Xung đột thẩm quyền giữa Tòa và Viện:

Từ góc nhìn Hiến pháp và thể chế

 10:03 | Thứ ba, 26/05/2020  0
Quyết định Giám đốc thẩm của vụ án Hồ Duy Hải có nhiều vấn đề cần bàn, tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã bác tính hợp pháp về thẩm quyền của VKSND Tối cao trong việc kháng nghị vì không đúng luật. Cho đến nay, hai cơ quan này vẫn tiếp tục bảo lưu quan điểm của mình.

Tranh cãi pháp lý này rất hệ trọng và chưa có tiền lệ. Nó buộc phải được xem xét và giải quyết nhằm mục đích bảo vệ Hiến pháp và thể chế chính trị, pháp luật của nước ta. 

Vai trò của tòa án và viện kiểm sát

Ở các quốc gia có thể chế dựa trên nguyên tắc “tam quyền phân lập”, quyền lực nhà nước được phân chia thành ba nhánh, trong đó quyền lực tư pháp độc lập và thuộc về tòa án. Cũng trong hệ thống này, cơ quan như viện kiểm sát không tồn tại mà thay vào đó, chức năng “công tố” (tức thay mặt nhà nước truy tố tội phạm để xét xử trước tòa án) do một cơ quan hành pháp (thường là bộ tư pháp hay tổng công tố) thực hiện. 

Luật sư Nguyễn Tiến Lập.

Ở nước ta, quyền lực nhà nước không phân chia mà tập trung vào cơ quan duy nhất và tối cao là Quốc hội, thể hiện nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân hay “Nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân”. Theo nguyên lý này, Quốc hội thành lập ra hai cơ quan có thẩm quyền ngang nhau và cao nhất cho mục tiêu bảo vệ công lý và pháp luật. Đó là TAND Tối cao thực hiện quyền tư pháp, có chức năng xét xử và VKSND Tối cao thực hiện quyền công tố và có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp (1).

Điểm quan trọng không nên nhầm lẫn là cả TAND Tối cao và VKSND Tối cao cùng thuộc “nhánh tư pháp” nhưng không nắm giữ quyền lực nhà nước độc lập (như mô hình “tam quyền phân lập”) mà chỉ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, hay nói cách khác là thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công, giao quyền của Quốc hội.  

Điều này có ý nghĩa thế nào trong thực tế ? Đó là tòa án có thẩm quyền xét xử các vụ án và tranh chấp pháp lý cụ thể trong các lĩnh vực khác nhau. Khi xét xử, tòa án (thông qua các thẩm phán) phải xem xét sự việc để áp dụng pháp luật. Đó là luật gì ? Luật nội dung (quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự); luật tố tụng (quy định về trình tự và thủ tục giải quyết vụ án hay tranh chấp mà các cơ quan điều tra, kiểm sát và tòa án buộc phải chấp hành) và luật về thẩm quyền, là sự kết hợp giữa cả luật về tổ chức và luật tố tụng (quy định ai được làm việc gì). Câu hỏi là nếu tòa án áp dụng sai luật thì sao? 

Nếu vấn đề tranh cãi và xung đột không được xem xét và giải quyết thoả đáng, e rằng theo nguyên tắc “tiền lệ án”, các hệ lụy đáng lo ngại sẽ phát sinh cho mục tiêu bảo vệ pháp luật và bảo vệ công lý của cả thể chế chính trị và Nhà nước.

Để hạn chế điều đó, viện kiểm sát được thành lập với ngoài chức năng công tố thì còn có nhiệm vụ rất quan trọng là “bảo vệ pháp luật”, bao gồm cả bảo vệ Hiến pháp. Cơ quan này có thẩm quyền kiểm sát hoạt động tư pháp, có nghĩa là thực hiện việc tra xét (kiểm tra, điều tra, giám sát, kháng nghị) tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, bao gồm cả tòa án.

Sự khác biệt trong thể chế và pháp luật ở nước ta chính ở điểm này. Bởi thông thường, tòa án được coi là cơ quan duy nhất và cuối cùng phán xử về pháp luật (không chỉ áp dụng luật cho vụ việc cụ thể mà còn giải thích luật và bảo đảm tính nhất quán, hiệu lực tổng thể của hệ thống pháp luật), với điều kiện trong hệ thống tư pháp có tòa án Hiến pháp (hay tòa Bảo hiến). Tại Việt Nam, do không đi theo mô hình này, chức năng “bảo vệ Hiến pháp và pháp luật” được giao cho viện kiểm sát (2)

Như vậy, có thể nói đơn giản rằng, đối với người dân khi quan tâm hay liên quan đến tố tụng tư pháp, ở cấp độ cuối cùng, nếu muốn biết bên đương sự nào đúng sai trong một vụ án thì phải dựa vào quyết định của tòa án; còn để giải tỏa nghi vấn liệu pháp luật có được tòa án tuân thủ và áp dụng đúng hay không thì phải trông cậy sự xem xét của viện kiểm sát. 

Tranh cãi pháp lý hay xung đột ở đây là gì?

Sau phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, VKSND Tối cao đã phản đối việc Quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao bác tính hợp pháp của kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 của Viện trưởng VKSND Tối cao. Cụ thể, Quyết định giám đốc thẩm đã căn cứ theo biểu quyết 100% đồng ý của Hội đồng Thẩm phán cho rằng: Trong khi Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17.5.2012 của Chủ tịch Nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực thì quyết định kháng nghị nói trên của VKSND Tối cao không đúng pháp luật. 

Tranh cãi phát sinh khi cả hai cơ quan này đều tìm cách bảo vệ quan điểm của mình. Theo đó, phía TAND Tối cao cho rằng quyết định nói trên của Chủ tịch Nước phải được huỷ bỏ, đồng thời Quyết định không kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao trước đó phải được rút lại (3) thì sau đó Viện trưởng VKSND Tối cao đương nhiệm mới được kháng nghị; còn bên VKSND Tối cao cho rằng Viện trưởng VKSND Tối cao có thẩm quyền độc lập để kháng nghị vụ án theo hướng có lợi cho bị cáo ở bất cứ thời điểm nào. 

Đó là sự tranh cãi hay xung đột về áp dụng pháp luật. 

Tuy nhiên, cần hiểu rằng liên quan đến kháng nghị nói trên của VKSND Tối cao có hai vấn đề pháp lý, đó là nội dung các vấn đề của vụ án bị kháng nghị và tính hợp pháp của kháng nghị hay chính là thẩm quyền của VKSND Tối cao đối với quyết định này. Mặc dù Quyết định giám đốc thẩm khi ban hành đề cập chi tiết các vấn đề của nội dung kháng nghị, Hội đồng Thẩm phán đã biểu quyết ngay trước đó để bác tính hợp pháp của việc kháng nghị của VKSND Tối cao.

Trở lại nguyên lý viện kiểm sát là cơ quan chuyên trách và có thẩm quyền tối cao “bảo vệ Hiến pháp và pháp luật”, câu hỏi đặt ra là khi ban hành quyết định kháng nghị, VKSND Tối cao đã không biết hay không cần phải biết về căn cứ pháp lý cho hành vi quan trọng đó của mình? Hay nói một cách khác, liệu rằng một cơ quan có chức năng kiểm sát tối cao việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan tư pháp lại không thể “kiểm sát” việc tuân thủ pháp luật của chính mình? 

Mẹ và người thân của Hồ Duy Hải bên ngoài phiên tòa  giám đốc thẩm. Ảnh: Lê Thế Thắng

Về phía TAND Tối cao, việc bác bỏ tính hợp pháp đối với quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao, không hẳn là tranh cãi chuyên môn mà chính là sự phủ nhận về cả năng lực lẫn thẩm quyền hành xử theo chức năng của cơ quan này. Ngoài ra, vấn đề còn ở chỗ theo quy định của pháp luật, Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đối với vụ án là cao nhất và có hiệu lực thi hành, đồng nghĩa với vai trò và chức năng của VKSND Tối cao trong kiểm sát hoạt động tư pháp đã không còn tác dụng hay bị vô hiệu hóa. Đó chính là xung đột về chấp nhận chức năng và thẩm quyền lẫn nhau giữa hai cơ quan pháp luật tối cao của Quốc hội. 

Nếu vấn đề tranh cãi và xung đột nói trên không được xem xét và giải quyết thỏa đáng, e rằng theo nguyên tắc “tiền lệ án”, các hệ lụy đáng lo ngại sẽ phát sinh cho mục tiêu bảo vệ pháp luật và bảo vệ công lý của cả thể chế chính trị và Nhà nước.  

Hướng giải quyết cần như thế nào?

Nhiều chuyên gia pháp lý đã chỉ ra các cơ hội để những tranh cãi nội dung Quyết định giám đốc thẩm đối với vụ án còn có thể được xem xét, quyết định ở bước tiếp theo dựa trên quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Tác giả bài này quan tâm ở khía cạnh khác, đó là sự xung đột mang tính thể chế liên quan đến chức năng và thẩm quyền của hai cơ quan tư pháp tối cao là VKSND Tối cao và TAND Tối cao thông qua vụ án này.

Dù chưa có tiền lệ, nhưng không có quy định nào của Hiến pháp và pháp luật ngăn cản Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có quyền và trách nhiệm ban hành một nghị quyết riêng để giải quyết vấn đề, nhằm khẳng định trật tự, kỷ cương pháp luật và lấy lại niềm tin của nhân dân vào thể chế chính trị và Nhà nước. 

Bài học kinh nghiệm ở Slovakia 

Tôi muốn bổ sung thêm một bài học đau đớn tại Slovakia trong những năm sau khi chuyển đổi thể chế sang kinh tế thị trường. Để đáp ứng tiêu chuẩn gia nhập EU, người ta đã tách tòa án thành một hệ thống độc lập, thoát khỏi sự quản lý hành chính của Bộ Tư pháp như trước đó.

Kết quả là, tòa án trở thành chuyên quyền, độc đoán, thậm chí ở cấp tối cao cũng bị mafia hóa. Sau này khi sửa sai, các chuyên gia mới nói rằng họ quên mất một điều căn bản, đó là tư pháp độc lập nhưng không kèm theo trách nhiệm giải trình.

Sâu xa hơn, còn có sự so sánh rằng tư pháp độc lập ở các nước phương Tây chỉ có thể phát huy hiệu quả khi các thẩm phán đã thấm đẫm văn hóa dân chủ và đề cao đạo đức nghề nghiệp. Mà có được điều này phải mất cả trăm năm. Cho nên, sẽ là một nguy cơ nếu tòa án ở Việt Nam ngày càng độc lập như nhiều người cổ súy mà thiếu các cơ chế giám sát và giải trình song hành.

Tôi thật sự e ngại tình huống xảy ra với các hệ lụy từ vụ án Hồ Duy Hải. Đó là hoạt động kiểm sát tư pháp của VKSND và bào chữa của luật sư trong tố tụng sẽ bị vô hiệu hóa. 

Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Thành viên NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

>> Vụ án Hồ Duy Hải đang thách thức cả nền công lý tư pháp Việt Nam
 ________________

(1) Điều 102 và 107, Hiến pháp 2013;

(2) Điều 2, Luật Tổ chức VKSND 2014 có quy định này, mặc dù không được cụ thể hóa;

(3) Năm 2011, Viện trưởng VKSND Tối cao lúc đó quyết định không kháng nghị vụ án.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
bài viết cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

#du lịch hè
#nhà tái định cư
*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.