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ giải trí cao cấp Bến En”, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung thị trấn Bến Sung, do Tập đoàn Sun Group tài trợ kinh phí.
Tiếp đó, UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 9.6.2021 đã có Quyết định số 1973/QĐ-UBND chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En tại huyện Như Thanh, của Tập đoàn Sun Group.
Theo đó, nội dung quy mô dự án đã chấp thuận tại Quyết định số 3774/QĐ-UBND ngày 29.9.2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa là 1.492,68 ha (trong đó diện tích thuê môi trường rừng Vườn quốc gia Bến En là 676,6 ha) điều chỉnh giảm còn 767,58 ha (bao gồm diện tích đất và mặt nước thực hiện dự án).