Từ quận công đến tiểu đồng

 20:39 | Thứ bảy, 19/09/2020  0
Một ngày trung bình bạn đi tiểu 10 lần, hoặc có thể nhiều hơn. Thế là chỉ riêng mỗi mình bạn không thôi đã phí hết trên 160 lít nước sạch. Mà nước sạch bây giờ càng ngày càng hiếm và đắt đỏ...

Nói thật mà vui, tôi có một cái thú "nhà quê", nhưng mang đầy tính cách chủ trương có ý thức, là thích "trút bầu tâm sự" vào các gốc cây hoa ở trước và sau vườn nhà. Mỗi lần bà xã tôi bắt gặp, bà lại la lên oang oảng. Tôi cố gắng giải thích, nhưng bả ta lại không nghe. Tôi vẫn chỉ cười trừ. Đàn bà thì họ cứ la, đàn ông vẫn thế việc ta cứ làm: “Mẹ không thấy rằng nhờ nước tưới của ba mà hoa hồng nở thắm thế kia.” Nghĩ lại, nhiều khi tôi thấy mình cứ như mấy ông bạn nghiền thuốc lá, cứ trốn vợ con ra đứng sau góc vườn để vụng trộm hút vài khói, xong rồi cố chùi mép, lấm la lấm lét đi vào nhà với mùi hôi khói thuốc nồng nặc.

Thời thế đã đổi thay. Cái văn minh thành thị ngày nay của Tây Âu cứ dồn ép đàn ông chúng tôi vào góc vườn lắm lúc nhìn như kẻ trộm. Hình ảnh những tài tử, đào hoa, người quân nhân anh hùng trong khói thuốc nay đã lỗi thời. Chàng thanh niên đứng "cấp thoát nước" ở luống hồng trước ngõ ngang nhiên thuở nọ thì hôm nay có thể bị bà hàng xóm kêu cảnh sát vì tội “công xúc tu sỉ” (còn gọi là công khai dâm ô). Liệu có bất công? Nhưng hôm nay tôi có cớ để phải lên tiếng.

Việc là vầy: hôm thứ Sáu, 27.2.2009 tờ báo uy tín New York Times có đăng một bài xã luận của Rose George với tựa đề “Yellow is the New Green” (*) viết về vấn đề tái sử dụng nước tiểu của con người để làm phân bón cho cây vườn. “Yellow” ở đây là màu vàng của nước tiểu, “New Green” là tác dụng môi trường mới. Và theo đó thì với kinh nghiệm của các nhà nông khắp thế giới, nhất là ở Trung Hoa, thì việc tái sử dụng nước tiểu là một sự tiết kiệm tài nguyên hữu ích và khôn ngoan.

Ảnh minh hoạ của The New York Times.

Trong tất cả các loại phân bón cho cây vườn, không có gì tốt hơn là nước tiểu con người. Nước tiểu chứa đầy các chất hữu cơ lợi ích như nitrogen, phosphorus va potassium. Người xưa, khắp thế giới, ở Anh cũng như Tàu, Việt cũng như là Nga, đều đi tiểu vào các thùng sau vườn, để dành đó, pha với nước mưa, rồi tưới cho hoa màu, cây cỏ. Tiết kiệm nước sạch lại có thêm phân bón thiên nhiên cho hoa màu. Tại sao không?

Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, cư dân trong các thành phố lớn, nhất là ở các chung cư, họ không còn một chọn lựa nào khác hơn là bỏ đi hoàn toàn nước tiểu cùng với một sự tốn kém không nhỏ. Trung bình, theo bài báo này, mỗi gia đình phải dùng hơn 30% số nước sử dụng hằng ngày để sử dụng toilets. Hệ quả là các hệ thống lọc nước phế thải của các khu đô thị lớn đã bị quá tải. Nhận thức ra vấn đề này, hiện nay ở Âu Mỹ đang có một phong trào, dù chỉ mới manh nha, và còn rất nhỏ, để khuyến khích sự kiến tạo và sử dụng loại toilets mà nước tiểu có thể được tách rời ra khỏi hệ thống cống rãnh nhằm sử dụng cho việc tưới cây cỏ cho vườn nhà, đồng thời tiết kiệm được ít nhất là một phần tư số nước sử dụng hằng ngày. Phong trào này có khẩu hiệu: “Save energy, save water, save the oceans. Recycle urine.” (Tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, cứu đại dương. Hãy tái dụng nước tiểu).

*

Đọc đến đây thì tôi quá đồng tình. Tôi nhớ cách đây ít năm, khi dời về căn nhà mới mua, chúng tôi đã có một bữa tiệc nhỏ cùng với một số thân hữu. Trong khi đang ăn uống sắp tàn, một vài anh em bỏ ra ngoài sân để hút thuốc lá. Nhưng cũng có vài anh em trong giới văn nghệ, báo chí không chịu đi vào toilet trong nhà, đã đi ra góc vườn để "giải quyết" vào các gốc cây. Khi bà xã tôi thấy và la lên, có anh văn sĩ nọ, vừa kéo zip quần, vừa cười to: “Thứ nhất quan công, thứ nhì tiểu đồng.” Tôi cùng cười theo đồng tình với anh bạn. Bà xã tôi tái sử dụng hầu hết nước rửa rau, vo gạo, rửa chén, nhưng bà ta vẫn chưa chịu tin vào tái dụng nước tiểu. 

Mỗi gia đình phải phí hơn 30% số nước sử dụng hằng ngày để sử dụng toilets. Ảnh mang tính minh hoạ.

Ngày xưa khi lớn lên ở miền quê Việt Nam, nước tiểu vừa là phân bón, vừa là thuốc cứu thương. Thời đó, lũ học sinh chúng tôi trong làng, mỗi lần mót tiểu là tìm đến các ao rau muống sau vườn, hay bên cạnh trường. Không có rau muống nào mà xanh tươi và ngon lành hơn rau muống từ mấy cái ao ấy. Theo bài báo của New York Times nói trên thì nước tiểu tương đối an toàn - và nhất là không có những hóa chất hay kim loại nặng vốn rất là độc hại vốn đầy dẫy trong các loại phân bón nhân tạo dùng cho cây cỏ, hoa màu ngày nay. Điều này ông bà ta xưa nay đã thực hành mà không cần đền các nhà hóa học nhắc nhở.

Bây giờ ở Mỹ, hay Âu, hay các thành phố lớn bất cứ ở đâu, Hà Nội, Bắc Kinh... mỗi lần chúng ta đi tiểu là tốn hết 4 gallons để giật toilet. Một ngày trung bình bạn đi tiểu 10 lần, hay nhiều hơn. Thế là chỉ riêng mỗi mình bạn không thôi đã phí hết trên 40 gallons (160 lít) nước sạch. Mà nước sạch bây giờ càng ngày càng hiếm và đắt đỏ. Ở Trung Đông, có nơi, nước sạch đắt hơn xăng dầu. Nếu bạn để ý đến hóa đơn hàng tháng cho điện, gas, rác, và nước, thì tiền nước bao giờ cũng đắt bằng hoặc nhiều hơn.

Dĩ nhiên, đứng tiểu giữa chốn công cộng thì không chỉ mất lịch sự, mất thẩm mỹ mà còn gây ô nhiễm môi trường. Ở nhiều nơi, hành vi "tiểu đường" này còn bị phạt nặng. Nhưng cái gì nó cũng có cái mức độ, cách nhìn và hành xử tuỳ theo hoàn cảnh mà thôi.

Năm 1988, khi tôi còn làm phó biện lý ở Santa Cruz (Hoa Kỳ), cảnh sát thỉnh thoảng biên giấy phạt các anh đứng tiểu ở bãi biển. Khi các giấy phạt đó đến tay tôi, tôi xóa bỏ hết. Tôi cho rằng, khi các anh, các chị đang đi dọc theo các bờ biển vắng, không có nhà vệ sinh công cộng, nếu muốn đi tiểu, thì họ phải đứng dựa vào bờ đá mà tiểu thôi. Tại sao lại phạt họ?

Nhà vệ sinh công cộng được thiết kế mới ở Shibuya (Tokyo, Nhật Bản) tưởng như được ghé từ những tấm kính “nhìn xuyên thấu” nhưng khi có người bước vào, khoá cửa thì các bức tường kính sẽ trở nên mờ đục, để đảm bảo sự riêng tư. Ảnh: The Nippon Foundation

Hằng năm, các vụ tràn bồn chứa từ các lò lọc nước phế thải đã làm ô nhiễm các bờ biển khắp nơi trên thế giới, nhất là vào mùa mưa ở các khu vực gần những trung tâm đô thị lớn. Nguyên nhân là vì số lượng tiêu dùng nước cho nhu cầu toilets từ các thành phố đã gia tăng quá cao. Một lần đi tiểu, thì chúng ta phải cần đến 4 gallons để đẩy xuống toilet; sau đó, thành phố lại phải cần đến gấp 4 lần nữa, tức 16 gallons nước sạch, và điện với gas phải sử dụng, để các nhà máy lọc nước xử lý. Bạn nhớ đấy. Mỗi lần "trút bầu tâm sự", thì cả một guồng máy công nghệ tốn kém năng lượng của đô thị phải gia công gấp 16 lần để giải quyết và thanh lọc cho phần “đóng góp” của bạn. Thử nhân số lượng đó cho tổng số người trong gia đình bạn, xong rồi nhân lên 365 ngày mỗi năm!

*

Tôi nói những điều này, là hoàn toàn nghiêm chỉnh, với chút ít thẩm quyền của một chuyên gia. Luận án tốt nghiệp cao học công quyền của tôi từ đại học Texas ở Austin đã được viết từ công trình nghiên cứu công nghệ xử lý phế thải lỏng từ thành Rome của La Mã dưới thời Julian (361 AD) cộng thêm kinh nghiệm mà tôi có được trong thời gian làm việc trong dự án phân phối nước cho thành phố Austin những năm 1980-81. Cái thử thách lớn nhất cho công tác quản lý đô thị ngày nay, cũng như ngày xưa, là cung cấp nước sạch, và xử lý nước bẩn. Hãy đi đến các đô thị của các quốc gia mức sống còn nhiều khó khăn. Không có gì đày đọa con người ở đó hơn là vấn đề nước phế thải.

Chúng ta cũng phải nên nhớ rằng, hầu hết ở các trung tâm đô thị Âu Mỹ ngày nay, dân chúng đều phải uống và sử dụng nước được xử lý, thanh lọc lại từ các lượng nước phế thải, trong đó phần lớn là từ các nhà vệ sinh. Tác giả Rose George đã trích lời của tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt từ thế kỷ trước rằng, “Con người văn minh đã đến lúc phải biết cách để xử lý số lượng nước phế thải (sewage) một cách nào khác hơn (thay vì) là đưa chúng vào lại trong nước uống.”

Nhân loại hôm nay chỉ biết văn minh về kiểu cách, hình thức, trong khi bản chất xử lý phế thải và liên hệ đến môi trường thì mù mờ, có khi vô trách nhiệm. Tất cả những ai tự cho là người hiểu biết đều cần biết rằng, đối với nước phế thải từ đô thị, phương cách giải quyết không đơn giản, và cũng không ít tốn kém. Đây là vấn đề lớn lao, đòi hỏi một chính sách công quyền hiệu năng, hợp thời và thích ứng với môi sinh. Và cái cần thiết nhất là ý thức của người tiêu dùng nước sạch. Tiết kiệm là bước tiên khởi thiết yếu.

Nguyễn Hữu Liêm

____________

(*) https://www.nytimes.com/2009/02/27/opinion/27george.html

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.