Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu rút khỏi vùng biển của Việt Nam. Không những thế, phía Trung Quốc còn tiếp tục leo thang gây hấn với các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam. Theo ông, để duy trì giàn khoan đến 15.8 như tuyên bố, sắp tới đây, Trung Quốc sẽ còn có những hành động gì?
Từ khi đặt giàn khoan HD 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta (vào đầu tháng 5) đến nay, Trung Quốc ngày càng gia tăng số lượng tàu kiểm ngư cũng như tàu quân sự, thậm chí còn cho cả máy bay giám sát bảo vệ giàn khoan. Ngoài ra, Trung Quốc ngang ngược mở rộng khu vực cấm xung quanh giàn khoan đối với tàu chấp pháp hoạt động bảo vệ chủ quyền của ta và liên tục tấn công cả tàu chấp pháp lẫn tàu cá làm chìm tàu của ngư dân ta đang đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Rõ ràng Trung Quốc ngày càng hung hãn và không hề có dấu hiệu giảm căng thẳng.
Về tiềm lực quân sự, kinh tế cũng như nhân lực, Trung Quốc có đủ khả năng tăng cường thêm nhiều phương tiện quân sự để gia tăng hành động, chiêu trò gây hấn, khiêu khích các tàu chấp pháp của ta cũng như gây thêm thương vong cho ngư dân ta hoạt động gần khu vực này.
|
Có thông tin cho rằng Trung Quốc đã bắt đầu cho xây dựng thêm các giàn khoan di động mới. Ông có nhận định gì về vấn đề này?
Đúng là có thông tin đó nhưng theo tôi dự báo, ít nhất phải hai năm nữa mới có thể đưa các giàn khoan này vào hoạt động. Vấn đề là Trung Quốc sẽ đặt các giàn khoan này ở đâu trong các vùng biển tranh chấp của mình với các quốc gia lân cận? Chúng ta cũng biết là tổng sản phẩm quốc dân của Trung Quốc tăng nhanh đều đặn trong vài thập niên qua. Điều đó cho phép Trung Quốc tăng chi mạnh cho quốc phòng, hiện đại hoá quân sự và thực hiện chính sách ngoại giao ngày càng hung hăng. Đã qua rồi chính sách ngoại giao “ẩn mình chờ thời” dưới trào Đặng Tiểu Bình.
Giả sử Trung Quốc tiếp tục đặt các giàn khoan thì theo ông, đâu sẽ là nơi Trung Quốc “khoanh vùng”?
Tuỳ tình hình chính trị nội tại của Trung Quốc cũng như tình hình thế giới trong vài năm tới mà Trung Quốc sẽ lựa chọn “đối tượng”. Có thể là ở vùng biển tranh chấp với Philippines hoặc khu vực Nam Côn Sơn trong vùng biển của Việt Nam - nơi được đánh giá có trữ lượng dầu mỏ, khí thiên nhiên tốt mà Việt Nam đang liên doanh khai thác. Cũng có thể là vùng biển đang tranh chấp với Nhật Bản và thậm chí là Indonesia, quốc gia đang lo ngại trước việc Trung Quốc ngắm nghía vùng biển xung quanh đảo Natuna của họ - vùng biển này cũng nằm trong “đường lưỡi bò chín đoạn” tham lam mà Trung Quốc tự đặt ra.
Có ý kiến cho rằng bài học “tiên phát chế nhân” của Lý Thường Kiệt khi chủ động tấn công ba căn cứ Châu Ung, Châu Khâm, Châu Liêm ngay trên đất Tống năm 1075 nhằm đập tan “từ trong trứng nước” âm mưu xâm lược Đại Việt của nhà Tống rất đáng để chúng ta tham khảo trong việc ngăn ngừa giàn khoan Trung Quốc trên các vùng biển Việt Nam sắp tới...
Câu “tiên chế phát nhân” có nhiều cách hiểu, tuỳ thuộc vào bối cảnh. Trong cục diện hiện nay, Việt Nam là nước đã tham gia ký kết UNCLOS và bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông, ủng hộ sử dụng biện pháp hoà bình, không đe doạ dùng vũ lực.
Nếu liên tưởng bài học “tiên chế phát nhân” tới học thuyết “chiến tranh phủ đầu” (pre-emptive strike) mà Tổng thống Bush của Mỹ từng áp dụng, tôi nghĩ đây không phải là một biện pháp đáng khuyến khích. Nhưng nếu hiểu theo kiểu “nghiên cứu động thái, đoán trước hành động, tìm cách ngăn chặn” trên cơ sở hoà bình, luật pháp quốc tế thì rất hay. Tôi nghĩ Việt Nam nên tiếp tục phát huy biện pháp vạch rõ sự hung hăng ngang ngược của Trung Quốc, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tích cực tố cáo Trung Quốc ở các diễn đàn đa phương, đẩy mạnh quan hệ song phương với các quốc gia khác và vận dụng luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Chúng ta cũng cần phải cho các nước trong khu vực thấy rằng ai cũng có thể là nạn nhân sắp tới cho chính sách bá quyền của Trung Quốc nếu các nước không liên kết nhau lại và ủng hộ Việt Nam.
Đại Thắng thực hiện
Phải đưa thông tin về biển Đông bằng tiếng Trung Quốc Hiện nay, Trung Quốc cũng duy trì chế độ kiểm soát, kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt về vấn đề giàn khoan HD 981 nói riêng và biển Đông nói chung nên tuyệt đại đa số người Trung Quốc tiếp nhận thông tin về vấn đề này chỉ một chiều từ chính quyền Trung Quốc. Sách giáo khoa Trung Quốc cũng làm người dân Trung Quốc hiểu sai về chủ quyền nước này ở vùng biển Đông của Việt Nam. Vì thế, càng làm người dân Trung Quốc khó phân biệt được đúng sai trong thông tin tuyên truyền từ chính quyền. Muốn người dân Trung Quốc hiểu đúng vấn đề biển Đông, chúng ta cần phải biết Trung Quốc đã dạy và tuyên truyền những gì cho dân của họ để từ đó có đối sách thông tin thích hợp nhằm bẻ gãy những luận điểm sai trái. Đặc biệt, việc giải thích này cần xác định là nhắm đến người dân Trung Quốc trước tiên nên các luận điểm giải thích nên được dịch sang tiếng Trung. |