Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam, vừa có văn bản gửi ông Phạm Vinh Quang, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao), đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến việc thu hẹp gần 90% diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải đang gây ồn ào dư luận.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Ảnh: Trọng Đức
UNESCO cho biết đã nhận được nhiều nguồn thông tin liên quan đến quyết định của chính quyền Thái Bình về việc giảm diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500 ha xuống còn 1.320 ha (giảm hơn 11.000 ha). Điều này có thể tác động đến Khu sinh quyển Đồng bằng sông Hồng đã được UNESCO công nhận.
Để làm rõ thông tin, UNESCO đề nghị Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam hỗ trợ các thông tin với cơ quan chức năng liên quan, gồm các báo cáo về việc điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha (trong đó 634ha rừng ngập mặn và 688ha rừng chưa có rừng) có chính xác không?
Nếu báo cáo được xác nhận thì diện tích bị suy giảm ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải chồng lên ranh giới Khu dự trữ sinh quyển thế giới đồng bằng sông Hồng được UNESCO chỉ định công nhận trong hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển trình UNESCO ở mức độ nào?
Trước đó, đại diện Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) cũng lên tiếng cho rằng, việc thu hẹp tới 90% Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải cần hết sức thận trọng, tuân thủ luật pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, không đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển kinh tế.
Vừa qua, UBND tỉnh Thái Bình có quyết định 731 nhằm xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, còn gọi là khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Theo đó, tổng diện tích khu bảo tồn nói trên là 1.320 ha, gồm phần đất có rừng ngập mặn 632 ha và diện tích chưa có rừng 688 ha, thuộc vùng ngoài đê của 3 xã Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh.
Khu vực dự kiến thực hiện dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình là nơi tiếp giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Ảnh: Trọng Đức
Đáng chú ý, trước đó, ngày 26.9.2014, UBND tỉnh Thái Bình đã có quyết định 2159 xác lập quy mô khu bảo tồn này là 12.500 ha, bao gồm 1.430 ha rừng, 11.050 ha đất ngập nước và bãi bồi.
Như vậy, khu bảo tồn sẽ bị điều chỉnh giảm diện tích khoảng 90%, từ 12.500 ha xuống còn 1.320 ha. Quyết định mới của tỉnh Thái Bình cũng thu hẹp đáng kể diện tích rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Một trong những căn cứ để UBND tỉnh Thái Bình ban hành quyết định 731 là để phù hợp với quyết định 1486 do Phó Thủ tướng Chính phủ ký ngày 28.10.2019, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
UBND tỉnh Thái Bình xác định sau khi giảm về quy mô diện tích thì Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải sẽ được "bao quanh" bởi các dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Đề nghị Thái Bình làm rõ thông tin 'xóa sổ' khu Bảo tồn thiên nhiên
Liên quan đến việc Thái Bình có quyết định thu hẹp gần 90% diện tích Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (gọi tắt Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải), ngày 22.8.2023, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã ký ban hành văn bản số 6941/BTNMT-BTĐD, đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình làm rõ thông tin phản ánh của báo chí về vấn đề này.
Văn bản nêu rõ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải được xác lập theo Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 26.9.2014 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình với diện tích 12.500ha và được chuyển tiếp thành khu dự trữ thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học tại Quyết định số 1107/QĐ-BTNMT ngày 12.5.2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố Danh mục các khu bảo tồn.
Đồng thời, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải là Di sản Thiên nhiên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ Môi trường và là vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển Châu thổ sông Hồng.
Theo thông tin phản ánh báo chí, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải bị cắt giảm diện tích từ 12.500ha xuống còn 1.320ha theo Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 17.4.2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình cung cấp thông tin, làm rõ phản ánh nêu trên và các cơ sở pháp lý, thực tiễn đối với điều chỉnh diện tích Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải.
Thông tin gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản trước ngày 25.8.2023.
* Trước đó, ngày 19.8.2023, theo VOV, Liên quan đến việc UBND tỉnh Thái Bình quy hoạch khu kinh tế, thu hẹp khu vực Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Hoài Nam - Trưởng phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Cục Lâm nghiệp, cho biết khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là một trong hai vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng và được UNESCO công nhận là một trong những vùng lõi quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Từ năm 2020, UBND tỉnh Thái Bình có gửi văn bản tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xin ý kiến về việc quy hoạch khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải. Thời điểm đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời tỉnh Thái Bình, đây là khu bảo tồn thiên nhiên được UNESCO công nhận nên phải có ý kiến đồng thuận của các bộ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư.
“Từ đó đến nay, Bộ cũng chưa nhận được phản hồi của UBND tỉnh Thái Bình. Việc tỉnh tự ra quyết định mới và truyền thông phản ánh, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng. Quan điểm là chắc chắn không thể đánh đổi và thực hiện như tỉnh Thái Bình đang làm được. Bởi khu vực này nằm trong nhiều chương trình liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết 102 của Quốc hội, và được nhiều tổ chức quốc tế đầu tư vào đây”, ông Đoàn Hoài Nam cho hay.
Theo Trưởng phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Cục Lâm nghiệp, hiện Bộ NN&PTNT được Chính phủ giao đầu mối thực hiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia (trong đó có rừng đặc dụng và các khu bảo tồn). Khi thực hiện, bộ sẽ có ý kiến về quy hoạch mà UBND tỉnh Thái Bình vừa đưa ra.
NĐT - VOV.VN
T.Ngọc