Từ trường doanh nhân “độc nhất vô nhị” đến thế hệ doanh nhân nhân bản

 15:41 | Chủ nhật, 13/10/2024  0
Lịch sử kinh thương Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm từ những ngày đầu cho đến khi nở rộ với gần 1 triệu doanh nghiệp như ngày nay. Trong dòng chảy đó, sự xuất hiện của Trường Doanh nhân PACE là một điểm nhấn đặc biệt và với cách hoạt động “độc nhất vô nhị” của mình, nơi đây đã trở thành một chứng nhân cho những thời khắc thay đổi của doanh giới.

Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10.2004-13.10.2024), TS. Giản Tư Trung, Người sáng lập và Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, đã chia sẻ về PACE, về lịch sử kinh thương và về một thế hệ doanh nhân mới.

TS. Giản Tư Trung, Người sáng lập và Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE.


Mở "trường doanh nhân", tôi bị mang tiếng "hoang tưởng”

Ngay từ khi ra đời, PACE đã là một trường học “độc nhất vô nhị” dành riêng cho doanh nhân, điều chưa từng có trước đó. Sự xuất hiện này gắn với dòng chảy của giới doanh nhân Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Ông Giản Tư Trung: Tôi có may mắn là gắn bó với sự học của doanh nhân từ những ngày đầu. Vì Trường doanh nhân PACE ra đời trong thời điểm khá đặc biệt của lịch sử kinh thương, sau giai đoạn thăng trầm trước đó.

Nếu nói sơ về lịch sử kinh thương Việt Nam thì có thể gom mấy ngàn năm trước lại thành một thời kỳ. Thời phong kiến, kinh thương Việt Nam sống trong ý thức hệ của Nho giáo, với trật tự xã hội “sĩ - nông - công - thương - binh”, và với tư tưởng “trọng nông, ức thương”. Thương nhân là tầng lớp có thể giàu có nhưng vẫn bị coi tầng lớp hạ đẳng của xã hội.

Tại sao như vậy? Nhiều nguyên nhân, nhưng có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là ý thức hệ của Nho giáo tin rằng, chỉ có nông nghiệp mới tạo ra của cải vật chất còn thương nhân chỉ là mua đi bán lại kiếm lời chứ không tạo ra giá trị gì. Thứ hai là bản thân cách thức làm ăn của nhiều thương nhân hồi xưa cũng không là tốt lành lắm, đa số là “mua gian, bán lận”, dần trở thành “kẻ thù” của nông dân. Những điều đó khiến thương nhân không phát triển được.

Cho đến đầu thế kỷ 20 có một lực lượng gọi là Tây học, tiếp thu văn minh của phương Tây như cụ Phan Châu Trinh, Lương Văn Can… Họ nhận ra rất rõ rằng, nếu không có doanh thương thì không có phát triển, đất nước không thể phú cường, thịnh đạt. Thậm chí các cụ lấy chính bản thân mình để chứng minh cho người đời rằng kinh doanh là nghề cao quý chứ không xấu xa hay xấu xí như người đời vẫn nghĩ. Tức là các cụ muốn định nghĩa lại cái nghề này và cuối cùng xuất hiện thế hệ doanh nhân đầu tiên như Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà, Trương Văn Bền... Tức là bắt đầu hình thành một nhóm tư bản dân tộc, nhưng thế hệ này cũng sớm dừng lại.

Năm 1945 trở đi, chúng ta bắt đầu một chế độ xã hội mới. Rồi dất nước bị chia cắt thành hai miền. Do chiến tranh, mặc dù có kinh doanh nhưng cũng không đủ để hình thành một tầng lớp doanh nhân. Đến năm 1975 cho đến thập niên 90 thì chúng ta chủ trương nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, kinh doanh và thị trường hầu như bị xóa sổ, dù vẫn có một số cơ sở hoạt động mà chúng ta thấy sau đó những vụ án như Nước hoa Thanh Hương, Lâm Cẩu, Huỳnh Là… Lúc này, Nhà nước mới thấy là dẹp thì không nên mà để thì phải có luật. Vì vậy, năm 1990 bắt đầu có “Luật doanh nghiệp tư nhân” và “Luật công ty” nhưng vẫn chưa khuyến khích kinh doanh, vì muốn thành lập thì phải có rất nhiều giấy phép và phải là chủ tịch cấp tỉnh cho cấp phép thành lập.

Đến năm 1999 mới có Luật Doanh nghiệp mới và đây là một bộ luật có tính cách mạng trong lịch sử kinh thương Việt Nam. Luật này chính thức luật hóa quyền tự do kinh doanh, chính thức trả lại quyền này cho người dân, và người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm.

Năm 2001, thời điểm luật này mới đi vào cuộc sống, cũng chính là lúc PACE ra đời. Nhưng khi cùng cộng sự mở trường doanh nhân, tôi còn bị mang tiếng “hoang tưởng”, thậm chí là “tâm thần”! Nhưng sau đó PACE lại phát triển tốt, trở thành một hiện tượng và cùng với doanh nhân bước vào thời kỳ mới.

Từ khoảng hơn 30.000 doanh nghiệp ở đầu thế kỷ 20, cho đến bây giờ đất nước đã có gần 1 triệu doanh nghiệp, giới kinh doanh đã đi được một chặng đường rất dài. Nghĩa là kinh doanh ở Việt Nam đã có từ lâu đời, nhưng kể từ đầu thế kỷ 20, lịch sử kinh thương của Việt Nam chúng ta mới thật sự bắt đầu.

Bị mang tiếng hoang tưởng, tâm thần vậy ông đã thực sự gặp những khó khăn gì?

Khi khởi sự cái gì đó mới mẻ thì ai cũng khó khăn cả, không riêng gì chúng tôi. Nhưng lĩnh vực mà chúng tôi lao vào quả thật quá khó, đến mức thời gian đầu thành lập, gần như không ai tin PACE có thể sống được, mọi người đều cảm thấy PACE giống như cái gì đó hơi bị hoang tưởng.

Cái khó thứ nhất, đó là PACE chủ yếu dành cho sếp, đối tượng quá khó chạm đến và phạm vi lại khá hẹp. Thứ hai, PACE là trường tư, mà đến thời điểm đó đa phần người ta vẫn tin vào trường công, chứ chưa tin vào trường tư, vì trường tư chưa phổ biến và thiếu yếu đủ đường. Thứ ba là trước giờ người đi học là để lấy tấm bằng, trong khi PACE lại chủ trương thực học và theo đuổi giáo dục không bằng cấp. Thứ tư, học phí của PACE cao gấp 5 lần trường công ở cùng thời điểm, vì chúng tôi phải đầu tư rất nhiều cho cơ sở vật chất, chương trình và giảng viên. Còn một lý do nữa đó là mọi người chưa ai biết có một ngôi trường như vậy ở trên đời.

Một trong điều mà tôi hạnh phúc nhất trong hơn 20 năm gắn bó với sự học của doanh nhân, đó là vài thập niên trước, nếu như doanh nhân đi học là chuyện lạ, rất lạ, thì ngày nay, doanh nhân không đi học thì mới là chuyện lạ.

TS. Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE

Nhưng chúng tôi đã biết cách tồn tại bằng cách tạo ra những chương trình học mà chúng tôi biết chắc là các doanh nhân sẽ rất rất cần cho công việc quản lý và lãnh đạo của mình, nhưng không nơi nào có, nên cách duy nhất để học là đến với PACE. Ban đầu một số người đến với PACE có lẽ một phần vì sự tò mò, vì thấy đây là ngôi trường có vẻ “độc lạ”, nhưng sau khi học thấy rất tâm đắc và lan tỏa cho nhiều người biết.

Nên chỉ sau mấy năm PACE đã thành một “hiện tượng” giáo dục. Nhiều tờ báo đã đến đưa tin, viết bài và đưa lên trang bìa tít bài “Doanh nhân đi học”, như thể chuyện này là một điều gì đó vô cùng lạ lùng. Và năm 2004, kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam đã mời tôi tham gia Talkshow nổi tiếng lúc bấy giờ là “ Người đương thời ” để chia sẻ về câu chuyện “Doanh nhân đi học” này.

Một trong điều mà tôi hạnh phúc nhất trong hơn 20 năm gắn bó với sự học của doanh nhân, đó là vài thập niên trước, nếu như doanh nhân đi học là chuyện lạ, rất lạ, thì ngày nay, doanh nhân không đi học thì mới là chuyện lạ.

TS. Giản Tư Trung: "Rất thú vị là có rất nhiều doanh nhân khi học ở PACE hơn 20 năm trước doanh số của công ty họ có khi chỉ khoảng vài chục hay vai trăm tỷ đồng. Hơn 20 năm sau họ cũng quay lại PACE để học, nhưng lúc này doanh số của các công ty đã là hàng tỷ USD."


Quá khứ thì hào hùng hay đau thương mấy thì cũng đã qua, liệu ông và trường PACE có thể đồng hành với sự học của doanh giới trong mấy chục năm tới?

Chắc chắn là như vậy. Thế giới biến động không ngừng, doanh giới đã trải qua các thế hệ, doanh nhân 1.0, 2.0, rồi 3.0… Trường PACE cũng vậy, có PACE 1.0, 2.0 rồi 3.0… để đồng hành với sự học của doanh giới.

Rất thú vị là có rất nhiều doanh nhân khi học ở PACE hơn 20 năm trước doanh số của công ty họ có khi chỉ khoảng vài chục hay vai trăm tỷ đồng. Hơn 20 năm sau họ cũng quay lại PACE để học, nhưng lúc này doanh số của các công ty đã là hàng tỷ USD.

Không phải là “nước lên thì thuyền lên”, mà giáo dục thì phải đi trước, tức là phải bước ra khỏi thời đại của mình để định hình một thời đại mới, tiến bộ hơn, rồi dẫn dắt mọi người bước vào thời đại mới đó. Chúng tôi đã dành ra 10 năm để phát triển một hệ sinh thái quản trị toàn cầu đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, với những đối tác là các tổ chức dẫn đầu thế giới trong từng lĩnh vực chuyên môn sâu về quản trị.

Với hệ sinh thái này, dù tôi có còn làm ở PACE hay không, PACE vẫn có đủ khả năng đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp khai mở một nền quản trị mới tại Việt Nam, và góp phần giải quyết những vấn đề thiết yếu nhất về quản trị của các doanh nghiệp ở mọi quy mô.

Kinh doanh là tốt lành

Từ 2001 đến nay là đã hơn hai thập kỷ, giới doanh nhân cũng đã có những thay đổi rất lớn và trải qua không ít thăng trầm, thậm chí phải trả giá đắt trong quá trình kinh doanh. Với vai trò của ông với PACE chứng kiến chặng đường này, ông có trăn trở về điều đó?

Trăn trở chứ!

Khi muốn làm ăn, tất cả doanh nhân đều có khát vọng. Trong đó có 2 loại khát vọng phổ biến nhất: lớn và bền. Một là chỉ cần lớn, không cần bền. Hai là không lớn cũng được, nhưng phải bền. Ví dụ có những quán phở không lớn nhưng bền vững, truyền qua 3-4 thế hệ. Nếu muốn vừa lớn vừa bền thì phải dựa trên một thứ cực kỳ quan trọng, đó là chiều sâu văn hóa và giá trị bền vững. Theo tôi, văn hóa vừa là “chân thắng” vừa là “chân ga”. Văn hóa là đức tin, lý tưởng, dấn thân đẩy mình đi, chinh phục bao chông gai, bao núi cao. Nhưng văn hóa cũng là thứ giúp mình không sa xuống vực sâu. Phải có lằn ranh đỏ cho bản thân. Nhiều doanh nhân vượt qua lằn ranh đó vì tin vào một số thế lực. Nhưng trên đời này không có thế lực nào bất biến cả. Chỗ dựa lớn nhất là giá trị bền vững, gồm giá trị phổ quát (đúng ở mọi nơi) và nguyên lý trường tồn (đúng ở mọi thời).

Vậy trên đời này có giá trị phổ quát và nguyên lý trường tồn nào mà mình dựa vào đó để chắc chắn không sai?

Thời đại này là thời đại hoang mang, thời đại có 3 hệ lụy lớn nhất về mặt văn hóa. Mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, nhiều niềm tin bị đổ vỡ. Chỉ có một thứ đúng phổ quát và trường tồn, đúng ở mọi nơi và mọi thời, đó là “NHÂN BẢN”. Nhân là người, bản là gốc. Nhân bản là lấy độc lập và tự do của con người làm gốc, lấy thành công của con người làm gốc, lấy danh dự và phẩm giá của con người làm gốc. Doanh nhân cũng cần như thế, nhưng không chỉ nhân bản với chính mình, nhân bản với khách hàng, còn phải nhân bản với nhân viên, nhân bản với đối tác, nhà cung cấp... Lấy triết lý “lợi mình, lợi người và lợi tất cả các bên” làm “kim chỉ nam” cho mọi hành động.

TS. Giản Tư Trung: "Mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, nhiều niềm tin bị đổ vỡ. Chỉ có một thứ đúng phổ quát và trường tồn, đúng ở mọi nơi và mọi thời, đó là 'NHÂN BẢN'".


Theo ông thế hệ doanh nhân mới hiện nay như thế nào?

Nếu nói về doanh trí, doanh giới Việt Nam đã tiến một bước dài, rất dài so với trước. Doanh nhân đã đi một đôi hia bảy dặm và thay đổi rất nhanh, mặc dù so với thế giới thì vẫn còn một khoảng cách lớn, nhất là về khát vọng toàn cầu và trăm năm, vì họ đã đi trước mấy trăm năm. Trong doanh trí có nhiều thứ, trong đó có một thứ rất khó đi nhanh được, đó là văn hóa.

Có người hỏi tôi hướng về một thế hệ doanh nhân mới là như thế nào? Vì mình không làm rõ thế hệ doanh nhân mới như thế nào thì làm sao hướng về? Thế hệ doanh nhân mới là thế hệ không chỉ có năng lực lãnh đạo hoặc là tài năng kinh doanh. Tài năng kinh doanh và năng lực lãnh đạo là hiển nhiên, vì thế hệ doanh nhân cũ hay mới gì thì cũng cần phải có. Thế hệ doanh nhân mới cần có thêm nhiều thứ khác, đó là, có chiều sâu văn hóa, tính nhân bản và tinh thần ái quốc. Đó là sự khác biệt lớn nhất của thế hệ doanh nhân mới, một thế hệ “rất nhân loại, rất dân tộc, nhưng cũng rất là chính mình”.

Tôi có nói nhiều đến định nghĩa kinh doanh mà tôi đã chia sẻ với doanh giới trong suốt hơn hai thập ký qua: Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm dịch vụ tốt lành của mình. Trong định nghĩa này có 2 từ quan trọng nhất, đó là: Kiếm tiền và Tốt lành. Lâu nay người ta hiểu phụng sự xã hội là từ thiện, đóng thuế, giải quyết công ăn việc làm... Điều đó không sai, nhưng đó chỉ là phụng sự xã hội nhỏ. Phụng sự xã hội lớn nhất của một doanh nghiệp không thể là cái gì khác, mà chính sản phẩm dịch vụ mà mình cung cấp. Công ty nào cũng bán cái gì đó, không có công ty nào lại không bán cái gì cả. Nếu thứ mà họ bán thật sự tốt lành thì đó chính là kinh doanh, còn nếu không tốt lành thì không phải là kinh doanh mà chỉ là đội lốt kinh doanh mà thôi.

Thế hệ doanh nhân mới là thế hệ không chỉ có năng lực lãnh đạo hoặc là tài năng kinh doanh... Thế hệ doanh nhân mới cần có thêm nhiều thứ khác, đó là, có chiều sâu văn hóa, tính nhân bản và tinh thần ái quốc. Đó là sự khác biệt lớn nhất của thế hệ doanh nhân mới, một thế hệ “rất nhân loại, rất dân tộc, nhưng cũng rất là chính mình”.

TS. Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE

Vậy thế nào là tốt lành? Theo tôi, một thứ hay một việc được xem là “tốt lành” nếu hội đủ cả 4 yếu tố mà tôi thường gọi là “Tứ Đạo”: Đạo luật, Đạo đức, Đạo sống và Đạo thiêng.

Cụ thể là: (1) Đạo luật: Nghĩa là phải tuân thủ pháp luật của nhà nước; (2) Đạo đức: Không chỉ cần đúng pháp luật, mà còn phải phù hợp với quy chuẩn đạo đức của xã hội, bởi lẽ, nếu đúng luật mà trái đạo thì cũng không ổn; (3) Đạo sống: Có những việc, tuy “đúng luật” và “đúng đạo”, nhưng “trái lòng” hay “trái lương tâm” cũng không được. Chẳng hạn, kinh doanh thịt chó thì có thể không trái pháp luật và trái đạo đức, nhưng nhiều người vẫn không chấp nhận làm vì “trái lòng” của họ; (4) Đạo thiêng: Ngoài pháp luật, đạo đức, đạo sống, còn có đạo thiêng, tức là không làm gì trái với đức tin hay đời sống tâm linh của họ. Chẳng hạn, nếu họ theo đạo Hồi thì họ không kinh doanh thịt heo, mặc dù ở trong quốc gia của họ, kinh doanh thịt heo thì không trái luật hay trái đạo.

Chúng ta đã chứng kiến nhiều, rất nhiều doanh nghiệp đổ vỡ khi phát triển đến một mức độ nào đó vì không còn giữ được sự “tốt lành” như trước nữa.

TS. Giản Tư Trung: "Không phải là “nước lên thì thuyền lên”, mà giáo dục thì phải đi trước, tức là phải bước ra khỏi thời đại của mình để định hình một thời đại mới, tiến bộ hơn, rồi dẫn dắt mọi người bước vào thời đại mới đó".


Vậy ông có niềm tin về thế hệ doanh nhân mới?

Tôi vẫn luôn tin, luôn hi vọng vào những điều tốt đẹp hơn. Nếu không tin vào khả năng thay đổi và phát triển của con người để tốt hơn lên thì không nên làm giáo dục. Bởi lẽ bản chất sâu xa của giáo dục là phát triển con người, là tiếp sức cho hành trình tực lực khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của con người. Khi người học chạm vào chiều sâu và khai sáng mình thì chắc chắn sẽ thay đổi ở bên trong. Họ sẽ nhân bản hơn.

Nhân bản không phải là một phương tiện để đạt được mục đích. Nhân bản là lẽ sống!

An Thư thực hiện

TS. Giản Tư Trung hiện là Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng Sách Hay và Giám đốc học thuật Học bổng Lãnh đạo khai phóng IPL Scholarship.

Ông chủ trì việc biên soạn bộ sách Đạo Kinh doanh Việt Nam & Thế giới (gồm 15 cuốn); và là tác giả của 3 cuốn sách có tầm ảnh hưởng: Đúng Việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh; Sư phạm Khai phóng và Quản trị bằng Văn hóa.

Ông nhận bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu phát triển tại Học viện Sau Đại học Geneva; Tu nghiệp về Chính sách Giáo dục Quốc tế tại Đại học Harvard; Tốt nghiệp Tiến sĩ về Giáo dục tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore; và tốt nghiệp Tiến sĩ về Giáo dục tại Đại học London (UCL).

Với những cống hiến của ông cho giáo dục, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã vinh danh ông là một Nhà lãnh đạo toàn cầu trong vai trò là một Nhà hoạt động giáo dục.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.