Cụ thể, phần bên trong công trình sẽ giữ lại những hạng mục, gồm: không gian sảnh chính, cầu thang đi từ tầng trệt lên lầu lầu tại khu vực sảnh chính, tay vịn và lan can bằng đồng có các chi tiết trang trí hoa văn từ thời kỳ đầu, các phần trang trí lót gạch Mosaic tại không gian sảnh chính và các biểu tượng Gà trống, quả cầu được đúc bằng đồng gắn ở đầu cầu thang.
Trong khi đó, phần bên ngoài công trình, sẽ giữ lại bảng hiệu thương xá Tax, mái đua che nắng dọc vỉa hè, các đường nét, nhịp điệu của kiến trúc khối bệ thời kỳ đầu trên mặt đứng khối bệ (đặc biệt là góc đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ).
Thương xá Tax tiếp giáp ba đại lộ mua bán sầm uất và nhộn nhịp nhất thành phố là Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Pasteur. Từ ngày 25.9, nơi này đã ngừng hoạt động, hiện một số hạng mục phụ cận đang được tháo dỡ. Ảnh: TL.
Sàn mosaic và cầu thang chính - phần nguyên bản của thương xá Tax. Ảnh: Quý Hoà
Trước đó, sở Quy hoạch - kiến trúc đã có văn bản gửi UBND TP.HCM xem xét chấp thuận các nội dung về hạng mục, giải pháp bảo tồn thương xá Tax để nhà đầu tư đưa vào nghiên cứu ngay trong quá trình lập phương án thiết kế đề xuất phương án bảo tồn thương xá Tax.
Cầu thang sảnh chính của Thương xá Tax, một trong những khoản mục được giữ nguyên bản từ năm 1924 được đề nghị bảo tồn. Ảnh: vnexpress
|
Quả cầu và chú gà trống trong trong Tax sẽ được bảo tồn. Ảnh: TL - Internet |
Liên quan đến vụ việc, như Người Đô Thị đã đưa tin, để giải phóng mặt bằng thực hiện ga tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam tại TP.HCM, nhiều công trình kiến trúc, cây xanh phải phá bỏ, trong đó có thương xá Tax 134 năm tuổi. Toà nhà mang nhiều giá trị lịch sử với người Sài Gòn này sẽ bị thay thế bằng tháp thông gió của nhà ga metro, phần còn lại sẽ xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng khách sạn, dự án cao 40 tầng.
Nhiều người, trong đó có các chuyên gia quy hoạch - kiến trúc và sử gia, trí thức, người dân... coi đây là một dự án ảnh hưởng quan trọng đến quy hoạch và kiến trúc cảnh quan của khu vực trung tâm lịch sử, nơi giao nhau giữa trục hành chính và trục thương mại của khu trung tâm theo bố cục từ thời kỳ đầu phát triển của thành phố. Do đó, việc phê duyệt thiết kế dự án này lý ra phải đưa ra một số phương án khả thi, và phải thông qua các bước lấy ý kiến của người dân và ý kiến phản biện của các chuyên gia, trước khi trình thành phố phê duyệt. Dù biết đây là “việc đã rồi”, một số người quan tâm tới diện mạo kiến trúc của Sài Gòn, trong đó có cả những nhà ngoại giao nước ngoài, vẫn bức xúc lên tiếng.
Đáng chú ý là đầu tháng 10.2014, Tổng lãnh sự quán Phần Lan đã có thư gửi UBND TP.HCM và bộ Văn hoá, thể thao và du lịch đưa ra giải pháp bảo tồn một phần thương xá Tax bên trong toà nhà dự kiến sẽ cao 40 tầng. Theo đó, có hai giải pháp: giữ phần sảnh lobby, sàn gạch mosaic và cầu thang chính để đưa vào trong phần thiết kế hợp lý khi xây dựng toà nhà mới; tháo dở các phần trên, di chuyển và giữ lại các phần thiết kế trên. Trong thư, Tổng lãnh sự quán Phần Lan hứa sẵn sàng bỏ chi phí, nhân lực chuyên môn để thi công nếu chính quyền TP.HCM chấp thuận giải pháp thứ hai...
__________
Quá trình hình thành và thay đổi của thương xá Tax
Thương xá Tax xưa (ảnh trên - Ảnh tư liệu) và nay (ảnh dưới - Ảnh: Lê Thanh Vịnh) đã hơn 130 tuổi.
Theo báo cáo chính thức của sở Quy hoạch - kiến trúc, từ khi khởi công và xây dựng đến nay, thương xá Tax đã trải qua bốn thời kỳ thay đổi chính về hình thức kiến trúc và chức năng:
+ Thời kỳ đầu từ năm 1922 - 1942: Thương xá Tax được xây dựng từ năm 1922 - 1924 với kiểu kiến trúc Pháp kết hợp các chi tiết có đường nét Á Đông, tên gọi là Les Grands Magazins Charner - GMC, kinh doanh các mặt hàng sang trọng nhập khẩu từ Anh, Pháp và các nước phương Tây phục vụ cho người dân Sài thành và các tỉnh lân cận. Cùng với các công trình như chợ Bến Thành, Nhà Hát lớn, trụ sở Uỷ ban nhân dân thành phố ngày nay, thương xá Tax đã góp phần tạo nên vẻ cổ xưa của khu vực qua nền kiến trúc đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc châu Âu.
+ Thời kỳ thứ 2 từ năm 1942 - 1960: Để tối đa hiệu quả sử dụng, chủ toà nhà đã sửa chữa, thay đổi lớn hình thức kiến trúc ban đầu: sửa chữa lại kiến trúc mái đua, xoá bỏ tháp đồng hồ, các kiến trúc trang trí trên nóc, mặt tiền và xây dựng thêm một tầng.
+ Thời kỳ thứ 3 từ năm 1960 - 1998: năm 1960 đổi tên thành thương xá Tax, cho thuê để kinh doanh. Đến năm 1978 thành cửa hàng Thiếu nhi, sau đó thành cửa hàng Bách hoá tổng hợp. Năm 1998 toà nhà được sơn sửa mặt tiền nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ từ những năm 1960.
+ Thời kỳ thứ 4 từ 1998 đến nay: Năm 2002 thương xá Tax được cải tạo, trang trí lại mặt tiền công trình với các đường nét kiến trúc, vật liệu và màu sắc hiện đại như ngày nay, các chi tiết Con gà ở mặt đứng được làm mới bằng đất nung sơn nhũ vàng để trang trí, mặt đứng cũ không có. Ngoài ra, trong quá trình nâng cấp sửa chữa, bên trong công trình có một số chi tiết kiến trúc có từ thời kỳ đầu bị mất, hư hỏng một phần đã được khắc phục như một phần gạch mosaic bị vỡ và mất được phủ xi-măng màu; chi tiết Trái châu, Con gà bằng đồng bị móp được sửa chữa lại và sơn bảo vệ; một phần lan-can, tay vịn bị mục, gãy được hàn lại và sơn bảo vệ; toàn bộ thanh đồng bảo vệ mép bậc cầu thang bị mất và hư hỏng nặng được làm mới toàn bộ.
Như vậy, mặt đứng thương xá Tax ngày nay không còn giữ được hình thức, vật liệu, chi tiết trang trí thời kỳ đầu cách đây 92 năm. Bên trong công trình có phần sảnh chính thông tầng, cầu thang từ tầng trệt lên lầu 1 còn giữ lại một số các chi tiết trang trí nguyên bản như lan can cầu thang, tay vịn, gạch mosaic thể hiện được kỹ thuật thi công, vật liệu có từ thời kỳ đầu.
Hiện nay, dự án tại thương xá Tax cũng đã tích hợp thêm tháp thông gió nhà ga Nhà hát Thành phố thuộc tuyến Metro số 1. Tuy nhiên vị trí tháp thông gió này cũng không thuộc phạm vi toà nhà thương xá Tax cũ.
______________
Trung Dũng