Tôi và rất nhiều người mà tôi biết không ai phủ nhận mục đích tốt đẹp hướng đến bảo vệ sức khoẻ người dân, sức khoẻ cộng đồng và phát triển xã hội của việc ban hành dự luật nói trên. Lập luận của các nhà làm luật cũng hoàn toàn thuyết phục khi cho rằng hạn chế tác hại của rượu bia là việc hết sức cấp bách. Tuy nhiên, cấm hoặc hạn chế như thế nào cho hiệu quả là câu chuyện cần phải được nghiên cứu, tính toán cho thật kỹ lưỡng và khoa học căn cứ vào các yếu tố từ xã hội, văn hoá, pháp lý đến thị trường, thói quen tiêu dùng và đặc biệt là sự phát triển của những ngành nghề kinh tế có liên quan (như du lịch) chứ không chỉ đơn giản “không quản được thì cấm” hoặc “đã muốn cấm là cấm” được.
Quá chú trọng vào những quy định có tính cơ học, trong khi việc vận dụng các quy định hiện hữu nhằm ngăn chặn từ xa (như tăng thuế thật cao hoặc xử phạt thật nặng với hành vi mua bán rượu bia hoặc vi phạm giao thông, gây mất an ninh trật tự… do say xỉn) lại chưa được chú trọng, tận dụng triệt để là điều có thể thấy khi đọc qua các quy định trong dự luật.
Đề xuất cấm bán rượu bia sau 22 giờ là một kiểu quy định cơ học điển hình. Không khó để hình dung sự vô hiệu của quy định này nếu nó được triển khai trong thực tế (như quy định cấm bán thuốc lá ngoại, cấm bán thuốc lá cho trẻ em... từng bị vô hiệu) bởi thực tế cuộc sống đang tồn tại quá nhiều yếu tố triệt tiêu tính khả thi của quy định ấy. Quy định người bán chỉ được bán rượu bia cho mỗi người uống tại chỗ với hàm lượng tối đa không quá 1 đơn vị rượu/giờ với nam và 1/2 đơn vị/giờ với nữ (một đơn vị rượu là khoảng một lon bia 330ml, hoặc một ly 30ml rượu mạnh 40 độ) lại càng không khả thi. Chủ quán nào chẳng muốn bán được nhiều hàng hoá để kiếm thêm lợi nhuận, làm sao có thể giữ vai trò “trọng tài” để nhắc nhở, kiểm soát khách, chưa kể lực lượng kiểm tra xử phạt phải cần đến bao nhiêu người mới có thể giám sát được hết việc mua - bán diễn ra từng giờ trong rất nhiều quán ăn, quán rượu có mặt ở khắp nơi và đặc biệt là khi hai bên mua - bán cùng thông đồng vi phạm? Rộng hơn, ở một xã hội tiêu dùng, những cấm đoán giống như kiểu lệnh giới nghiêm thời chiến liệu có vi phạm các quyền cơ bản của con người cũng như quyền kinh doanh?
Theo trả lời của ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng vụ Pháp chế của bộ Y tế - đơn vị soạn dự thảo luật này - sở dĩ dự thảo có những quy định cấm như vậy là vì sử dụng rượu, bia trong khoảng thời gian sau 10 giờ đêm dễ dẫn tới tình trạng gây mất trật tự an ninh xã hội, vi phạm nếp sống văn minh nơi công cộng. Thử điểm lại các chế tài đối với người sử dụng bia rượu quá độ, tôi thấy không hề thiếu: uống rượu bia mà lái xe sẽ xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ, buôn bán gây mất an ninh trật tự, gây ô nhiễm tiếng ồn thì sẽ bị xử lý theo quy định… Vậy, có cần thêm những quy định kiểu như trên hay chỉ cần các cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm theo những quy định hiện hành là đã có thể ngăn chặn phần lớn những nỗi lo toan mà bộ Y tế dự liệu?
Dù thống kê cho thấy những con số khủng khiếp: Việt Nam đang là nước tiêu thụ bia cao thứ ba tại châu Á, 90% đàn ông uống rượu bia và 1/4 trong số đó uống đến mức độ có hại, có đến 4,4% người dân phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu bia… nhưng liệu rằng động thái cấm mua - cấm bán rượu bia, như đề xuất của bộ Y tế trong dự thảo luật Phòng chống tác hại của rượu bia, có khả thi?
Nguyễn Hồng Thiệp (Quận 12, TP.HCM)