Tại sự kiện, các chuyên gia phân tích rủi ro trong quy trình xét nghiệm sinh hóa và tuyến giáp, vốn quan trọng trong tầm soát và chẩn đoán các bệnh lý phổ biến như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, suy thận,… Đáng chú ý, sai số do mẫu huyết tương bị đục, thường phát sinh từ các bước thủ công trong lấy mẫu, bảo quản, xử lý, dẫn đến sai lệch chỉ số và ảnh hưởng chẩn đoán.
Roche Diagnostics hiện đang dẫn đầu toàn cầu về tự động hoá. Ảnh: C.C.Lam
Với xét nghiệm tuyến giáp, các chỉ số như TSH, FT4, TPO-Ab rất quan trọng trong phát hiện các bệnh nội tiết như suy giáp, cường giáp, viêm tuyến giáp Hashimoto hay Basedow.
Đặc biệt trong thai kỳ, kiểm soát các chỉ số này giúp giảm nguy cơ cho mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, sai sót có thể xảy ra từ thu thập mẫu không đúng thời điểm, bảo quản kém hoặc công cụ phân tích không phù hợp.
Các thảo luận nhấn mạnh vai trò tự động hóa trong phòng xét nghiệm hiện đại. Việc áp dụng hệ thống này giúp chuẩn hóa quy trình, kiểm soát chất lượng mẫu ngay từ giai đoạn tiền phân tích – bước đầu quyết định hiệu quả và độ an toàn cho bệnh nhân. Nhờ đó, thời gian xử lý rút ngắn, kết quả trả nhanh hơn, giúp nhân viên y tế tiếp cận thông tin kịp thời, đưa ra quyết định chính xác trong chẩn đoán, điều trị.
Với việc triển khai 34 hệ thống tự động hóa tại các bệnh viện, phòng xét nghiệm lớn trên cả nước, Roche đã khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực này.
Nhiều đột phá trong tự động hoá phòng xét nghiệm được trình bày tại sự kiện. Ảnh: C.C.Lam
Ghi nhận nỗ lực của Roche trong đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, cập nhật xu hướng công nghệ, giúp cơ sở y tế tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng xét nghiệm, TS-BS. Đỗ Thái Hùng – Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang chia sẻ: “15 năm không phải là một chặng đường ngắn. Đó là hành trình chứng minh tầm nhìn và chiến lược đúng đắn về hiện đại hóa y tế, trong đó xét nghiệm giữ vai trò cốt lõi. Hệ thống tự động hóa đã giúp Viện tăng tốc xử lý mẫu, giảm sai sót, đảm bảo chất lượng kết quả. Chúng tôi cũng ghi nhận sự hỗ trợ bền bỉ từ Roche trong đào tạo và chuyển giao công nghệ”.
Là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai hệ thống tự động hóa của Roche từ năm 2010, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã ghi nhận nhiều cải tiến tích cực. Thời gian trả kết quả, vốn kéo dài 3-4 giờ trước đây, nay rút còn 1-2 giờ, vẫn đảm bảo độ chính xác và đồng nhất cao, ngay cả khi xử lý hơn 40.000 xét nghiệm mỗi ngày. "Hơn 28 năm gắn bó với khoa Hóa sinh, tôi đã chứng kiến một chặng đường dài hiện đại hóa hệ thống xét nghiệm. Những giải pháp này góp phần nâng cao hiệu quả vận hành, giảm sai sót, rút ngắn thời gian trả kết quả cho bệnh nhân", TS-BS. Đào Huyền Quyên – Phụ trách khoa Hóa Sinh, Bệnh viện Bạch Mai, nhấn mạnh.
Đại diện Roche cho biết gần 60 năm hoạt động tại Việt Nam cùng tinh thần đổi mới liên tục, cam kết dài hạn và đội ngũ tận tâm, công ty sẽ tiếp tục kiến tạo bước tiến mới trong lĩnh vực chẩn đoán tại Việt Nam. “Tự động hóa phòng xét nghiệm không chỉ là thiết bị và công nghệ, đó là lời cam kết bền vững của Roche trong nâng tầm hệ thống y tế. Chúng tôi tin rằng, bằng hợp tác chặt chẽ, chúng ta sẽ xây dựng cộng đồng y khoa vững mạnh, tiên phong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam”, ông Ricky He, Tổng giám đốc Roche Việt Nam, cam kết.
Tr.My