Đó là những ý kiến luận bàn và “đặt hàng” của các kiến trúc sư, nhà quy hoạch dành cho khu đô thị mới Thủ Thiêm nhân Hội thảo Câu lạc bộ Kiến Trúc Xanh lần thứ 7, vừa diễn ra tại TP.HCM.
Bài toán nước và cây xanh
Ths.KTS Trang Bảo Sơn, phó trưởng ban quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm đã có những phác thảo về ý tưởng tiếp cận sinh thái khu đô thị mới Thủ Thiêm. Có diện tích 657 ha, dân số cư trú thường xuyên khoảng 145 ngàn dân, tổng số người làm việc khoảng 261 ngàn người/ngày và khách vãng lai khoảng 200 ngàn lượt người/ngày, ông Sơn khẳng định đây không đơn thuần là một dự án phát triển mở rộng đô thị mà Thủ Thiêm là chìa khoá mở rộng triển vọng, cơ hội thực hiện mô hình đô thị tiên tiến, bền vững về môi trường của TP.HCM trong thế kỷ XXI.
Từ phải qua: Quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng, KTS. Nguyễn Khánh Duy, KTS. Nguyễn Văn Tất, KTS. Nguyễn Hữu Thái, KTS. Cổ Văn Hậu, ThS.KTS Trang Bảo Sơn, KTS. Trần Khánh Trung. Ảnh Trung Dũng
KTS Nguyễn Khánh Duy, chủ trì thiết kế quảng trường công viên trung tâm Thủ Thiêm, cũng công bố ý tưởng và thiết kế công viên trung tâm và công viên bờ sông (chiếm khoảng 30 ha diện tích). Theo đó, cách tiếp cận thiết kế là tận dụng và khai thác mặt bằng và không gian của bán đảo này. Trong đó, tổ chức không gian khu vực “lõi trung tâm” của Thủ Thiêm, gồm: không gian công cộng, các khu vực thương mại dịch vụ, công trình điểm nhấn với kiến trúc sắp đặt theo nguyên tắc phân bổ tầng (thấp về phía sông Sài Gòn và hồ trung tâm)… Quảng trường đặt ở vị trí trung tâm khu lõi, là không gian công cộng chính yếu của toàn thành phố trong tương lai, có hai mặt tiếp giáp và nối kết đặc biệt với sông Sài Gòn thông qua bố cục của công viên bờ sông. Mặt tiếp giáp về phía Đông quảng trường là hồ trung tâm, tạo sự thông thoáng tự nhiên và khai thác cảnh quan sông nước...
Từ những thông tin, phân tích về thiết kế đô thị “nhạy cảm” với nước của nhà quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng, ông Sơn thừa nhận đầu tư trên một quy mô lớn như Thủ Thiêm thì công nghệ để xử lý việc cung cấp nước và thoát nước không đơn giản. Đến nay vẫn có hai luồng ý kiến, bởi bán đảo này hiện có diện tích mặt nước lớn (sông Sài gòn, hồ trung tâm, kênh rạch) vậy nước dùng ở quảng trường có cần thiết phải tái tạo như đề xuất ý tưởng của bên tư vấn hay không? Do cốt nền thấp nên nếu không có thiết kế và kỹ thuật tốt, khi nướng dâng sẽ ngập và nước rút các hồ, sông sẽ trơ bùn... Theo ông Sơn, giải pháp đang được ủng hộ là tạo sự hài hoà nước bằng việc đưa vào các đập tràn, đào thêm các kênh mới, phát triển loại hình giao thông trên sông, rạch với những tính toán không cản trở đến sinh hoạt của người dân. Riêng cốt cao độ cho nền đất xây dựng đôn lên +2,5m bởi kiểm chứng qua các tính toán về hệ thuỷ văn, thuỷ lực trên sông Sài Gòn và hệ thống mặt nước trong đô thị đảm bảo cho độ an toàn về ngập lụt.
KTS Nguyễn Văn Tất nêu thực tế ở ĐBSCL (gần 40.000 km sông rạch lớn) nhưng trong sự phát triển đô thị nhiều chục năm qua, các dự án giao thông đường thuỷ, nói rõ ra là các đô thị thân thiện với nước, quảng trường nước gần như quá xa lạ. Các tỉnh đua nhau xây dựng các con đường, đại lộ như thể hiện sự phát triển để rồi mỗi năm phải bỏ ra nhiều trăm tỉ để sửa sang khi mùa nước nổi đi qua, trong khi giao thông đường thuỷ không được chú ý. Ông Tất cho rằng quy hoạch nên có cách tiếp cận nước, như là nguồn lực và là nguồn sống: “Không phải lúc nào cái lạ cũng là cái mới, cái mới có thể là cái mà quay trở lại gần với chân lý nhất”.
KTS Nguyễn Hữu Thái đánh giá việc quy hoạch có ảnh hưởng rất lớn đến đô thị, tương lai đô thị trong đó có sự tổng hoà của các yếu tố nhân văn, kinh tế, địa lý. Ông cho rằng mở cuộc thi quốc tế về thiết kế ý tưởng là chủ trương hay, nhưng cũng cần thêm những ý kiến của cộng đồng, trong đó có cả ý kiến các chuyên gia bởi giữa thiết kế ban đầu và thi công là một khoảng cách. Trong đó, tính toán đến vấn đề nước, cây xanh, không gian cộng đồng không chỉ cho bán đảo này mà cần nhìn trong sự tương quan với trung tâm Sài Gòn hiện nay. Kiến trúc sư lão thành phát biểu: “Khi quy hoạch một vùng tuy là nhỏ nhưng phải có tính liên hệ với cả vùng đó, có sự kết hợp với nhau”. Theo đó, việc thiết kế 20 ha cho quảng trường cần nhìn từ bài học phố đi bộ Nguyễn Huệ với diện tích bê tông lớn, cây xanh trồng mới chưa đáp ứng được mảng xanh như trước đây vì vậy người dân chỉ có thể chơi được vào sáng hay chiều tối. Đồng ý quan điểm, KTS Nguyễn Văn Tất cho rằng với một quảng trường rất quan tâm việc sử dụng công năng: “Đường Nguyễn Hệ bây giờ lạ thì người ta đến, đi bộ không chỉ đi bộ mà đi bộ vì mục tiêu sử dụng con phố đó tốt hơn. Sử dụng như thế nào để trở thành một cái áo vừa vặn cho mọi người”. Ông cho rằng cần tính toán kỹ cho quảng trường và công viên có tính liên tục bởi có nhiều tuyến đường lớn cắt qua. Ngoài ra cũng cần tính toán tới những tiểu cảnh siêu lớn là các bể nước được lắng lọc như thiết kế.
Phối cảnh quy hoạch Thủ Thiêm điều chỉnh năm 2012 nhìn từ phía trung tâm Sài Gòn hiện nay. Việc đại lộ vòng cung và đại lộ Đông Tây không thể kết nối với nhau do chênh lệch cao độ tại cửa hầm Thủ Thiêm đã làm tính kết nối của hệ thống giao thông trên bán đảo kém đi rất nhiều. Nguồn: Sasaki Associates (2012)
Nhìn từ vấn đề tiết kiệm năng lượng và cây xanh, ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc trung tâm Tiết kiệm năng lượng, cho rằng đây là cơ hội cuối cùng cho TP.HCM lấy lại dáng vóc của người đẹp ngày xưa. Ông đặt ra tầm quan trọng của vấn đề quy hoạch sẽ quyết định đến bức tranh sau này của một khu đô thị: “Năm ngoái chúng tôi cùng các chuyên gia Nhật Bản chọn ra hai đô thị của Việt Nam để thí điểm xây dựng một đô thị xanh ở Việt Nam. Ở đơn vị nọ, sau một năm mới tá hoả, lãnh đạo đơn vị này khẳng định ở đây thì đã trồng rất nhiều cây xanh, hoa… cũng như đưa rất nhiều giải pháp vào rồi nhưng không thể xanh được vì lỡ quy hoạch rồi. Vị chuyên gia Nhật nhận định không gian nhân văn ở đây rất hạn chế”.
KTS Trần Khánh Trung, giám đốc công ty TTT, chủ nhiệm CLB Kiến Trúc Xanh cũng làm rõ khái niệm, xanh ở đây phải hiểu là môi trường sống: “Trong môi trường sống thì có cây xanh nhưng không có nghĩa cây xanh đã đủ yếu tố để trở thành môi trường sống. Kiến trúc xanh do vậy được hiểu là tính bền vững, phát triển bền vững. Khi đó, phải đạt được các yêu cầu trong hiện tại nhưng không làm mất đi những yêu cầu tương tự như vậy cho con cháu mai sau”. Ông Trung đưa ra ví dụ khá sinh động: “Hôm nay tôi được hưởng sự trong sạch hơn của kênh Nhiêu Lộc, Lò Gốm thì vài trăm năm nữa con cháu tôi vẫn được hưởng sự trong sạch đó hơn hiện nay. Thế hệ của chúng tôi phải hưởng sự tệ hại của kênh Nhiêu Lộc so với cha ông trước đây”. Theo ông Trung, chính vì rất nhiều người không hiểu khái niệm đô thị xanh là gì nên đã bị lạm dụng, quảng cáo. Có những công trình chỉ gắn một ít cây xanh lên đã nhanh nhẩu rao đó là công trình xanh. Theo ông Trung: “Công trình xanh không thể hiện ở vỏ bề ngoài, giống như quy hoạch xanh chỉ mới nhìn một mặt bằng quy hoạch, phối cảnh”. Ông cho rằng quy hoạch Thủ Thiêm có một số yếu tố tuân thủ được các tiêu chí xanh theo LEED và Green Mark. Tuy nhiên nó có được chứng nhận xanh hay không còn phụ thuộc vào quá trình triển khai. Ông khẳng định: “Nếu nói Thủ Thiêm có đạt được chứng chỉ xanh hay không, tôi tin chắc là không. Bởi LEED quy định phải nộp hồ sơ xin đăng ký chứng nhận xanh trước khi thi công, nếu chúng ta đã thi công rồi mà vẫn chưa nộp thì chắc chắn sẽ không đạt”.
Bài học cho Thủ Thiêm
Các KTS, nhà quy hoạch cũng đặt ra những bài học cho Thủ Thiêm khi so sánh tương quan cũng như kinh nghiệm các công như khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Ông Sơn cho rằng Phú Mỹ Hưng là thành công của thành phố, có những đóng góp về kinh tế nhưng ông đánh giá cao đóng góp về kinh nghiệm phát triển đô thị ở vùng đất yếu.
Thủ Thiêm cần những quyết sách ở tầm quốc gia và một tư duy quy hoạch hoàn toàn mới: thực tế, nhạy bén với thị trường và nhạy cảm với bối cảnh địa phương. Ảnh: Flickr - Max Ho
KTS Nguyễn Văn Tất cho rằng để nhìn nhận đúng Phú Mỹ Hưng trong mong muốn phát triển của chúng ta ở nhiều khu đô thị mới nữa thì nên nhìn nhận đây là dự án đầu tư thành công. Tuy nhiên, ngay từ lúc tổ chức thi, giải pháp của công ty Skidmore, Owings & Merrill (SOM) họ dám đưa ra một đề tài có thể coi là “phạm quy”, vì đề án thành phố đưa ra là 1.600 ha cho cuộc thi, họ lại đề nghị 2.700 ha mong đem lại giá trị dài hơn cho đô thị: “Nhà đầu tư thành công vì họ chấp nhận làm cái mà chúng ta làm thì ta không làm được, đó là quỹ đất trong cơ cấu sử dụng đất, mảng cây cây xanh… được sử dụng”.
KTS Cổ Văn Hậu nhìn nhận chưa trải nghiệm qua thời gian thì không biết ai hay ai dở nên khó để so sánh thữa Phú Mỹ Hưng và Thủ Thiêm. Tuy nhiên theo ông Hậu, điều đáng tiếc của Phú Mỹ Hưng là là làm cho thành phố Sài Gòn mất hệ thoát nước. Ngoài ra, ông cũng cho rằng thiết kế một đô thị cao tầng, đẹp bề ngoài rất dễ nhưng về bản sắc Việt Nam thì rất khó và thực tế Phú Mỹ Hưng chỉ dành cho những người thu nhập cao hoặc ngoại quốc. Ông cho rằng Thủ Thiêm cần chú ý đến việc xây dựng nếp sống cho cộng đồng văn minh, bằng những không gian nhân văn bởi đó là phần hồn của một thành phố. Ông đơn cử như phố đi bộ Nguyễn Huệ, chỉ sau một đêm bắn pháo bông sáng hôm sau đã nhan nhản rác...
KTS Nguyễn Hữu Thái cũng nêu ví dụ buồn về việc chặt cây ở Hà Nội để thấy rằng trong ứng xử với không gian cộng đồng, với môi trường có ý nghĩa đến quy hoạch và phát triển đô thị. Ông cũng cho rằng, Thủ Thiêm không nên tạo ra trong xã hội những khu dân cư đóng cửa với nhau. Bây giờ các khu đô thị nằm trong tay các nhà bất động sản, họ muốn giá cao thì rất khó dung hoà giữa tư nhân và nhà nước quản lý: “Ở những nước mới phát triển tái diễn tình trạng những cộng đồng đóng kín cửa, rào xung quanh. Quy hoạch thế giới người ta đang phê phán rất nặng. Một cộng đồng ra đô thị mới phải có tính liên hệ với cộng đồng xung quanh.
Nhà quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng cho rằng quy hoạch đầu tiên là làm kinh tế, phát triển Thủ Thiêm không phải là xây một khu đô thị mà là trung tâm kinh tế, việc xây dựng đó có tầm chiến lược quốc gia: “Khi nói chuyện chúng ta nói một cách quen miệng, là xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế. Việc có một trung tâm tài chính mạnh cho một quốc gia là việc cần thiết tuy nhiên nhìn vào những đồ án ở Việt Nam, đều xác định là trung tâm tài chính trong khu vực, thì không biết cái nào thực sự trở thành”.
Ông Dũng cho rằng nhà quy hoạch chỉ có vai trò một phần, quan trọng nhất là người thực hiện quy hoạch. Phải hiểu biết, có bản lĩnh chính trị và năng lực kinh tế, hiểu biết thị trường: “Khi Phú Mỹ Hưng đề xuất quy hoạch 1993, đó là dự án cuối cùng ở phía Nam và toàn bộ phần còn lại phía Nhà Bè sẽ phục vụ việc thoát nước cho khu đô thị và cả thành phố. Tuy nhiên một cục vàng bỏ đi thì xung quanh ai cũng muốn “bâu” lại và sẽ có nhiều dự án khác”. Theo ông Dũng, vấn đề lớn nhất của quy hoạch ở Việt Nam là quy hoạch thì chạy theo thị trường thay vì đón hoặc định hướng thị trường: “Quy hoạch cần phải nhạy cảm với thị trường là điều quan trọng, nhưng quan trọng là quy hoạch không nên chạy theo bởi thị trường thay đổi liên tục. Bởi mặt trái là nếu chúng ta tiếp tục chạy theo những dòng tiền ngắn hạn như vậy trong khi sự phát triển kinh tế cần những tầm nhìn dài hạn, tôi nghĩ điều đó các nhà làm chiến lược, quy hoạch thành phố cần phải coi lại cách nhìn: muốn đầu tư vào đâu? Muốn thu hút chỗ nào?”.
Ông Dũng cho rằng, khi thành phố muốn nhà đầu tư vào Thủ Thiêm thì phải tạo điều kiện tốt nhất và đừng tạo những “miếng bánh” béo bở ở chỗ khác thì mới định hướng và thu hút đầu tư vào chỗ chúng ta muốn thu hút: “Nếu không ngày mai Phú Mỹ Hưng, ngày kia lại xuống Cần Giờ, lên củ Chi, Hóc Môn… Thành phố khi đó trở thành một đô thị phân tán khắp mọi nơi. Khi đô thị phân tán khắp mọi nơi thì chi phí quy hoạch rất lớn. Do vậy phát triển đô thị phải cuốn chiếu, tất cả mọi quốc gia đang phát triển trên thế giới đều làm vậy”.
Trọng Văn – Thượng Tùng
» Thủ Thiêm: Nửa thế kỷ long đong quy hoạch
» Đồ án Thủ Thiêm 1972: Một đô thị 'tự túc dồi dào'
» Đồ án Thủ Thiêm (điều chỉnh) 2012: Thiếu bản sắc, xa thực tế