Theo đó, TP.HCM chọn phương án cầu Thủ Thiêm 4 có tĩnh không thông thuyền (khoảng cách từ mực nước cao nhất tới gầm cầu) là 15m, thay vì nhịp chính có thể nâng hạ lên 45m như tính toán trước đây. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 4.800 tỷ đồng.
Được biết trước đó, trong quá trình nghiên cứu đầu tư cầu Thủ Thiêm 4, TP.HCM dự kiến giải pháp cầu có tĩnh không khai thác bình thường 15m, nhưng nhịp chính có thể nâng lên 45m thông qua hai trụ tháp cùng hệ thống nâng. Giải pháp này được xem là độc đáo, linh động cho tàu lớn di chuyển, tuy nhiên một số ý kiến chuyên gia băn khoăn về cách tổ chức giao thông sau này cũng như tổng vốn đầu tư lớn hơn, khoảng 6.000 tỷ đồng.
Theo thiết kế, cầu Thủ Thiêm 4 có điểm đầu từ đoạn trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát nối vào đường Lưu Trọng Lư (quận 7). Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn nối KĐT mới Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và đường Bùi Thiện Ngộ. Cầu Thủ Thiêm 4 khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian từ Thủ Đức và Bình Thạnh qua các quận 7, 8, Nhà Bè, Bình Chánh.
Kết nối giao thông giữa KĐT mới Thủ Thiêm với vùng xung quanh được quy hoạch 5 cây cầu và một hầm. Hiện, cầu Thủ Thiêm 1, Ba Son (Thủ Thiêm 2) và hầm vượt sông Sài Gòn trên đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ đã khai thác. Ngoài Thủ Thiêm 4, còn cầu Thủ Thiêm 3 nối khu đô thị này sang quận 4 và cầu đi bộ qua quận 1 chưa đầu tư.
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho hay, theo đề xuất, cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia tương đương gần 50% tổng mức đầu tư. Nếu được thông qua, công trình sẽ khởi công trong năm 2025, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2028.
Việc sớm xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 sẽ giúp giảm áp lực giao thông cho các trục đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, cầu Khánh Hội, nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - đường Lưu Trọng Lư - đường Bến Nghé, nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, khu công nghiệp Tân Thuận...
Nam Phương