Chiều ngày 12.10, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính Phủ, dẫn đầu là TS. Nguyễn Đức Kiên (Tổ trưởng Tổ tư vấn), đã đến thăm và làm việc tại văn phòng Ví điện tử MoMo. Tại buổi gặp gỡ các thành viên Tổ Tư vấn và ban lãnh đạo MoMo đã những trao đổi cởi mở xoay quanh nội dung vai trò của các công ty công nghệ, đổi mới sáng tạo trong bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam.
Nhóm thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính Phủ tham quan, trải nghiệm sản phẩm MoMo.
Đại diện Ví điện tử MoMo, ông Nguyễn Bá Diệp (Đồng sáng lập, Phó chủ tịch), đã dẫn đoàn tham quan các bộ phận quan trọng, được xem là “trái tim của MoMo”. Trong đó có trung tâm công nghệ sản phẩm, bộ phận nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), bộ phận phát triển giải pháp kết nối cho các doanh nghiệp SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương, hộ gia đình), đơn vị phát triển ứng dụng và quản lý vận hành...
Đại diện MoMo chia sẻ, vào tháng 9.2020, MoMo chính thức công bố cán mốc 20 triệu người sau 10 năm ra mắt thị trường. Đây là giai đoạn mở ra chiến lược mới của của Ví điện tử MoMo, trở thành siêu ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam. Theo đánh giá, sự xuất hiện của MoMo từ khi thị trường còn trong giai đoạn chưa hình thành cho đến khi bùng nổ như hiện nay đã để lại những nhiều dấu ấn, như thúc đẩy nhanh chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là việc hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay MoMo xây dựng hệ sinh thái hơn 120.000 điểm chấp nhận thanh toán của các đối tác lớn nhỏ, trong và ngoài nước, từ xe đẩy trái cây cho tới hộ kinh doanh. Tại trung tâm đầu não, MoMo thành lập bộ phận “Giải pháp cho đối tác” (Merchant Solution) chuyên tập trung phát triển, sáng tạo các giải pháp kết nối cho các doanh nghiệp SMEs.
Ngay trong quý IV.2020, người dùng Việt Nam sẽ thật sự được trải nghiệm siêu ứng dụng từ Ví MoMo. Với siêu ứng dụng, các đối tác có thể có thêm hàng triệu khách hàng mới, cũng như chăm sóc khách hàng một cách hiệu quả với chi phí thấp. Đặc biệt, siêu ứng dụng sẽ tạo điều kiện cho các đối tác nhỏ bé, đơn lẻ có thể tương tác trên nền tảng MoMo, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Điều này thêm ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện có tới 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp 47% vào GDP cả nước như IDC - Tập đoàn dữ liệu quốc thế giới công bố hồi đầu tháng 9.2020. Nếu tham gia vào quá trình chuyển đổi số, nhóm các doanh nghiệp này có thể đóng góp đến 30 tỉ USD vào GDP quốc gia vào năm 2024.
Số liệu IDC cũng cho thấy có tới 72% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số để đưa những sản phẩm mới ra thị trường. Tỉ lệ này tăng hơn gấp đôi so với năm 2019, chỉ ở mức 32%.
Đại diện MoMo chia sẻ về quá trình phát triển cũng như những dấu ấn sau 10 năm ra mắt thị trường.
Một đóng góp nữa của MoMo là thúc đẩy tài chính toàn diện. Phối hợp cùng các ngân hàng, tổ chức tài chính, MoMo xây dựng thang điểm tín dụng cá nhân (credit scoring) khi sử dụng ví điện tử này, giúp khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính, bảo hiểm một cách nhanh chóng, hiệu quả. Theo báo cáo của Google 2019, chỉ có khoảng 30% người Việt Nam trên độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng, thấp hơn so với những quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore. Tuy nhiên, tỉ lệ người lớn sử dụng smartphone tại Việt Nam lại chiếm tới 72%. Do đó, MoMo hướng tới phát triển giải pháp tài chính toàn diện cho người dân Việt Nam khắp mọi vùng miền nhằm giúp họ, đặc biệt nhóm thu nhập thấp có thể tiếp cận với các nguồn vốn vay chính thức một cách dễ dàng hơn.
Đặc biệt, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và cùng Chính phủ xây dựng hạ tầng thanh toán điện tử cho dịch vụ công là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của MoMo. Đến nay, người dùng của MoMo tại 40 tỉnh, thành trên toàn quốc đã có thể thanh toán phí, lệ phí, đóng phạt hành chính bằng Ví điện tử MoMo.
“MoMo không nhìn thanh toán dịch vụ công như mảng kinh doanh thông thường mà nó sẽ tạo ra những tác động lớn về mặt vĩ mô. Việc thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến về bản chất là thúc đẩy sự phát triển của xã hội, “xây dựng nền tảng của một xã hội không tiền mặt” như mục tiêu Chính phủ hướng tới”, ông Nguyễn Bá Diệp nhấn mạnh.
Ngoài ra, MoMo cũng được đánh giá là tạo cảm hứng cho các startup khởi nghiệp sáng tạo, đặt nền móng cho những công ty fintech tiếp tục phát triển. MoMo là một trong những ví đầu tiên thành lập tại Việt Nam và cũng là đơn vị tiên phong hợp tác với các ngân hàng, đối tác doanh nghiệp, mở rộng hệ sinh thái và tạo cảm hứng, tinh thần khởi nghiệp cho những công ty khác tham gia vào hệ sinh thái Fintech Việt Nam luôn đổi mới và phát triển để người dùng có thể tiếp cận tới những sản phẩm dịch vụ tốt nhất. Nếu như năm 2015, thị trường Fintech Việt Nam chỉ có 5 ví điện tử thì đến nay đã có 37 ví điện tử được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động.
Tại cuộc gặp, sau khi nghe giới thiệu tóm tắt về chặng đường cũng như đóng góp đặc biệt của MoMo, đại diện Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã có buổi trao đổi với ban lãnh đạo MoMo, trong đó nhấn mạnh vị trí, vai trò của fintech nói chung và MoMo nói riêng với sự phát triển chung của kinh tế - xã hội. Không dừng lại ở cung cấp dịch vụ thanh toán, sự sáng tạo, nhanh nhạy với thị trường cùng nền tảng công nghệ vững mạnh, các đơn vị như MoMo đang ngày một khẳng định vị trí quan trọng của mình, tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế Việt Nam, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong quá trình trao đổi với Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, đại điện MoMo cũng có những đề xuất liên quan đến hành lang pháp lý dành cho fintech, cụ thể là thúc đẩy và mở rộng thanh toán dịch vụ công (thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nộp phạt vi phạm hành chính,…) thông qua hình thức không tiền mặt và có cơ chế trà phí phù hợp. Đại diện ví điện tử cũng đề nghị có cơ chế pháp lý cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngành tài chính với đặc thù là mạch máu của nền kinh tế thường phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ chế quản lý rủi ro, hành lang pháp lý dành cho fintech cũng còn cần có quan điểm khoan dung, dễ chấp nhận hơn. Song song, là tinh thần khuyến khích các fintech phát triển thông qua các cơ chế hỗ trợ về miễn giảm thuế, thu hút nhân tài... Như vậy cũng phù hợp với tinh thần quốc gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mà Chính phủ hướng tới.
“Một khi đã có sự tham gia của công nghệ, người dân Việt Nam chắc chắn sẽ thuận tiện hơn trong tiếp cận các dịch vụ tài chính, sớm thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện của Chính phủ. Vì vậy, tinh thần pháp lý dành cho các fintech mà MoMo nói riêng và các đơn vị khác nói chung mong muốn là có sự bằng giữa lợi ích và rủi ro nhất định. Nếu như đổi mới đem lại lợi ích đến 99% thì cũng cần có quan điểm khoan dung hơn với 1 - 2% rủi ro có thể tăng lên khi mà chúng ta khuyến khích và cho phép các hình thái mới phát triển”, ông Nguyễn Bá Diệp bày tỏ.
Về phía Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cũng khẳng định mục tiêu cuối cùng của cơ quan lập pháp, cơ quan quản lý đối với thị trường fintech vẫn phải lấy sự an toàn của người dân và nền tài chính quốc gia làm trọng. Nhưng chắc chắn sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ, xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: "Trong quá trình phát triển của nền kinh tế cần phải có sự đồng bộ giữa công nghệ và cơ chế chính sách. Đúng là hiện nay cơ chế chính sách chúng ta vẫn đang ở tư tưởng chủ đạo là phòng rủi ro tránh sự cố cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, như các bạn biết vĩ mô là lấy ổn định làm trọng, ổn định của nền kinh tế và ổn định xã hội. Đây cũng là một mâu thuẫn dễ hiểu trong quá trình phát triển.
Chúng tôi ghi nhận và hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục có những buổi trao đổi kỹ hơn. Chúng tôi cũng không dám hứa tất cả kiến nghị của MoMo đều được giải quyết nhưng chúng tôi có thể hứa là sẽ luôn luôn lắng nghe, luôn luôn chia sẻ không chỉ với MoMo mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực fintech để chúng ta hình thành môi trường kinh doanh hợp lý, hài hòa", Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phát biểu.
Trọng Văn