GS-TS. Nguyễn Vân Nam từng là luật sư giúp đỡ miễn phí về pháp lý cho người nông dân đầu tiên của tỉnh Đồng Nai - anh Nguyễn Lam Sơn - đứng ra làm các thủ tục kiện Vedan ra tòa do bị thiệt hại bởi ô nhiễm môi trường. Từ bước ngoặt này, hàng ngàn nông dân các tỉnh Đồng Nai, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu sau đó đã nộp đơn khởi kiện Vedan.
![]() |
|||||
GS-TS. Nguyễn Vân Nam |
Mở đầu câu chuyện về vụ Formosa gây ra thảm họa môi trường biển ở miền Trung, ông Nam cho biết:
Theo luật pháp Việt Nam, Đài Loan hay chuẩn mực quốc tế, cam kết bồi thường của Formosa, trừ phi đã được Chính phủ Việt Nam ký xác nhận đồng ý, vẫn chỉ là một tuyên bố ý chí đơn phương có thể không thực hiện, hoặc rút lại bất cứ lúc nào. Cam kết bồi thường cần được hợp pháp hóa dưới hình thức một thỏa thuận (hợp đồng) bồi thường với chữ ký xác nhận của các bên liên quan. Nó sẽ là cơ sở pháp lý cho việc sử dụng tiền bồi thường và quy định các hệ quả pháp lý.
Thông thường, một thỏa thuận như vậy ít nhất cũng phải xác định rõ ý nghĩa và mục đích của khoản tiền; phạm vi, đối tượng những người được nhận tiền; quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của bên trả tiền cũng như của bên nhận tiền sau khi nhận tiền. Đặc biệt phải quy định cụ thể, với việc trả bồi thường, bên trả tiền sẽ được loại trừ, giải phóng khỏi những nghĩa vụ, trách nhiệm nào; người nhận tiền sẽ không còn các quyền nào.
Thưa ông, Nhà nước có quyền yêu cầu Formosa bồi thường những gì?
Chính phủ Việt Nam có quyền yêu cầu Formosa bồi thường những tổn thất về môi trường biển, làm mất giá trị kinh tế biển và thất thu về thuế do kinh tế biển ở các vùng bị ô nhiễm giảm sút v.v.. Chính phủ còn có quyền yêu cầu Formosa trả tiền khắc phục hậu quả ô nhiễm và đưa vùng biển bị ô nhiễm trở lại trạng thái như trước khi ô nhiễm.
Theo thông lệ quốc tế, các khoản tiền được gọi là tiền bồi thường không phải là tiền nhằm hỗ trợ những người thiệt hại để họ có tương lai tốt hơn, hay phát triển kinh tế ở những địa phương bị thiệt hại; cũng không phải là khoản tiền đã bao gồm chi phí tái tạo môi trường. Chính quyền địa phương nơi chịu ảnh hưởng ô nhiễm có quyền yêu cầu Formosa bồi thường các thiệt hại cho địa phương mình như: thất thu thuế (đánh bắt và tiêu thụ hải sản giảm, dân cư chuyển đến sinh sống ở địa phương khác); doanh thu của các ngành kinh doanh khác như du lịch giảm; do ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân trên địa bàn; cũng như yêu cầu Formosa chịu chi phí chuyển đổi ngành nghề cho những ngư dân nào bị thiệt hại do Formosa gây nên đến mức không muốn tiếp tục đánh bắt hải sản nữa,...
Các hiệp hội nghề nghiệp có quyền khởi kiện buộc Formosa bồi thường tổn thất do giảm tiền hội phí vì hội viên giảm thu nhập; tổn thất do bảo lãnh vay vốn cho hội viên là ngư dân, v.v.. Các cá nhân có quyền yêu cầu Formosa bồi thường các thiệt hại vật chất, tính mạng và sức khỏe do Formosa gây ra cho bản thân. Hiện nay, do Formosa đã thừa nhận mình gây ra ô nhiễm, nên việc khởi kiện của các cá nhân rất thuận lợi.
Ở vụ Vedan, sau này là Sonadezi, ông từng lên tiếng rất nhiều và ủng hộ ý thức của người dân về quyền và trách nhiệm bảo vệ bản thân bằng pháp luật khi họ bị xâm phạm. Cụ thể là hàng loạt người dân bị tổn hại vì ô nhiễm môi trường đã nộp đơn khởi kiện công ty gây ô nhiễm. Còn trong trường hợp Formosa gây ô nhiễm, ông nói gì?
Trong bất kỳ trường hợp nào, người bị thiệt hại cũng phải được đảm bảo có quyền trực tiếp khởi kiện người gây thiệt hại cho họ. Bảo đảm được quyền này cũng là một trong những nền tảng tạo dựng niềm tin của người dân vào pháp luật.
Nếu Chính phủ đã nhận bồi thường của Formosa - điều tôi vẫn hy vọng là chưa có hiệu lực pháp lý - thì đây cũng chỉ là khoản tiền đáp ứng các yêu cầu bồi thường mà Chính phủ có quyền yêu cầu mà thôi.
Đạt được một thỏa thuận bồi thường cho các yêu cầu của Chính phủ cũng là một việc hoàn toàn không dễ dàng, mà ngược lại, rất dễ “sai một ly đi một dặm”. Vì Formosa rất có kinh nghiệm đối phó với những vụ tương tự.
Tuy vậy, phía Việt Nam có hai “vũ khí” đàm phán rất hiệu quả là: quyền buộc Formosa tạm ngừng hoạt động vô thời hạn và quyền khởi kiện cá nhân của người bị thiệt hại. Mục tiêu đàm phán nên là: buộc Formosa phải ký cam kết thực hiện tối thiểu ba nghĩa vụ cơ bản: đưa môi trường bị hủy hoại trở về trạng thái ban đầu; bảo đảm không tái phạm gây ô nhiễm dưới bất kỳ hình thức, mức độ nào; và bảo đảm đền bù thỏa đáng cho những người bị thiệt hại, bảo đảm quyền khởi kiện khi họ thấy tiền bồi thường chưa thỏa đáng.
Khi đàm phán với Chính phủ, có thể Formosa sẽ yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm đảm bảo cho họ không bị những cá nhân chịu thiệt hại khởi kiện dân sự. Tuy nhiên, theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, Chính phủ không có quyền tổng quát thay mặt các cá nhân bị thiệt hại nói chung, mà phải được sự ủy quyền của riêng từng người. Do đó, dù trong thỏa thuận có điều khoản buộc Chính phủ bảo đảm như vậy, nó cũng không giúp được gì cho Formosa khi có tranh chấp về thẩm quyền tại một tòa án ở Đài Loan.
Các hoạt động thu mua cá tại cảng cá sông Gianh, Quảng Bình ngày 7.7. Các chủ trung tâm thu mua cá tại cảng cho hay, họ mua cá để bán cho những nơi chế biến thức ăn chăn nuôi. Ảnh Kim Dung
Cơ quan công quyền Đài Loan nói họ hoan nghênh thỏa thuận đã đạt được giữa chính phủ Việt Nam và Formosa. Nếu đúng vậy, Chính phủ cần công bố toàn văn thỏa thuận đó cho công luận biết.
Ngay cả khi thỏa thuận bồi thường buộc Chính phủ Việt Nam bảo đảm cho Formosa không bị các cá nhân khởi kiện chăng nữa, họ vẫn có thể kiện Formosa tại một tòa án có thẩm quyền của Đài Loan, nếu thấy mình không được bồi thường thỏa đáng.
Tòa án Đài Loan sẽ quyết định người khởi kiện cá nhân có bị ràng buộc bởi thỏa thuận giữa Formosa và Chính phủ Việt Nam hay không. Câu trả lời chắc chắn sẽ là: Không!
Vừa qua đã có nhiều người dân từ chối nhận tiền đền bù, hỗ trợ thiệt hại từ Formosa vì họ cho rằng nhận hỗ trợ là tiếp tay cho công ty này, cái họ cần là trả lại môi trường biển trong sạch. Ông nói gì về quyền và trách nhiệm bảo vệ bản thân bằng pháp luật của những người dân miền Trung bị thiệt hại do ô nhiễm Formosa?
Quan niệm của người dân như vậy hơi cực đoan và không có lợi. Họ vẫn có thể nhận tiền bồi thường mà vẫn có quyền yêu cầu Formosa trả lại môi trường biển trong sạch. Vì trước hết, Formosa có cả hai nghĩa vụ: bồi thường thiệt hại cho ngư dân, và đưa môi trường biển trở lại như khi chưa bị ô nhiễm. Sau nữa, mỗi người dân đều có quyền nhận bồi thường theo từng phần, từng giai đoạn cho đến khi được bồi thường đầy đủ.
Muốn vậy: khi ký nhận bồi thường, họ phải được sự tư vấn của luật sư giỏi về nội dung ký nhận; và phải được một cơ quan có thẩm quyền xác nhận tổng giá trị thiệt hại theo đúng yêu cầu của họ. Khi cần thiết, họ phải yêu cầu tòa án công nhận giá trị thiệt hại này.
Ông nhìn nhận như thế nào về kế hoạch sử dụng khoản tiền bồi thường hiện nay của Nhà nước, trong đó có những chính sách hỗ trợ cho những người thiệt hại bằng nhiều phương cách khác nhau, thậm chí là chuyển đổi ngành nghề, dùng khoản tiền này giúp hạ lãi suất cho vay với người dân đầu tư tàu đánh bắt xa bờ chỉ còn 1-1,5%...?
Căn cứ vào thỏa thuận này, mới có thể biết khoản tiền đó được phép sử dụng thế nào, vì mục đích gì, và cho ai. Dù đó là khoản tiền Formosa đồng ý bồi thường theo yêu cầu của Chính phủ, nó cũng chỉ được phép sử dụng cho các mục đích do hai bên thỏa thuận.
Nếu thỏa thuận cho phép sử dụng nó để hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, để tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt xa bờ thì Chính phủ mới có quyền làm như vậy. Trong trường hợp thỏa thuận không quy địnhđủ rõ về mục đích sử dụng tiền bồi thường, thì theo thông lệ quốc tế, nó chỉ được hiểu là tiền đền bù thiệt hại, chứ không phải là đã bao gồm tiền khắc phục hậu quả, tiền tái tạo môi trường, hay tiền hỗ trợ sinh kế trong tương lai.
Trừ khi thỏa thuận giữa Chính phủ và Formosa quy định rõ tiền bồi thường được chuyển cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt nam, nếu không, nó không thể được chuyển vào quỹ này. Vì Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam chỉ là nơi tiếp nhận nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các tài trợ đóng góp của các nguồn khác. Tiền bồi thường không phải nguồn thu ngân sách nhà nước, càng không phải là tài trợ của Formosa.
Trừ trường hợp bồi thường cho Chính phủ Việt Nam, không nên thành lập một quỹ bồi thường hay bất kỳ hình thức quỹ nào để quản lý các khoản tiền bồi thường của Formosa. Chỉ cần thành lập ban quản lý tiền bồi thường là đủ. Các cá nhân bị thiệt hại cần có người đại diện tại ban quản lý. Những đại diện này nên là các luật sư có kinh nghiệm, mỗi luật sư chỉ nên đại diện cho một số có giới hạn những người bị thiệt hại.
Theo chúng tôi được biết, đã bắt đầu có những cá nhân người dân bị thiệt hại do Formosa đang chuẩn bị hồ sơ khởi kiện công ty này. Trong diễn biến hiện nay, người dân không chấp nhận bồi thường của Formosa thì có thể khởi kiện Formosa yêu cầu bồi thường vì bị thiệt hại không? Người dân và các tổ chức bị thiệt hại có thể nộp đơn khởi kiện Formosa ở đâu? Họ cần phải trang bị cho mình những gì khi ra tòa?
Dù Chính phủ đã chấp nhận khoản tiền bồi thường, các pháp nhân, tổ chức, cá nhân khác vẫn hoàn toàn có quyền tiếp tục khởi kiện buộc Formosa phải bồi thường. Đó có thể là các hiệp hội, doanh nghiệp và các cá nhân chịu thiệt hại.
Người dân hoặc các tổ chức phi chính phủ có thể khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại tại các tòa án có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của Đài Loan. Đối tượng bị kiện có thể là Formosa Việt Nam, hoặc Formosa Đài Loan (công ty mẹ của Formosa Việt Nam), hoặc cả hai. Khi khởi kiện ở Việt Nam, họ sẽ vấp phải hàng loạt khó khăn, quá trình chứng minh thiệt hại thực tế cũng có thể kéo dài vô tận với đơn vị tính là năm, chứ không còn là ngày, tháng...
Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất là họ sẽ không còn có thể khởi kiện Formosa tại Đài Loan được nữa, khi một tòa án Việt Nam đã thụ lý và xét xử tranh chấp. Mặc dù vậy, nếu khéo léo, người bị thiệt hại Việt Nam vẫn có thể sử dụng được khả năng khởi kiện dân sự cả ở Việt Nam lẫn Đài Loan.
Khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại đối với kẻ phá hoại môi trường là một pháp nhân đa quốc gia, luôn luôn là một cuộc chiến rất phức tạp. Vì vậy, người dân không nên tự mình làm, mà phải được đại diện bởi các luật sư giỏi trong lĩnh vực này.
Một câu hỏi mà rất nhiều người dân Việt Nam hiện nay quan tâm là có thể đóng cửa những nhà máy gây nguy cơ ô nhiễm lớn như Formosa, hay Lee & Man... hay không?
Tất nhiên, nhiều người muốn đóng cửa Formosa. Nhưng một mặt, chúng ta không biết trong giấy phép, hay thỏa thuận đầu tư với Formosa có những quy định nào có thể loại trừ một số quyền của Chính phủ Việt Nam, hay về các điều kiện để đóng cửa một dự án đầu tư? Mặt khác, không cần phải đóng cửa vĩnh viễn, cơ quan chức năng vẫn có thể tạm ngừng không cho nhà máy này hoạt động, cho đến khi nó đảm bảo được các tiêu chuẩn về môi trường, các điều kiện đảm bảo không tái phạm gây ô nhiễm.
Vedan, Formosa, Lee & Man có điểm chung là đều cho rằng người Việt Nam sẽ chấp nhận tất cả để làm kinh tế. Vì vậy họ đều thích đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, đều rất ngoan cố khi phải chấp nhận có lỗi và cũng rất láu cá khi đàm phán bồi thường thiệt hại. Thái độ ngạo mạn của đại diện Formosa khi tuyên bố hoặc là tôm cá hoặc là sắt thép, cũng có thể là thái độ và kiểu lập luận chung của các nhà đầu tư muốn đưa công nghệ lạc hậu, có khả năng hủy hoại môi trường vào Việt Nam. Chúng ta cần tỏ rõ thái độ dứt khoát không chấp nhận điều này. Vì thế, cũng nên tạm thời đóng cửa nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang cho đến khi nó đảm bảo hoạt động mà không gây ô nhiễm.
Nên mời chuyên gia nước ngoài, các tổ chức, hiệp hội có chuyên môn sâu về bảo vệ môi trường tham gia ủy ban kiểm tra điều kiện an toàn môi trường đối với các dự án, nhà máy tương tự như Formosa, Lee & Man.
Sự tham gia của họ một mặt cho các nhà đầu tư khác thấy Việt Nam cương quyết nói không với các công nghệ bẩn; mặt khác, kết luận của một ủy ban có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài cũng sẽ là các bằng chứng có tính thuyết phục cao khi phải tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài tại các hội đồng xét xử quốc tế.
Lê Quỳnh thực hiện
Cùng chuyên đề:
>>Thảm hoạ Formosa: Pháp lý của việc bồi thường và quyền của người dân bị thiệt hại
>>Cần lấy lại niềm tin từ minh bạch thông tin
Tin, bài liên quan:
>> Khởi tố vụ chôn lấp 100 tấn chất thải của Formosa
>> Chất thải của Formosa chứa xyanua vượt ngưỡng
» Phát hiện 100 tấn chất thải Formosa chôn trong trang trại
>>Vụ Formosa: Bao giờ thì khôi phục môi trường biển để làm ăn lại bình thường?
» Vân Lâm: Thủ phủ Formosa, tâm điểm của ung thư
» Vụ cá chết hàng loạt: Dân miền Trung cần khởi kiện Formosa đòi bồi thường thiệt hại
» Thảm họa Formosa: đã làm được gì và còn phải làm gì?
» Hậu sự cố Formosa: “phải rà soát lại tất cả dự án tại Việt Nam”
» Một vài suy nghĩ sau khi Formosa nhận lỗi gây sự cố môi trường miền Trung
» Bốn bài học rút ra từ thảm họa môi trường Formosa
» Từ cá chết Vũng Áng đến Formosa: Nhìn lại quy hoạch môi trường
» Thảm họa Formosa: Pháp lý của việc bồi thường và quyền của người dân bị thiệt hại
» Thảm họa Formosa: Từ cảnh báo di dân đến đề xuất ngừng hoạt động