Trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm?

 21:22 | Thứ sáu, 08/07/2016  0

Một trong các nguyên nhân làm cho bệnh chưa được quan tâm đúng mức ở nước ta là do  chưa tầm soát kỹ, trong khi các triệu chứng thì dễ bị lầm lẫn và thường được qui cho các bệnh khác như viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm thanh quản, viêm mũi xoang…

Phần lớn những bệnh nhân bị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản thường bắt đầu với những triệu chứng nhẹ, thỉnh thoảng mới xuất hiện nên thường không chú tâm và đi khám.

Vậy bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là gì? Đó là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Do tính chất gây tổn thương của các chất dịch trong dạ dày như acid HCl, pepsine, dịch mật… đối với niêm mạc thực quản, nên sẽ gây ra các triệu chứng và biến chứng.

Các triệu chứng điển hình thường gặp là ợ nóng - cảm giác nóng rát sau xương ức, ợ chua, trào ngược thức ăn, nuốt khó. Ngoài ra, còn có những triệu chứng không điển hình nhưng rất hay gặp và dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác như đau ngực, cảm giác nghẹn, ứa nước chua trong miệng, ho khan kéo dài, hen suyễn, khàn giọng, viêm xoang, viêm hầu họng, đắng miệng và đau họng, hôi miệng, nấc cục, ói…

Bệnh tuy không phải cấp cứu nhưng nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ tái đi tái lại, ngày càng trở nặng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân thường có các cảm giác khó chịu: nóng rát tâm vị, bụng đau, ăn không ngon, ho dai dẳng dẫn đến mất ngủ triền miên…

Bệnh còn có thể dẫn đến các biến chứng. Biến chứng thường xảy ra nhất là viêm thực quản do trào ngược với các hệ quả loét, teo hẹp. Tiếp xúc nhiều với axit dịch vị có thể làm thay đổi cấu trúc lớp tế bào niêm mạc thực quản, dẫn đến tình trạng thực quản Barrett, là một tổn thương có thể dẫn đến ung thư thực quản.

Triệu chứng trào ngược càng nhiều, càng nặng, kéo dài càng lâu thì nguy cơ bị ung thư thực quản càng cao.  Ngoài ra còn có các biến chứng viêm thanh quản, viêm xoang, viêm mũi họng, viêm phổi do hít do trào ngược xảy ra vào ban đêm.Trong đa số trường hợp chẩn đoán chủ yếu dựa vào hỏi bệnh sử và qua theo dõi thấy có đáp ứng với điều trị thử bằng thuốc đặc hiệu.

Các phương pháp điều trị gồm:

(1)              Chế độ ăn giảm các chất kích thích như rượu, café, thuốc lá, chocolate, bạc hà; Tránh ăn quá no hoặc uống nhiều nước có gas.

(2)              Tránh làm tăng áp lực xoang bụng như nịt lưng, mặc quần áo quá chật. Không nằm sau khi ăn. Kê gối cao khi ngủ.

(3)              Tránh sử dụng 1 số thuốc làm giảm trương lực cơ vòng dưới thực quản như: Anticholinergic, Theophylline…

(4)              Giàm độ axit của dạ dày bằng các thuốc chống tiết axít nhóm ức chế bơm proton (PPI) như omeprazole, esomeprazole… . Các thuốc như phosphalugel, mallox cũng có thể làm giảm triệu chứng tức thời. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy nhóm thuốc PPI là hiệu quả nhất và được khuyến cáo là ưu tiên hàng đầu. Do bệnh dễ tái phát nên cần điều trị duy trì sau đó  hoặc dùng thuốc lại khi tái phát.

(5)              Có thể phải mổ khi không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với thuốc. Nếu có  biến chứng hẹp thực quản, có thể phải nong thực quản qua nội soi.

ThS.BS Lê Đình Phương

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.