1 .
Tiếng Việt mình hay nhỉ, chữ ngắn, nói gọn, đỡ tốn hơi. Dùng: dùng tạm, dùng tiện, dùng bền, dùng một lần, dùng dè sẻn, dùng bừa bãi…
Thay dấu “nặng”, thành dụng, hàm ý hơn: sử dụng, thích dụng, ứng dụng, công dụng, vô dụng, thông dụng, lạm dụng…
Chữ ngắn cộc mà lắm ý, lắm tứ.
Chữ Nho khó nhớ, khó viết, thành ra dùng kiệm.
Có máy tính, thuận nghĩ thuận chép, thành ra dùng lạm. Lụt chữ.
Các cụ mình xưa kia kiệm cả chữ, kiệm cả dùng. Từ đấy, nảy sinh cách nghĩ, cách ứng xử và lối sống chừng mực. Chừng mực làm nảy sinh cái cán cân vô hình, nó duy trì sự cân bằng.
2 .
Người đời sống, trước tiên là tiêu thụ, sau là tiêu dùng. Tiêu thụ, thải xuống nước, vùi xuống đất. Tiêu dùng thì dùng rồi bỏ đi, dùng lại, dùng lâu, truyền cho con cháu dùng. Phụ thuộc ở sự rẻ, sự bền, sự hiếm và sự quý.
Lưu lại, lắm khi bởi nhẽ tiếc của Giời.
Thuở xưa, sự no đủ nhìn vào bữa cơm: cơm có độn hay không, cơm xới được mấy bát. Cày cấy, trồng trọt và chăn nuôi xó vườn, quanh quẩn trong làng ngoài đồng, mấy ai no đủ, mấy ai phong lưu. Việc dùng giản tiện. Gỗ, tre, mây, lá - sẵn trong vườn. Tự tay làm ra tất tật, to nhỏ vặt vãnh. Họa hoằn mới ra chợ.
Hoàn cảnh eo hẹp, sống dè sẻn, đơn sơ. Ít nghĩ đến chuyện vẽ vời. Cái nhà làm bằng tre và gỗ, vật dụng là cái chõng, cái chạn, cái nong nia… cũng bằng mây tre - để mộc hết. Duy đồ thờ thêm chút nước sơn. Trong chuyện mặc, trong làng ngoài phố, dùng đa phần đồ nhuộm nâu mộc, cho bền và nhã. Thành ra nói về con người, khen cái sự mộc mạc.
Ngoái nhìn kiến trúc và mỹ thuật, văn hóa và lối sống, thôn quê và phố phường, nhà cửa và đồ dùng, nhận ra một đặc điểm cũng là một giá trị xuyên suốt: đó là sự thiên về tính thô mộc, chân chất.
3.
Vài chục năm nay, xã hội khấm khá lên trông thấy, nhận rõ hơn cả ở sự dùng.
Sự dùng và sự đáp ứng sánh đôi, rượt đuổi nhau. Đa dạng, đa chất, đa vẻ, đa tầm và đa phẩm hàm. Tưởng như bất tận.
Xã hội thời nay tiêu dùng nhiều và vội. Càng dùng càng khát. Sự ham dùng đi ngược tính hợp lý, trớ trêu trong thời đại tuyệt đối hóa tư duy hợp lý. Hợp lý tuyệt đối hóa thành tư duy thực dụng.
Sự dùng với nhiều người sẵn tiền và chưa hẳn sẵn tiền, trở thành sự thỏa. Thỏa sức, thỏa ước, thỏa thuê, thỏa mãn... Thỏa mãn cho bõ cái thời khấm khó, cho xứng với mình, cho hợp thời, cho chẳng kém ai, cho hơn thiên hạ.
Thế là trong việc xây cất nhà ở, bày biện nhà ở cho mình, bùng phát rầm rộ và lan tỏa phong trào/cao trào cung điện hóa, thánh đường hóa, “cổ điển” hóa.
Giữa những khuôn viên rộng rãi, lèn vào dãy phố chia lô, thậm chí trong ngõ làng chật chội, mọc lên những ngôi nhà, tòa nhà đồ sộ, khung và sàn bê tông cốt thép, tường vách xây gạch. Tưởng như chỉ cần hoàn thiện nhất thiết là xong. Ấy vậy mà việc hoàn thiện lại được hiểu và được đầu tư công sức, tiền bạc không kém phần xây cất. Bởi đó chính là việc cung điện hóa, thánh đường hóa cái ngôi nhà ở, vốn có bổn phận thực dụng hơn hai cái kiến tạo kia. Người ta đem ghép vào mặt chính, thậm chí mặt bên tòa nhà cái kiến trúc cửa ra vào, với hàng cột giả đá, đầu cột trang trí bởi thức iônic, đôric hoặc corinth, phiên bản từ những phiên bản. Người ta đem ốp ghép, đem đắp trát lên mặt nhà những ban công, những lan can, những trang trí rườm rà, kín đặc mặt nhà. Một bữa tiệc thừa bứa, bưng bê từ quá khứ văn minh xứ sở người mà con cháu họ không xài nữa.
Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: Nguyễn Việt Thanh
Chưa đủ, người ta còn đem chồng lên nóc nhà một cấu trúc “hoành tráng”, “ấn tượng” - đó là cái mái vòm, lợp ngói men, trang trí đa sắc. Mái vòm không che chứa gì, nó có vai trò “biểu hiện”. Mái vòm của kiến trúc sư Brunelleschi dựng ở thánh đường thành Florence thời Phục hưng, đã được nhân bản vụng về - thật thà ở ta. Nơi nơi, tòa nhà ở - thánh đường hóa, với mái vòm lồng lộng, lấn át hẳn tháp chuông nhà thờ, vốn dĩ độc tôn.
Nhà ở, giả cổ và giả Tây, hóa ra đi dự lễ hội hóa trang.
Đó là chuyện về cái áo khoác và cái mũ miện choàng lên ngôi nhà. Đi chuyển vào ruột gan của nó - nội thất và đồ đạc thì thấy ngoài và trong chung một tinh thần: trang điểm thỏa sức. Bên trong, khác ngoài, diễn ra cuộc gặp gỡ Đông - Tây, Tây - Tàu. Cả 4 diện: 4 mặt tường, trần và nền sàn, phủ kín đặc bởi các đề tài trang trí, tô vẽ, nạm khảm, đắp nổi… bằng đủ các chất liệu và màu sắc, với sự hiện diện thỏa thuê của gỗ quý và đá quý, sơn thếp giả son giả vàng, đèn chùm, nến vách…
Bộ xa lông bằng gỗ quý, khảm ốc, to ngoại cỡ, nặng hàng tấn. Cái chân bàn, cái để tựa tay, to chẳng kém đùi voi. Ghế sâu đến nỗi ông chủ ngồi vào chân thõng, mông không chiếm hết 2/3, còn tựa vào lưng ghế là không rồi vì nó được chạm thủng ngồn ngộn, có êm đâu. Lại thịnh hành đam mê khác là đem đặt vào phòng khách tấm đại ván rộng xấp xỉ 2m, dài dăm bảy mét và dày 20-30cm, khuân từ bên kia biên giới. Nhận ra: bàn càng rộng và ghế càng to, người càng nhỏ. Chiếc ghế mây song chẳng làm người ta hèn.
Một lần, thăm người quen ở trong nếp nhà - lâu đài mô tả ở trên, thấy cầu thang ốp đá hoa nhập choáng lộng, thấy hàng chục căn phòng chưa lấp kín và khó bề lấp kín, còn văn phòng bày toàn đồ gỗ sang ra mặt và ngoại cỡ. Phát hiện ở tầng trệt căn phòng nhỏ, đặt cỗ ván, trải chiếu mộc, đặt cái gối yên ngựa dệt cói… Thấy bạn tôi ngồi trên chiếc ghế thấp bé ngoại cỡ, rít điếu cày. Chà, nơi đây anh mới là anh chăng? Thế còn…
4.
Chừng mực là cái công cụ cân bằng vô hình trong việc dùng. Cân bằng mình với mình, mình với xung quanh, xã hội với thiên nhiên.
Chừng mực phụ thuộc trực tiếp ở cái miệng, đôi mắt, đôi tai và cái bao tử. Ở cái bao tiền.
Chừng mực phụ thuộc gián tiếp ở cảm thức và nhận thức.
Người có, tiêu xài nhiều. Người khó, tiêu xài ít.
Trên đời không phải ai ai cũng theo quy luật ấy. Bởi vậy, chừng mực liên quan đến phạm trù đạo đức, đến văn hóa.
Mỗi thời, chừng mực được nhận thức, được định đoạt mềm bởi những hoàn cảnh xã hội, chi phối nhu cầu dùng và khả năng đáp ứng nó.
Thời xưa, nhu cầu và khả năng đều hạn chế. Bởi vậy mà bao thế hệ từng cư ngụ ít để lại những ứ tồn. Tài nguyên Đất và Trời ít bị suy suyển. Thời nay nhu cầu và khả năng, cặp đôi ấy gia tăng đột biến, nhân lên gấp bội.
Xảy ra sự xộc xệch giữa cặp đôi này - nhu cầu đẻ nhu cầu, mà sự đáp ứng chưa đủ, ít cơ may đến với. Trí sáng tạo của con người có thể là vô biên, song tài nguyên thiên nhiên thì không vô biên.
Ai mà biết mảnh đất nuôi dưỡng cái cây đại thụ mà người ta pha thành cỗ ván khổng lồ, đem đặt trong ngôi nhà - cung điện kia, còn có đủ tốt bụng cho mọc lên cây khác, để dăm trăm năm sau, người ta lại ngả ra pha thành ván?!
Chớ biến mâm cỗ từ vườn bách thú bị mổ thịt.
Chớ biến nhà mình thành cửa hàng đồ gỗ, thành cửa hàng bách hóa. Thành nơi mình lọt thỏm.
Chớ phung phí tiền của và công sức vào việc biến cái tổ ấm gia đình thành cung điện để ở nhờ. Chớ biến nó thành hiện thân của sự xa hoa và phù phiếm.
Giàu - sang đi liền nhau. Giàu không hẳn dễ, khoe giàu không khó. Sang cần thời gian hơn cần tiền bạc. Sang, có được, nhiều khi từ sự chừng mực trong sự dùng.
Sự dùng. Xem ra đơn giản, mang bản chất văn hóa.
Hoàng Đạo Kính