Khi đó ở Brazil vẫn đang là mùa xuân, trong căn phòng ở thành phố Petrópolis, Stefan Zweig viết những dòng chữ cuối cùng của sự nghiệp văn chương lừng lẫy kéo dài suốt nhiều thập niên. Nhà văn tự sát cùng vợ, kết thúc cuộc đời đầy biến động, lưu vong và thất chí.
Trước lúc lựa chọn cái chết năm 1942, Stefan Zweig đã kịp hoàn thành cuốn hồi ký Thế giới những ngày qua - Hồi ức của một người dân châu Âu (*), nhưng không bao giờ có cơ hội nhìn thấy tác phẩm đến tay độc giả. Cũng trong năm 1942 đó, tác phẩm được xuất bản lần đầu ở Stockholm, Thuỵ Điển. Ba năm sau đó, Thế chiến Thứ hai kết thúc, nhưng Zweig “quá sốt ruột” để chờ đợi “bình minh sau đêm dài”.
Có thể xem hồi ký Thế giới những ngày qua như lời tỏ tình của Zweig đến nền văn minh đã sinh ra ông, đến những nghệ sĩ mà ông tôn sùng, một bức thư tình chứa trong đó tình yêu vô điều kiện, sự sùng mộ lẫn niềm đắng cay của một đoạn kết dang dở.
Để nói về tình yêu của Zweig với Âu châu già nua nhưng kiêu hãnh, với nền văn minh của mình, cần điểm một nét tiểu sử của ông. Stefan Zweig sinh trưởng ở Vienne thuộc đế quốc Áo - Hung nhưng là một Áo - Hung thuộc khối lục địa Âu châu. Tuy ngôn ngữ dị biệt nhưng lại gắn bó với nhau bằng một thứ tinh thần chung, một niềm tự hào mà có lẽ những công dân bên ngoài châu lục này khó hiểu nổi.
Nhà văn Stefan Zweig phát ngôn với tư cách một công dân Áo, nhưng nước Áo đó là một phần của châu Âu. Cho nên trong Thế giới những ngày qua, ta có thể ngạc nhiên khi Thế chiến Thứ nhất diễn ra (1914 – 1918), dù thuộc những phe khác nhau nhưng đôi khi công dân các nước vẫn di chuyển qua lại, trao đổi với nhau và sau cuộc chiến thì việc hàn gắn nhanh đến mức nghệ sĩ nào từng được tung hô vì những vần thơ căm thù đối phương, sau chiến tranh liền bị xa lánh, ghẻ lạnh.
Ngay từ tựa phụ Hồi ức của một người dân châu Âu chứ không phải Hồi ức của một người dân Áo, Stefan Zweig đã phát ngôn với tư cách một công dân châu Âu, đã đồng nhất tiểu sử cá nhân với lịch sử của một châu lục, một châu lục dẫu suốt chiều dài lịch sử của mình có những xáo trộn về biên giới, các cuộc xung đột nhưng đã tạo ra một nền văn minh với những tiến bộ khoa học kỹ thuật lẫn nghệ thuật đáng tự hào đến độ, những người như Zweig sẵn sàng chết vì nó, và thật sự đã chết vì nó.
Cũng giống như năm 1956, trước khi văn phòng Thông tấn xã Hungary bị hỏa lực san bằng, vị giám đốc đã gửi bức điện cuối cùng tới toàn thế giới và kết thúc bằng câu: “Chúng tôi sẽ chết cho Hungary và châu Âu”. Cần coi cái chết của Zweig như hành động đoạn tuyệt của một công dân châu Âu khỏi phải chứng kiến nền văn minh vĩ đại này trượt vào man rợ, dưới sự thống trị của chủ nghĩa phát xít.
Đọc Thế giới những ngày qua mới rõ bi kịch tinh thần mà những giá trị tri thức châu Âu phải hứng chịu. Zweig đã sinh ra trong một thế giới yên bình, dù thi thoảng có những biến động nhưng cơ bản không làm lung lay trật tự xã hội cố cựu mà vững bền đó. Một xã hội có giáo dục nơi con người còn tin tưởng vào đạo đức và kiêu hãnh với những giá trị lâu đời. Đó là một thế giới khác mà con người ở thế kỷ XXI dù Á hay Âu, Đông hay Tây cũng khó có thể hình dung. Chúng ta luôn nghe rằng thế giới đang phẳng đi, những biên giới bị xóa nhòa, nhưng Zweig cho ta thấy chính ở châu Âu vào thời của ông, các quốc gia mới thật sự có nhiều điểm chung đến vậy.
Stefan Zweig đã viết về ba giai đoạn của cuộc đời mình tương ứng với ba giai đoạn trong lịch sử châu Âu. Đó là thời bình yên, Chiến tranh Thế giới Thứ nhất và những năm đầu của Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Nhà văn đã ký thác tấm lòng của mình vào thời đại, một thời đại rồi sẽ không bao giờ còn tái hiện bởi thế giới đã không còn khả năng trở về trật tự ban đầu nữa.
Bản thảo của Thế giới những ngày qua được Stefan Zweig viết từ năm 1934 đến năm 1942, đem qua nhiều châu lục như thể ông sợ rằng nếu không ghi chép kịp, hậu thế sẽ không biết thế giới đã từng đẹp thế nào và điều gì đã hủy hoại vẻ đẹp đó.
Trong bối cảnh đại dịch đang đe dọa toàn cầu, độc giả tiếp nhận Thế giới những ngày qua như tiếp nhận lại một thế giới đã mất. Thế giới những ngày qua của chúng ta cũng đang diễn ra như Zweig từng chứng kiến, một thế giới đang thay da đổi thịt và bị đe dọa. Trong thế giới ngày nay, con người chìm trong sự nghi kỵ, khi xã hội bị ngăn cách, khi sự tồn vong của nhân loại bị đe dọa, tự do bị hạn chế đến thở được cũng là một điều quý báu. Nhưng rồi như chính Zweig đã viết, dù rằng ông đã không đủ kiên nhẫn để chờ đợi: bình minh sẽ trở lại sau đêm dài!
Bài và ảnh: Huỳnh Trọng Khang
_______________
(*) Bản tiếng Việt do Phùng Đệ và Trần Nam Lượng dịch, Phoenix Books và NXB Hồng Đức ấn hành 2021