TP.HCM công bố lộ trình “phủ xanh” xe buýt đến năm 2030

 22:26 | Thứ năm, 19/09/2024  0
Ngày 19.9, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông TP tổ chức, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM trao đổi một số thông tin về lộ trình TP.HCM “phủ xanh” xe buýt đến năm 2030.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Hòa An cho biết, thông tin, đối với xe buýt điện TP đang tổ chức thí điểm 1 tuyến xe buýt điện với 13 xe có sức chứa phương tiện xe buýt lớn (65-70 chỗ). Sản lượng 9 tháng năm 2024, tuyến D4 ước đạt 681.037 hành khách với số chuyến thực hiện là 26.670 chuyến.

Đối với xe buýt CNG (loại xe buýt sử dụng khí thiên nhiên nén Compressed Natural Gas - CNG làm nhiên liệu thay thế cho dầu diesel thông thường), trên địa bàn thành phố hiện có 516 xe buýt CNG hoạt động trên 18 tuyến buýt tuyến trợ giá với 3 trạm cung cấp nhiên liệu. Cụ thể là bãi xe buýt Phổ Quang, bến xe buýt Đại học Quốc gia TP.HCM, bến xe An Sương.

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, thông tin tại buổi họp báo.


Đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở Giao thông vận tải đang triển khai xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP.HCM. Trong đó đã xây dựng xong Chuyên đề giai đoạn 1 về Chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố và đang triển khai lấy ý kiến góp ý các đơn vị. Theo đó, đưa ra kế hoạch chuyển đổi và các chính sách ưu đãi.

Cụ thể là đưa ra Kế hoạch chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TP cho giai đoạn từ năm 2025 đến 2030, với mục tiêu đến năm 2030 có 100% phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Cùng với đó là đưa ra Kế hoạch đầu tư các trạm cung cấp năng lượng điện, khí CNG phục vụ cho kế hoạch chuyển đổi xe buýt.

Sở Giao thông vận tải TP cũng kiến nghị một số chính sách hỗ trợ công tác chuyển đổi phương tiện. Đó là hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phương tiện vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh (được vay vốn đầu tư tại Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM theo Dự án được duyệt với hạn mức vốn vay tối đa 85% tổng mức đầu tư của dự án. Mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 300 tỷ đồng/dự án; lãi suất vay cố định 3% đối với phần vốn vay đầu tư trong suốt thời hạn vay; thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 7 năm).

Cùng với đó là hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước tham gia đầu tư xây dựng trạm cung cấp năng lượng (điện, năng lượng xanh) phục vụ cho phương tiện giao thông trên địa bàn TP.HCM.

S. Hải

 

Nguồn thanhuytphcm.vn
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.