Cuộc gặp mặt lần thứ hai giữa đại diện cư dân khu đô thị Phú Mỹ Hưng với đại diện Trung tâm Dịch vụ khách hàng (thuộc Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng) diễn ra chiều 8.9.
Nội dung cuộc họp, như lần trước, là nhằm làm sáng tỏ những vấn đề môi trường, cụ thể là mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hướng tới cuộc sống của nhiều người dân. Ngoài ra, đây cũng là dịp để phía đại diện chủ đầu tư trả lời những câu hỏi và cung cấp những văn bản, số liệu liên quan đến hệ thống xử lý chất thải của khu đô thị này.
Sổ trực ban Phú Mỹ Hưng thực hiện nhằm ghi nhận tình trạng hôi thối ảnh hưởng đến một số khu dân cư của khu đô thị này. Ảnh: Trung Dũng
Ông Nguyễn Minh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ khách hàng - Phú Mỹ Hưng cho biết, từ ngày 7.9 cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, cán bộ phòng TN&MT quận 7 đã có mặt 24/24 để ghi nhận mùi hôi tại khu vực phía Nam Sài Gòn, trong đó có một số khu vực tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Trước đó, theo ông Tuấn, ngay sau cuộc đối thoại lần thứ nhất (ngày 27.8), từ ghi nhận phản ánh, cũng như ý kiến đóng góp của cư dân, trung tâm đã thành lập các chốt trực, cử bảo vệ, nhân viên thay phiên nhau túc trực 24/24 để ghi nhận, thống kê về diễn biến mùi hôi, phản ánh của cư dân. Đặc biệt, từ ngày 1.9, cứ hai tiếng một lần, người được phân công ca trực sẽ ghi nhận thông tin vào sổ trực ban.
Gửi đến đại diện cư dân xấp tài liệu photo về nhật ký trực ban, ông Tuấn cho biết những người được phân công trực ca nào sẽ ghi rõ thời gian phát hiện mùi hôi, hướng xuất hiện mùi hôi (căn cứ hướng gió, bằng việc cắm một lá cờ và ghi theo hướng bay của lá cờ), tính chất mùi hôi (ít, nhiều, rất hôi) của ca đó. Các thông tin này sẽ được thống kê, như một tài liệu để cung cấp cho cơ quan hữu trách…
Ghi nhận những nỗ lực của các phòng ban hữu trách Phú Mỹ Hưng, tuy nhiên sau khi xem kỹ sổ trực ban và đối chiếu lại, đại diện cư dân phát hiện những ghi chép ấy vẫn chưa phản ánh đầy đủ thực tế đang diễn ra.
Để chứng minh, đại diện cư dân cho biết, trong sổ trực ban từ ngày 1.9 đến ngày 8.9, người trực ban không phát hiện mùi hôi thối trong ngày 6.9, tuy nhiên trong nhóm mở trên mạng xã hội Facobook - “Sự thật về mùi hôi thối ở Phú Mỹ Hưng” – người dân vẫn phản ánh mùi hôi lúc 17g55 cùng ngày. Thậm chí, theo trải nghiệm của họ, diễn biến mùi hôi ngày càng “khó lường” hơn. Cụ thể, vào những ngày nghỉ lễ (2.9), mùi hôi ít xuất hiện nhưng sau đó, mức độ lại xuất hiện trên diện rộng, đậm nhất là các khu dân cư: Mỹ Viên, Riverside, Riverpark…
Đặc biệt, theo phản ánh của đại diện cư dân, mùi hôi không chỉ xuất hiện vào chiều tối và rạng sáng mà đã xuất hiện vào buổi trưa. Đại diện cư dân đề xuất Trung tâm Dịch vụ khách hàng - Phú Mỹ Hưng có thể cử nhân viên đăng ký thành viên vào nhóm “Sự thật về mùi hôi thối ở Phú Mỹ Hưng” để kịp thời ghi nhận thêm phản ánh của cư dân, đồng thời đối chiếu với sổ trực ban. Ngoài ra, họ cũng đề nghị Phú Mỹ Hưng cung cấp số lượng và vị trí các điểm chốt trực, số điện thoại trực bạn để nếu cần người dân sẽ liên hệ báo tin.
Về vấn đề này, ông Tuấn cung cấp được đích danh ba vị trí chốt trực là Riverside, Chateau, Panorama, các chốt trực khác sẽ thống kê và cung cấp cho cư dân sau. Ngoài ra, ông cũng cung cấp đường dây nóng để cư dân có thể phản ánh mùi hôi với cán bộ phụ trách của Phú Mỹ Hưng: 0901855898.
Ghi nhận những nỗ lực trong việc theo dõi diễn biến mùi hôi thối mà các chốt trực ban đang thực hiện, tuy nhiên đại diện cư dân Phú Mỹ Hưng cho rằng sẽ là không thỏa đáng khi yêu cầu minh bạch thông tin bằng văn bản, giấy tờ về hệ thống xử lý nước thải của khu đô thị này bị đại diện Phú Mỹ Hưng từ chối. Ảnh: Trung Dũng
Chiếm phần lớn thời gian buổi đối thoại, hơn 60 phút, là những trao đổi và chất vấn liên quan đến việc đại diện Phú Mỹ Hưng cần cung cấp các văn bản, thông tin liên quan đến hệ thống xử lý nước thải tại chỗ của khu đô thị này, như đã ghi nhớ trong biên bản cuộc gặp mặt lần trước.
Ông Tuấn khẳng định: “Hai trạm xử lý nước thải (của Phú Mỹ Hưng) đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt. Hệ thống hoạt động có sự giám sát của cơ quan chức năng, qua các hoạt động kiểm tra định kỳ và đột xuất”. Khẳng định hệ thống xử lý thải “hoạt động an toàn”, thậm chí “bể chứa nước (sau khi xử lý) đang nuôi được cả cá”, tuy nhiên ông lại xin phép không cung cấp các giấy tờ, biên bản trên cho đại diện cư dân vì cho rằng “để nghị trên (của đại diện cư dân) là chưa phù hợp”.
Cảm thấy không bị thuyết phục trước phần trả lời của vị phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ khách hàng - Phú Mỹ Hưng, lần lượt các đại diện cư dân đã phản biện, chất vấn. Thậm chí, do nhiều vị hiện đang là lãnh đạo của các công ty, tập đoàn nên họ còn sẵn sàng dẫn chứng cách ứng xử với khách hàng khi đứng trước những thắc mắc về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm – vốn tương tự như Phú Mỹ Hưng đang đứng trước những thắc mắc của các cư dân - khách hàng.
Theo đó, cách tốt nhất theo họ là chứng minh bằng giấy tờ, văn bản có liên quan. Bà Tô Hồng Trang, cư dân ở khu dân cư Phú Gia, nêu quan điểm: “Yêu cầu cung cấp tài liệu về trạm xử lý nước thải là yêu cầu chính đáng của cư dân, để xác định cư dân đang được sống trong một môi trường trong sạch. Cư dân cần được tham khảo giấy tờ chứng minh chất lượng môi trường mà mình đang sống”.
Theo bà Trang, nếu Phú Mỹ Hưng thực sự có những văn bản, biên bản xác nhận về sự an toàn, đúng tiêu chuẩn xử lý thải của cơ quan chức năng thẩm duyệt thì nên photo để công bố trên các bản tin của khu phố, như vậy uy tín càng tăng lên và xua tan những hoài nghi. Bà Trang cho rằng: “Ở cương vị là khách hàng, khi cư dân yêu cầu Phú Mỹ Hưng cung cấp giấy tờ là chứng minh sản phẩm chất lượng, tuy nhiên khi Phú Mỹ Hưng không cung cấp thì cư dân không thấy thỏa đáng”.
Ông Nguyễn Minh Tuấn chỉ nói hệ thống xử lý nước thải của Phú Mỹ Hưng hoạt động tốt, đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt nhưng lại không cung cấp những văn bản, giấy tờ liên quan cho đại diện cư dân trong cuộc đối thoại chiều 8.9. Ảnh: Trung Dũng
Khẳng định “chịu trách nhiệm về phát ngôn” và “không có gì bí mật ở đây cả”, ông Tuấn vẫn bảo lưu quan điểm việc yêu cầu cung cấp các văn bản, giấy tờ, thông tin là của cơ quan chức năng.
Ông Tuấn khẳng định không cung cấp văn bản nhưng “sẵn sàng mời cư dân tham quan khu xử lý nước thải, đặc biệt là lúc mùi hôi nồng nặc nhất để có thể kiểm chứng”. Những lời hỏi – đáp diễn ra liên tục nhưng không khí đối thoại diễn ra ôn hòa, và phía cư dân khẳng định đang “hết sức hợp tác với Phú Mỹ Hưng”; thậm chí họ chỉ cần xem các văn bản trên nếu đó là những thông tin bí mật riêng của công ty và “cam kết không cung cấp ra ngoài”.
Bà Hồng Hà, khu dân cư Chateau cho rằng: “Việc tham quan với cái nhìn cảm quan không nói lên được gì. Cư dân muốn xem thông tin bằng văn bản cụ thể”. Nhiều lập luận khác cũng được đưa ra, đặc biệt có ý kiến cho rằng “sống ở đây 10 năm nhưng đây là lần đầu đề nghị chủ đầu tư như vậy. Không chỉ là mùi hôi hiện thời mà cư dân muốn biết vấn đề xử lý môi trường của nơi đang sống có đảm bảo”. Họ cũng không thúc ép phải cung cấp văn bản ngay, mà có thể chờ đến thứ hai (ngày 12.9).
Ông Tuấn lặp lại quan điểm “sẵn sàng mời cư dân đi thực tế kiểm tra hệ thống xử lý nước thải”, còn việc yêu cầu cung cấp văn bản thuộc thẩm quyền cơ quan chức năng. Cảm thấy không thể để mất thêm thời gian cho những tranh luận không đi đến giải quyết nguyện vọng như đã đặt ra ở lần đối thoại trước, đại diện cư dân hình dung đến khả năng “khi đề nghị minh bạch thông tin liên quan đến môi trường sống bị đại diện Phú Mỹ Hưng từ chối, khả năng cư dân sẽ có những hành động khác. Sẽ tìm những kênh thông tin khác để phản ánh”.
Đại diện cư dân Phú Mỹ Hưng không ngại chia sẻ rằng, họ có kinh nghiệm và những kênh hiệu quả để phản ánh thông tin, là cơ quan nhà nước, cơ quan truyền thông...
Về nội dung kiến nghị vấn đề môi trường tới cơ quan chức năng, ở cuộc họp lần hai này, đại diện cư dân và đại diện Phú Mỹ Hưng tuy cùng mục tiêu nhưng có thể sẽ có hai đường đi khác nhau.
Đại diện Phú Mỹ Hưng cho biết: “Để khách quan và có nhiều nguồn thông tin thì đề nghị cư dân kiến nghị cơ quan chức năng”. Nếu liên tưởng lại nội dung đề nghị ở cuộc họp trước mà đại diện cư dân đặt ra, là đề nghị chủ đầu tư tổ chức lấy chữ ký ủng hộ đính kèm thư kêu cứu gửi đến các cấp thẩm quyền gồm Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy TP.HCM và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường; như vậy, công việc thu thập ý kiến dân cư về vấn đề mùi hôi ảnh hưởng đến cuộc sống của họ để gửi kèm kiến nghị tới cơ quan hữu trách Trung ương và địa phương, các đại diện cư dân sẽ thực hiện độc lập?!
Trong khi đó, theo đại diện Phú Mỹ Hưng: “Phú Mỹ Hưng cũng đã kiến nghị cơ quan chức năng về việc này và cũng đã gửi văn bản đến UBND TP.HCM. Ngoài ra Phú Mỹ Hưng vẫn đồng hành cùng cư dân để kiến nghị lên các cơ quan chức năng xem xét giải quyết”.
Trọng Văn
» Cư dân Phú Mỹ Hưng truy vấn mùi xú uế
» Giá xử lý rác của Đa Phước khiến TP.HCM 'mất' 3 triệu USD mỗi năm
» Ông Đinh La Thăng thị sát nơi phát tán mùi hôi ở Nam Sài Gòn
» Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân ô nhiễm ở TP.HCM
» TP.HCM: Sở TN&MT yêu cầu bãi rác Đa Phước có biện pháp giảm mùi hôi
» Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mùi hôi xuất phát từ Đa Phước
» TP.HCM: Toàn cảnh khu đô thị bị mùi hôi bao phủ
» Chủ tịch TP.HCM: Mùi hôi thối có thể bắt nguồn từ Đa Phước
» Cư dân Phú Mỹ Hưng truy vấn mùi xú uế
» TP.HCM xem xét lại giá xử lý rác ở Đa Phước
» Mùi hôi Đa Phước “xà quần” khu đô thị phía Nam Sài Gòn
» Đa Phước: Từ ô nhiễm đến độc quyền thị trường
» Mùi Đa Phước - từ xóm nghèo lan đến khu Phú Mỹ Hưng
» Thanh tra TP.HCM kết luận: Hàng loạt sai phạm tại khu xử lý rác Đa Phước