Không thể đấu tranh với cực đoan bằng những t

Truyền thông cần tháo nút thắt định kiến

 17:02 | Thứ ba, 13/01/2015  0

Là người đang nghiên cứu về quản trị khủng hoảng ở châu Âu, sau cuộc tấn công đẫm máu ở tờ tạp chí biếm hoạ Charlie Hebdo (Pháp), những cuộc biểu tình rầm rộ bài người Hồi giáo ở vùng Desden và một số thành phố khác ở Đức… theo anh, phải chăng khủng hoảng này đang bị vướng vào một bế tắc nào đó mang tính “mắt xích truyền thông”?

Nhà báo Lê Ngọc Sơn tốt nghiệp cử nhân báo chí, khoa Báo chí truyền thông đại học Khoa học xã hội và nhăn văn (đại học Quốc gia Hà Nội); thạc sĩ về Quản trị công (khoa chính phủ, đại học Uppsala (Thụy Điển), hiện đang là Nghiên cứu sinh tiến sĩ viện Khoa học kinh tế và truyền thông (đại học Công nghệ Ilmenau - CHLB Đức). 

Anh cũng là Người sáng lập/chủ tịch trường Đào tạo truyền thông Ứng dụng IAMS, một tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực truyền thông, với những cố gắng không ngừng nghỉ nhằm đóng góp vào lĩnh vực giáo dục.

Cuộc tấn công vào nước Pháp (qua vụ Charlie Hebdo) dường như đồng nghĩa với việc các giá trị chungcủa châu Âu bị tấn công.

Những cuộc khủng hoảng đang diễn ra có vô vàn nguyên nhân được đặt ra. Người thì phân tích dưới góc độ lịch sử với sự ám kỷ của những thế hệ sau của những người từng sinh ra trong xã hội thuộc địa của Pháp ngày xưa; người thì phân tích dưới góc độ bất bình đẳng về kinh tế,v.v….  Tôi nghĩ rằng, nhìn từ góc độ truyền thông thì bản thân nó cũng tạo ra một trong những nguyên nhân đáng kể: Nhìn chung, có vẻ như một bộ phận người châu Âu vẫn chưa phân biệt được rõ những kẻ cực đoan (extremists) và những người có gốc Hồi giáo hoặc theo đạo Hồi. Ngay ở Đức, đã có những nhóm người khác tham gia vào các cuộc biểu tình bài ngoại (nhắm vào người Hồi giáo) tại thành phố Dresden vì sự đánh đồng giữa hai nhóm người trên.Nói về cách nhìn của người đạo Hồi, cách đây 4 năm, tôi gặp một bạn đồng nghiệp theo đạo Hồi người Indonesia, cô ấy phàn nàn về việc tại sao truyền thông phương Tây “đánh lận con đen” miêu tả người Hồi giáo như những kẻ tử vì đạo? Vẽ nên hình ảnh: cứ nghĩ đến bất cứ người Hồi giáo nào là đều sẽ liên tưởng đến việc người đó có thể… ôm bom. 

Theo tôi, có lẽ truyền thông cần giúp công chúng phân biệt rõ ở điểm này, bởi nếu nhập hai làm một,tình hình thế giới của chúng ta sẽ ngày càng bế tắc. Nên nhớ rằng, trong vụ Charlie Hebdo, viên cảnh sát thiệt mạng cũng là người theo đạo Hồi; một chàng thanh niên theo đạo Hồi được coi là người hùng trong vụ giải cứu con tin ngay sau đó; nhiều người đạo Hồi bị chính những kẻ cực đoan cùng tôn giáo giết chết do chống lại những kẻ cực đoan này. 

Với những gì đang diễn ra, giới chức trách và các nhà quản lý khủng hoảng ở các nước châu Âu đang đề cao cảnh giác và đặt các ngưỡng cảnh báo cần thiết về nguy cơ liên hoàn này.Tôi cho rằng,bản thân các làn sóng đấu tranh trong xã hội Đức cũng đang là nguy cơ kích hoạt các xung đột vốn tiềm ẩn.Có rất nhiều nhân tố khả biến có thể kích hoạt các cuộc xung đột.Trong đó, chủ nghĩa bài ngoại là một nhân tố có tính chất chất xúc tác với ngòi nổ hiện nay.Tôi cho rằng, truyền thông cần mang sứ mệnh hoà giải và tháo gỡ các nút thắt định kiến này! 

Vì sao sau khi vụ tấn công đẫm máu ở toà soạn tờ biếm hoạ Charlie Hebdo (Pháp), có 2 xu hướng suy nghĩ về triết lý làm báo: chấm dứt biếm hoạ về đạo Hồi để ngừng rủi ro, hoặc tiếp tục làm báo theo cách cũ. Là người quan sát truyền thông, anh có bình luận gì về chuyện này?

Thực ra khó nói đúng sai khi chúng ta đứng ở trên các hệ thống truyền thông này để đưa ra nhận định về hệ thống khác. Đụng đến câu chuyện này là đụng đến triết lý làm nghề của giới báo chí. Với những nhà báo này, họ tin rằng trong một nền dân chủ, việc chỉ trích là quyền cơ bản của báo chí. 

Bản chất các nhà báo này đang đấu tranh cho quyền tự do báo chí và tự do biểu đạt quan điểm. Một khi ngay cả tiếng cười cũng bị kiểm soát thì rõ ràng có cái gì đó rất gần (và thậm chí đồng nghĩa) với việc kiểm duyệt (censorship) và tự kiểm duyệt (self-censorship). Nếu vậy, sẽ đi ngược lại với giá trị cốt lõi của hệ thống triết lý mà hệ thống báo chí các nước tiền tiến đang theo đuổi. Đó là lý do mà các nhà báo thực thụ này tiếp tục đấu tranh và kiên trì cho lý tưởng làm nghề của họ. Đến mức, dù ý thức được sự rủi ro sẽ đến nhưng tổng biên tập Stéphane Charbonnier của tờ biếm hoạ này phát biểu rằng:“Tôi thà chết đứng còn hơn sống quỳ”  ("I would rather die standing than live on my knees”). Câu nói này, với không ít người, xứng đáng là một tuyên ngôn của nghề báo, xét về góc độ lý tưởng nghề nghiệp.Và thực sự họ đã chấp nhận trả giá bằng cả mạng sống của mình. 

Tuy nhiên, theo tôi, cuộc chiến với chủ nghĩa cực đoan và cái xấu cần phải là một cuộc chiến bền bỉ và linh hoạt. Đểchiến thắng cái ác, anh cần phải sống để đấu tranh.Cách thức và biện pháp đấu tranh nào là vấn đề cần bàn.Tìm một cách khác không có nghĩa là bị thua về mặt giá trị. Không thể đấu tranh với những kẻ cực đoan tử vì đạo (Hồi giáo) bằng cách tử vì đạo nghề nghiệp (báo chí)! 

Xét về mặt học thuật trong lĩnh vực truyền thông, nghiên cứu về các nhóm khủng bố đã được để ý chưa, thưa anh?

Đã có những nghiên cứu chuyên sâu về nhóm khủng bố, xét ở góc độ học thuật. Đơn cử, ở Viện Nghiên cứu Khoa học Kinh tế và Truyền thông, Đại học Công nghệ Ilmenau (CHLB Đức) đã có một nhóm nghiên cứu xuất sắc về chủ đề này, và một môn học được thiết kế để giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành truyền thông có tên “Terrorism as communication”. Đây là một chuyên ngành hẹp khá thú vị trong nghiên cứu truyền thông, xem cách thức những kẻ khủng bố đã dùng truyền thông như thế nào, phân tích các nhóm khủng bố tuyển mộ những kẻ tử vì đạo ra sao; vì sao chúng có thể thuyết phục được nhiều thành viên mới (mà có cả quốc tịch Anh, Pháp…) như vậy; cách thức chúng sử dụng truyền thông đại chúng thông qua những trang websites như thế nào, v.v… Thực tế là kể từ những năm 1970s, đã có những sự thay đổi đối đáng kể trong việc truyền thông về hình ảnh của chủ nghĩa khủng bố, với những sự vụ tấn công mang tính “đáng đưa tin” (“newsworthy”) và “ăn ảnh” (“telegenic”) hơn trước. 

Cẩm Vân (Thực hiện)

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.