Câu hỏi này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Yếu tố quan trọng nhất là liệu khối u có đáp ứng thuốc tốt hay không. Tức là đặc điểm đột biến của khối u đó có phù hợp với liệu pháp chúng ta đang dùng để điều trị hay không.
Vẫn có những bệnh nhân tại Viện MD Anderson, thậm chí có rất nhiều bệnh nhân mặc dù ung thư giai đoạn cuối, giai đoạn 4, di căn xa nhưng mà vẫn chữa khỏi hẳn. Tức là bệnh nhân vẫn liên tục được theo dõi trong suốt hơn 12 năm và kết quả là không có tái phát.
Tất nhiên chúng ta không thể nói là bệnh nhân không còn khối u trong người nữa và không còn tế bào ung thư bởi nói như thế không hoàn toàn chính xác. Lý do là hiện nay các phương pháp chẩn đoán hình ảnh cũng như các phương pháp xét nghiệm cũng chỉ phát hiện ung thư ở 1 kích cỡ nhất định.
Nếu ung thư nhỏ quá hay rơi vào trạng thái ngủ đông bác sĩ cũng rất khó phát hiện. Vì vậy, với những bệnh nhân được xem là khỏi hẳn này thì các khối u có thể vẫn còn tiềm tàng trong đó nhưng ở một kích thước nhỏ, hoặc nó “ngủ” hoặc nó không ảnh hưởng đến cơ thể của bệnh nhân. Trong y học các ca như thế vẫn được xem là điều trị thành công nhưng bệnh nhân vẫn phải thường xuyên tầm soát theo định kỳ theo chỉ định của bác sĩ và dùng những biện pháp để giảm nguy cơ ung thư tái phát.
TS. Phan Minh Liêm
(Viện Ung thư Hoa Kỳ - MD Anderson)