Ngày quốc tế hòa bình
Ngày Quốc tế Hòa bình được đề cập chính thức vào năm 1981, trong Nghị quyết 36/67 của Liên Hiệp Quốc và lần đầu tiên tổ chức vào tháng 9.1982. Tới năm 2002, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chính thức tuyên bố lấy ngày 21.9 hàng năm làm Ngày Quốc tế Hòa bình.
Để khai mạc ngày này, “Chuông Hòa bình” ở trụ sở Liên Hiệp Quốc (tại thành phố New York, Hoa Kỳ) bắt đầu ngân vang báo hiệu. Chuông này được đúc từ các đồng tiền kim loại quyên góp của trẻ em khắp các châu lục, ngoại trừ châu Phi. Đó là món quà tặng của “Hiệp hội Liên Hiệp Quốc” của Nhật Bản, và được coi như “một lời nhắc nhở về phí tổn nhân mạng cho chiến tranh”.
rên mặt “Chuông Hòa bình” có khắc dòng chữ sau đây: “Hòa bình tuyệt đối trên thế giới muôn năm”. Từ lễ khai mạc Ngày Quốc tế Hòa bình này, tấm phù hiệu chim bồ câu hòa bình màu trắng do một tổ chức phi lợi nhuận của Canada sản xuất cũng được phổ biến để các cá nhân có thể đeo trên áo khi tham dự các hoạt động vì hòa bình.
Với mục đích củng cố lý tưởng hòa bình giữa tất cả các quốc gia và các dân tộc, từ khi ra đời đến nay, Ngày Quốc tế Hòa bình đã ghi dấu sự tiến bộ của các cá nhân trên toàn hành tinh đối với hòa bình. Hàng triệu người ở tất cả các nơi trên thế giới hàng năm tổ chức và tham gia nhiều sự kiện để kỷ niệm và chào mừng ngày này. Đó là các cuộc tụ họp riêng tư, hay các buổi hòa nhạc công cộng; trên các diễn đàn hội thảo hoặc các cuộc tuần hành, mít tinh hàng trăm ngàn người tham gia.
Bất cứ ai, bất cứ nơi nào cũng có thể chào mừng Ngày Hòa bình. Đó có thể đơn giản như thắp lên một ngọn nến, hoặc chỉ ngồi suy tư trong im lặng. Tác động của việc hàng triệu người dân ở khắp nơi trên thế giới, cùng đến với nhau vì một ngày hòa bình sẽ thật lớn lao.
Đề cao giá trị của hòa bình như một thái độ tôn trọng, vị tha có tính thuyết phục, năm 2011 - vào ngày kỷ niệm lần thứ 30 - chủ đề Ngày Quốc tế Hòa bình của Liên Hiệp Quốc đã được công bố trên toàn thế giới là “Hòa bình và Dân chủ”: hãy làm cho tiếng nói của bạn được (người ta) nghe (“Peace and Democracy: make your voice heard” ).
TP.HCM và Ngày Văn hóa hòa bình đầu tiên 2018
Hòa bình là định hướng cơ bản của Ủy ban Hòa bình TP.HCM (HPC) và là một trong hai định hướng lớn của Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM (HPDF).
Dinh Thống Nhất - nơi sẽ diễn ra
Ngày Văn hóa Hòa bình 2018 (trong ngày 13.10). Ảnh TL
Đối với Việt Nam, đã trải qua chiến tranh trong thời gian dài, hòa bình mang ý nghĩa và có giá trị đặc biệt sâu sắc. Ngày nay, hòa bình không chỉ đòi hỏi độc lập quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc phòng mà còn bao hàm môi trường bền vững, an ninh con người, xã hội công bằng và hòa thuận, lối sống nhân văn.
Tác động hai mặt của phát triển kinh tế và sự giàu có vật chất, của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trong một thế giới biến động nhanh chóng và sự bùng nổ của công nghệ thông tin đang đặt ra thách thức đối với thang giá trị sống và quan hệ con người trong xã hội Việt Nam hiện nay, dẫn đến hiện tượng “hòa bình tiêu cực” như: tình trạng bạo lực “phi hòa bình” trong xã hội; sự thờ ơ, vô cảm, đặc biệt trong giới trẻ trước tình trạng bạo lực; thiếu nhận thức về tư tưởng và hành vi bạo lực; không được trang bị đầy đủ về giá trị và kỹ năng để ứng xử văn minh, đúng mức trong tình huống bạo lực...
Mặt khác, hướng tới một xã hội văn minh nhân ái không chỉ đòi hỏi đẩy lùi bạo lực dưới mọi hình thức mà còn đặt ra yêu cầu về giáo dục làm người tử tế, làm công dân tốt, góp phần vì mọi người. Phấn đấu cho văn hóa hòa bình là phấn đấu cho chất lượng và ý nghĩa cuộc sống, sống hòa bình với thiên nhiên và con người.
Từ nhận thức đó và nhằm hưởng ứng Chương trình hành động của UNESCO vì một văn hóa hòa bình và phi bạo lực, Quỹ Hoà bình và Phát triển TP.HCM cùng Ủy ban Hòa bình TP.HCM triển khai Chương trình Văn hóa Hòa bình từ năm 2017. Ngày 13.10 năm nay, Quỹ chủ trương tổ chức sự kiện Ngày Văn hóa Hoà bình TP.HCM lần thứ nhất 2018 tại khuôn viên Dinh Thống Nhất. Hoạt động này được sự ủng hộ của UNESCO Việt Nam và UNICEF Việt Nam.
Tổ chức Ngày Văn hóa Hòa bình lần đầu tiên, mong muốn lớn nhất của Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM là: nâng cao ý thức cộng đồng về sự cần thiết và ý nghĩa của việc xây dựng “hoà bình trong thời bình”, “hòa bình hằng ngày”; quảng bá những giá trị và định hướng hành động cơ bản của văn hóa hòa bình đến cộng đồng, đặc biệt trong giới trẻ; đề cao vai trò và trách nhiệm của giáo dục gia đình, nhà trường và truyền thông đối với văn hóa hòa bình.
Để những mong muốn trên từng bước được lan tỏa thành nếp sống hàng ngày của cộng đồng, Quỹ phấn đấu biến Ngày Văn hóa Hòa bình thành một sự kiện hằng năm của cư dân TP.HCM. Chính cộng đồng cư dân đô thị này sẽ cam kết tạo nên, gìn giữ, phát huy bộ mặt và tinh thần nhân văn, văn minh cho thành phố, bổ sung cho mệnh danh của thành phố từ trước đến nay là một “đầu tàu kinh tế” của đất nước.
Ngày Văn hóa Hòa bình tại TP.HCM hằng năm sẽ được tổ chức xoay quanh một chủ đề chính, chọn lựa một cách cập nhật. Chủ đề “Vì một xã hội không bạo lực” được chọn cho sự kiện mở đầu (2018).
Có gì đáng chú ý trong Ngày Văn hóa Hòa bình 13.10.2018?
Hàng loạt nhân vật bấy lâu nổi tiếng trên các diễn đàn ngoại giao, xã hội và báo chí ở Việt Nam sẽ tham dự sự kiện Ngày Văn hóa Hòa Bình lần đầu tổ chức ở TP.HCM: nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình TP.HCM, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM; ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam; TS. Đặng Hoàng Giang - tác giả sách Bức xúc không làm ta vô can, Thiện, Ác và Smartphone; TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội; TS. Nguyễn Thị Hậu; TS. Bùi Trân Phượng; nhà báo Đoàn Khắc Xuyên; đạo diễn điện ảnh Nguyễn Hoàng Điệp; nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến; ca sĩ Hà Anh Tuấn; các nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang, Rosie Nguyễn...
Hàng loạt hoạt động vừa sôi động, vừa sâu sắc sẽ diễn ra trong khuôn khổ Ngày Văn hóa Hòa bình: triển lãm; toạ đàm, trao đổi, giao lưu; biểu diễn ca nhạc, múa, võ thuật; thi đố vui về các giá trị làm nên văn hóa hòa bình; các hoạt động vui chơi mang tính giáo dục; công bố và ra mắt “Nghệ sĩ vì hòa bình” và Đại sứ thiện chí của Chương trình Văn hóa Hòa bình; công bố và biểu diễn bài hát được chọn làm bài hát biểu trưng của Chương trình Văn hóa Hòa bình; thi viết tại chỗ để nhận danh hiệu “Người đưa tin thân thiện” cùng các phần thưởng hấp dẫn (giám khảo cuộc thi là nhà báo Đoàn Khắc Xuyên và nhà văn trẻ Rosie Nguyễn)...
Ngày Văn hóa Hòa bình là một sự kiện phi lợi nhuận, miễn phí cho mọi thành phần cư dân đến tham dự
Diễn ra trong ngày 13.10, từ 9 - 17g tại Dinh Thống Nhất, với nhiều không gian hoạt động dành cho mọi người: Chung sống hòa thuận: “Chung tay vì một xã hội không bạo lực”; Gia đình & Trẻ thơ: “Yêu thương - Tôn trọng - Tin tưởng”; Hòa bình với môi trường: “Giữ vững hòa bình - Giữ vững màu xanh”; Cảm xúc và Tĩnh tâm: “Hòa bình tại tâm để xây dựng hòa bình”; Truyền thông: “Nói và viết với sự tôn trọng” v.v..
Những giá trị định hướng của văn hóa hòa bình
1. Nói không với bạo lực và tôn trọng mọi sự sống; 2. Công bằng xã hội, quyền dân chủ và quyền con người; 3. Bảo tồn Trái đất; bảo tồn di sản văn hóa; 4. Lắng nghe để thấu hiểu và đối thoại; bao dung và tôn trọng sự khác biệt và đa dạng; đồng cảm, đoàn kết và hòa nhập; 5. Hài hòa giữa làm công dân Việt Nam và làm công dân toàn cầu.
Trẻ em vùng cao trên lưng trâu. Ảnh: Trần Cao Bảo Long
Bên cạnh tọa đàm chính với chủ đề “Vì một xã hội không bạo lực”, còn có hai tọa đàm khác đáng quan tâm trong khuôn khổ Ngày Văn hóa Hòa bình tại TP.HCM.
Tọa đàm 1: “Bạo lực trong cuộc sống hằng ngày”, với sự tham dự của bà Nguyễn Thúy Uyên Phương - TOMATO Education; TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội; TS. Bùi Trân Phượng - NES Education; bà Vương Ngọc Diệp - Pacific Links.
Tọa đàm 2: “Bạo lực trên/ qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội”, với sự tham dự của nhà báo Nguyễn Thế Thanh - Tạp chí Người Đô Thị, TS. Nguyễn Thị Hậu, nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến, nhà văn Huỳnh Trọng Khang.
Một trong những diễn giả chính của Ngày Văn hóa Hòa bình tại TP.HCM - TS. Đặng Hoàng Giang đã viết: “Tôn trọng người khác không có nghĩa là không bắt họ chịu trách nhiệm về hành động của mình. Ngược lại, với Immanuel Kant, bắt kẻ phạm tội chịu trách nhiệm về hậu quả của hành động của mình chính là tôn trọng họ, vì lúc đó chúng ta coi họ như một cá thể độc lập, có ý chí luân lý, có đầy đủ nhận thức và tự do lựa chọn cho các hành vi của mình. Kẻ bị bệnh tâm thần thì không chịu trách nhiệm được cho bản thân, và do đó cũng không thể bị kết án được.”
“Hiện tượng làm nhục công cộng, tưởng như đã tàn sau thời kỳ phong kiến (cạo đầu bôi vôi) và thời bao cấp (bị bắt đeo biển “Thích nhảy đầm” diễu phố, bị kiểm điểm trước đoàn thể vì ngoại tình), đang trải qua một thời kỳ phục sinh đáng kinh ngạc. Nếu như ngày xưa các nạn nhân chỉ nhận sự sỉ nhục từ một tập thể nhỏ quen biết (trong một làng, một cơ quan), thì ngày nay, sự lăng mạ đến từ hàng chục triệu người trong và ngoài nước, với bất kể lý do nào: không cho con bú sữa mẹ, hủy chuyến đi Trường Sa, đi / không đi biểu tình...
Trong nhiều trường hợp, độc ác và tàn nhẫn tới từ một cảm giác chính nghĩa cuồng tín, từ một cái tôi dễ nổi xung vì bị đe dọa, từ khoái cảm khi được lăng mạ người khác, và từ nỗi căm ghét thường trực.
Mạng xã hội, đôi khi đã trở thành một “bàn tiệc” để người ta nhậu nhân phẩm của người khác bất kể hệ luỵ của nó ra sao...” (trích Thiện, Ác và Smartphone, Đặng Hoàng Giang).
“Một góc nhìn thẳng thắn và tỉnh táo, xoáy vào những vấn đề bằng những con dao mổ sắc cạnh của tri thức... Từ lâu, những cây viết của nước ta vẫn dùng dao gọt hoa quả có lưỡi lượn sóng để mổ xẻ các vấn đề. Chúng ta thiếu những con dao mổ lạnh, nằm trong những bàn tay ấm” (trích Bức xúc không làm ta vô can, Đặng Hoàng Giang).
Phương Khanh