Đây là sáng kiến không vì lợi nhuận với mục tiêu kết nối người Việt trong, ngoài nước thông qua những hoạt động đa dạng do Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM xúc tiến, tổ chức với sự đồng hành của Công ty Le Bros và Công ty Dentsu Redder. Là một sự kiện khá đặc biệt, gây tò mò ngay từ chủ đề đến các nội dung sẽ thực hiện nên ngay sau cuộc họp báo ra mắt, Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội, đặc biệt là những mong muốn được chia sẻ sâu hơn về các vấn đề như căn tính Việt, định vị thương hiệu đất nước, tiêu chí xây dựng bản đồ điện tử tài năng Việt...
Để có cái nhìn đầy đủ về những thông tin thú vị này, Người Đô Thị đã trao đổi với bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên minh châu Âu, cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh trong cuộc trao đổi với Người Đô Thị. Ảnh: Trung Dũng
Mở đầu câu chuyện, bà Tôn Nữ Thị Ninh đặt vấn đề: "Đã đến lúc Việt Nam xác định và xây dựng thương hiệu đất nước chưa? Tôi là người thuộc trường phái cho rằng đã đến lúc và thậm chí cơ hội này đã xuất hiện từ một số năm nay rồi. Đưa ý tưởng này trao đổi với khá nhiều người, tôi chưa thấy ai phản bác, số đông thậm chí tán thưởng. Cảm nhận đó, nếu đọc các bài quốc tế thời gian gần đây, các bình luận cũng đi theo hướng tích cực. Tôi sẽ không dùng những cách diễn đạt kiểu Việt Nam là “con rồng mới”, “đưa đất nước hóa rồng”… nhưng phải khẳng định thời vận của đất nước đã đến. Và khi cơ hội đang đến mà nếu chúng ta không tranh thủ thời cơ, thời vận đó thì theo một nghĩa nào đó, không muốn dùng chữ to tát, nhưng tôi thấy như vậy là có lỗi với đất nước, với dân tộc.
Khi đưa vấn đề này ra, chắc chắn sẽ có những ý kiến phản biện, phản bác, chê bai, nói về sự ỳ ạch, tiêu cực của đất nước… nhưng những nước đã có thương hiệu quốc gia cũng có vấn đề của riêng họ chứ có nước nào hoàn hảo đâu? Đồng ý là vẫn còn những cái lộn xộn cần sắp xếp, sửa chữa nhưng khách quan mà nói, đây là thời khắc đất nước có những điểm sáng hứa hẹn rất rõ ràng. Diễn đàn là cơ hội để những người chia sẻ chung cảm nhận và tin tưởng đó đến với nhau; mỗi người, mỗi tổ chức sẵn sàng làm một điều gì đó đóng góp đưa đất nước đi lên cao hơn, nhanh hơn".
Ý tưởng của Diễn đàn xuất phát từ đâu? Như chia sẻ của bà thì yếu tố “thời khắc” rất được Ban tổ chức nhấn mạnh?
Ý tưởng Diễn đàn Việt Nam: Thời khắc Việt là điều tôi nung nấu từ nhiều năm qua. Gần đây, gặp ai tôi cũng chia sẻ và rất ngạc nhiên là mọi người đều ủng hộ. Ví dụ, có lần trò chuyện với họa sĩ Lê Quang Đỉnh, một Việt kiều về nước đã mấy chục năm nay. Anh vui vẻ khoe với tôi đã có căn cước công dân. Khi nghe ý tưởng về Diễn đàn, anh rất tán thưởng.
Sau những cuộc gặp, chia sẻ và trao đổi như vậy tôi nghiệm thấy cần một diễn đàn để cho những người cùng chung cảm nhận đến với nhau. Tôi nghĩ đến người Việt trong và ngoài nước. Bởi quá trình làm công việc ngoại giao tôi đi Hoa Kỳ nhiều lần, có chuyến đi 7 - 8 bang, 11 thành phố… và tiếp xúc với đông đảo kiều bào vẫn khẳng định nguồn gốc Việt. Có thể chính trị là cái rất khó vượt qua khoảng cách nhưng văn hóa lại là cánh cửa để kết nối. Diễn đàn sẽ là nơi để trong, ngoài cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, chia sẻ những ý tưởng, mục tiêu đóng góp xây dựng đất nước.
Diễn đàn Việt Nam: Thời khắc Việt là cơ hội để những người chia sẻ chung cảm nhận và tin tưởng đó đến với nhau; mỗi người, mỗi tổ chức sẵn sàng làm một điều gì đó đóng góp đưa đất nước đi lên cao hơn, nhanh hơn"
Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh
Đối với hầu hết kiều bào, Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế thành công khiến họ tự hào. Từ đó tôi mới nghĩ đến yêu cầu lớn thứ hai mà Diễn đàn cần đạt được là khẳng định thời khắc người Việt bừng sáng. Có một thời người ta cho rằng người Việt chỉ thành công, tỏa sáng khi học tập, làm việc ở nước ngoài. Nhưng ngày nay không hẳn thế. Là dân Việt Nam, nếu có điều kiện khách quan và chủ quan tối thiểu thì dù học tập, làm việc trong nước cũng đều có thể vươn lên, tỏa sáng, đóng góp cho xã hội, làm rạng danh đất nước. Vì vậy ở Diễn đàn Việt Nam: Thời khắc Việt chúng tôi cũng ra mắt Bản đồ điện tử tài năng Việt. Bản đồ công bố tên tuổi, các tài năng Việt trong, ngoài nước đạt được thành tựu trên mọi lĩnh vực; mỗi năm sẽ bổ sung, cập nhật.
Nếu thời khắc đã đến thì tại sao chúng ta không tính đến việc xác định thương hiệu đất nước. Cần nhấn mạnh là thương hiệu đất nước chứ không phải “thương hiệu quốc gia”, để tránh sự liên tưởng tới giải thưởng tôn vinh các nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu công ty. Bởi thương hiệu của đất nước bao gồm nhưng không giới hạn với thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, mà nổi bật như Vinamilk, Vingroup, FPT…
Giá trị nổi trội của thương hiệu đất nước theo tôi là con người Việt Nam. Có người sẽ hỏi tại sao lại không phải là rừng xanh, biển bạc… nhưng tôi cho rằng tài nguyên là cần thiết nhưng không phải là cái định vị thương hiệu đất nước. Đó là lý do chúng tôi muốn phát triển thành Câu chuyện Việt Nam.
Khi đề cập đến yếu tố con người lại phải nhìn ở chiều dài lịch sử. Tính cách, bản tính (căn tính) thể hiện qua thương hiệu đất nước ra sao? Có dịp tiếp khách Hoa Kỳ nhiều, để khảo sát và tham khảo cho ý tưởng Diễn đàn, tôi chia sẻ câu chuyện sau và họ khá đồng cảm. Rằng liệu Hoa Kỳ và người Mỹ có thể hóa giải, bình thường hóa, xây dựng mối quan hệ với các nước mà Hoa Kỳ từng xung đột vũ trang như với Việt Nam hiện nay? Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh nhưng vừa bảo tồn di sản của lịch sử; vừa thể hiện, phát huy sự hòa hiếu, bao dung và khôn ngoan, cho nên chính lịch sử đã tạo nên một dân tộc có được “năng khiếu hòa bình” (aptitude for peace). Diễn đàn sẽ kể về câu chuyện Việt Nam và trong tương lai tôi có thể viết một cuốn sách về căn tính đặc biệt này.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM, thảo luận với ông Koos Neefjes - Chuyên gia quốc tế về biến đổi khí hậu, Giám đốc Climate Sense (phải) và ông Jonathan Pincus - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, trong khuôn khổ dự án nhánh “Khảo sát thương hiệu quốc gia Việt Nam và Căn tính Việt”. Ảnh: HPDF
Nhưng cũng có người hỏi rằng nói về căn tính Việt để làm gì rồi lại phát sinh tranh luận? Tôi cho rằng thương hiệu của đất nước không chỉ bao hàm, phát huy những nét chính yếu của căn tính nhưng nếu thống nhất với nhau rằng đã chín muồi về thời điểm để định vị thương hiệu đất nước thì trong nội hàm của nó phải tính đến những nét tốt đẹp của căn tính Việt. Đồng ý rằng trong căn tính của mỗi dân tộc đều có những đặc tính tích cực và cũng có những điều không hay. Chẳng hạn trong cuộc điều tra vừa rồi chúng tôi cũng ghi nhận những đánh giá cho rằng người Việt có khi lắt léo, khôn lỏi; không thể hiện, phát huy chữ tín… Song nét tích cực nổi trội được đa số nhắc đến là khả năng thích nghi và sự kiên cường, kiên định vượt qua khó khăn, không bỏ cuộc, không chịu thua.
Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh nhưng vừa bảo tồn di sản của lịch sử; vừa thể hiện, phát huy sự hòa hiếu, bao dung và khôn ngoan, cho nên chính lịch sử đã tạo nên một dân tộc có được “năng khiếu hòa bình” (aptitude for peace)"
Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh
Có chuyên gia góp ý rằng khi định vị thương hiệu đất nước thì cần phải định hướng một số giá trị tốt đẹp để hướng tới. Nói cách khác, đó là quá trình xây dựng thương hiệu chứ không chỉ là ghi nhận, mô tả, đúc kết. Tôi rất tâm đắc với ý kiến này. Vì vậy, trong báo cáo tại Diễn đàn, tôi cũng sẽ nói rõ đây là một phạm trù động, rất đáng để chúng ta cùng nhau xây dựng. Vượt qua những mặt chưa hay, tiêu cực của chính chúng ta để hướng tới xây dựng người Việt tốt đẹp. Như Nhật Bản, nói đến thương hiệu của đất nước này thì điều dễ nhận ra và người ta sẽ đồng tình đó là chữ tín và chất lượng sản phẩm.
Được biết bà từng thực hiện nhiều cuộc trao đổi với các chuyên gia, trí thức, doanh nhân, chính khách nước ngoài để nghe đánh giá của họ về thương hiệu đất nước Việt Nam. Bà có thể chia sẻ một số đánh giá của họ?
Vừa rồi tôi có trao đổi với một doanh nhân nước ngoài mà tôi vẫn gọi vui là ông Tây “nước mắm” vì vị này đã ở Việt Nam mấy chục năm. Tôi phỏng vấn bằng phiếu khảo sát về 3 đặc tính nổi trội của người Việt, vị này thậm chí đã liệt kê tận 7 đặc tính, khá thú vị: một là kiêu hãnh, thân thiện, mến khách; hai là quan hệ xã hội gắn bó; ba là quan tâm sâu sắc đến trí tuệ; bốn là chăm chỉ, tích cực trong triển khai; năm là tinh khôn, nắm bắt cơ hội, kiên nhẫn; sáu là tính hài hước cao và bảy là có tham vọng, không biết sợ.
Còn đánh giá về dân tộc Việt, ông nêu 4 đặc tính nổi bật: Việt Nam là một thành viên kiêu hãnh và tự tin đóng góp cho cộng đồng các quốc gia thế giới; hai là kiên định theo đuổi một đường lối độc lập, không thiên vị; thứ ba là quyết tâm nâng cao cảm nhận của thế giới đối với Việt Nam và cuối cùng là quyết tâm nâng cao điều kiện sống của người dân Việt.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh phỏng vấn ông Olivier Đỗ Ngọc Dũng - CEO công ty EZ Land, để lắng nghe và ghi nhận những ý kiến từ góc nhìn của doanh nhân về Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Căn tính Việt. Ảnh: HPDF
Đã gần cột mốc kỷ niệm 50 năm lập lại hòa bình, tái thiết đất nước và hội nhập quốc tế. Theo bà vì sao trong nửa thế kỷ qua chúng ta chưa - mà nói đúng hơn là bỏ quên việc đặt vấn đề về thương hiệu đất nước?
Theo tôi, thứ nhất là vì sau 1975 mọi nỗ lực tập trung để thoát khỏi khủng hoảng hậu chiến. Tiếp đó lại ứng phó với biến động toàn cầu từ sự sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu. Thứ ba là chúng ta bắt đầu gia nhập luật chơi toàn cầu. Hồi công tác ở Quốc hội, tôi còn nhớ sự kiện mọi người mừng rỡ vì Việt Nam sắp sửa vào WTO. Tôi đã phát biểu đại ý, mừng thì đương nhiên tôi cũng mừng như mọi người nhưng xin nhắc một điều, đó là chúng ta gia nhập thêm một “câu lạc bộ” thì đồng thời phải học luật chơi, tuân thủ luật chơi và cũng phải biết tranh thủ luật chơi.
Để xây dựng thương hiệu đất nước, với một quốc gia có lịch sử thuận lợi, ít thăng trầm, bão táp hơn Việt Nam thì sẽ có điều kiện để đi nhanh hơn. Trong khi đó chúng ta vẫn phải loay hoay lo tái thiết và xây dựng đất nước. Nhưng điều đáng mừng là chúng ta đã cơ bản thoát khỏi "mác" Việt Nam chủ yếu là đất nước chiến tranh. Vấn đề xây dựng thương hiệu đất nước cũng bắt đầu manh nha đây đó như tôn vinh doanh nghiệp đạt “thương hiệu quốc gia”.
Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, doanh nghiệp, dù là một bộ phận quan trọng nhưng không phải là cái xác định duy nhất và đầy đủ về thương hiệu đất nước mà nội hàm sẽ cần mở rộng và đa diện hơn. Đây là một đề án tôi thấy cần có sự quan tâm từ phía Nhà nước, các cơ quan Trung ương. Chẳng hạn như Hàn Quốc, từ đầu năm 2009 chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak đã lên kế hoạch chính thức thành lập và đưa vào hoạt động Ủy ban về thương hiệu quốc gia. Ủy ban này đã thống nhất mỗi năm chi số tiền khoảng 100 tỷ won (74 triệu USD) để hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu quốc gia. Hàn Quốc họ quan tâm đến thế thì tôi nghĩ Việt Nam cũng cần phải có một cơ chế liên tịch, công tư, phải có những bộ óc, những nhân vật có tiếng, chuyên gia thúc để hành động. Tôi hy vọng sau Diễn đàn sẽ mở đường cho một tầm nhìn và quyết tâm hành động như vậy.
Ngoài bài học từ Hàn Quốc, bà có thể cho biết có quốc gia nào quan tâm, đầu tư mạnh vào việc xây dựng thương hiệu đất nước?
Đó là New Zealand với Enterprise New Zealand hay Singapore với Tourism Board. Với Singapore, có thời kỳ họ xác định thế mạnh là giao điểm hàng hải, là bến đậu của tàu bè quốc tế; tuy nhiên sau này với sự đầu tư và cạnh tranh của các nước trong khu vực, thế mạnh này không còn. Lập tức Singapore đã định vị lại thương hiệu đất nước và họ làm rất tập trung, tư duy đầy chiến lược. Và khi thế mạnh giao điểm hàng hải không còn, Singapore đã định vị trở thành một giao điểm (hub) quốc tế về giáo dục.
Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh yếu tố con người và nhiều chuyên gia cho rằng phải đầu tư bắt đầu từ giáo dục. Quan điểm của bà về nhận định này? Vấn đề xây dựng con người sẽ được đề cập như thế nào trong Diễn đàn?
Khi thảo luận với nhau về những thế mạnh độc đáo, đặc thù của Việt Nam để định vị và xác định thương hiệu đất nước là gì tôi trả lời đó là cần xây dựng và phát huy con người Việt Nam. Tuy nhiên phải diễn giải thêm cho rõ nét, rằng khi tôi nói tài nguyên là con người là cách nói khéo để đừng đi vào vấn đề tài nguyên thiên nhiên. Tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn và mình có thì cố gắng khai thác sao cho tốt, hiệu quả, bền vững. Nhưng lẽ nào chỉ lấy tài nguyên làm định vị dạng như người ta nói đến “quốc gia dầu lửa”?
Tôi chứng kiến những câu chuyện thực tế về những gia đình kiều bào vẫn một lòng hướng về quê hương, kiên định gìn giữ tiếng Việt trong sinh hoạt gia đình. Họ không muốn con cái mất gốc; quên đi lịch sử, văn hóa của cha ông nên vẫn chú tâm dạy dỗ tiếng Việt, lịch sử văn hóa Việt..."
Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh
Vậy khi đã nhất trí tài nguyên chủ lực là con người vậy thì bước tiếp theo, để có những con người làm nên chuyện thì con người đó phải như thế nào? Đến đây lại phải thảo luận và trong đó giáo dục chắc chắn sẽ đóng một vai trò then chốt. Đó chắc chắn phải là con người có văn hóa, phải biết kết nối thế giới qua công nghệ, và có tinh thần sáng tạo.
Cho nên đại thể ba yếu tố chủ đề của Diễn đàn cũng có thể phần nào chuyển tải được thông điệp kể trên. Tôi biết giáo dục, đến hôm nay vẫn là một vấn đề rất gay cấn, một vấn đề lớn và vì vậy khi thảo luận nhóm về thương hiệu đất nước chắc chắn giáo dục sẽ là nhân tố then chốt.
Trước đây, người Việt trong nước và người Việt ở nước ngoài vẫn bị phân biệt bởi thuật ngữ “hải ngoại”. Theo bà, có phải đã đến lúc quan niệm cộng đồng người Việt toàn cầu như một chỉnh thể thống nhất? Như vậy thì “Câu chuyện Việt Nam” - sợi chỉ đỏ xuyên suốt Diễn đàn - có phải là một yếu tố kiến tạo sự thống nhất?
Đây là cơ hội để gặp nhau, gần nhau và chấp nhận những khác biệt. Chúng tôi không yêu cầu người bên ngoài phải thích và đồng tình với tất cả những sản phẩm văn hóa ở trong nước. Các lĩnh vực như điêu khắc, mỹ thuật... tôi thấy dễ đối thoại. Cái khó đối thoại nhất là văn học. Nhưng cái gì cũng cần có thời gian và giai đoạn. Diễn đàn này như tôi đã chia sẻ, nếu có ai chịu khó nối tiếp, không loại trừ sẽ có lần hai và tiếp theo nữa. Khi đó chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng không gian giao tiếp trong cộng đồng Việt toàn cầu.
Có ý kiến cho rằng khi sinh ra hay lớn lên ở một quốc gia khác là chúng ta đã sẵn mang căn tính của nơi này. Theo bà, vai trò và nhận thức về văn hóa Việt đối với người Việt trẻ ở nước ngoài như thế nào?
Toàn cầu hóa làm cho việc va chạm văn hóa, giao thoa văn hóa là tương đối phổ biến và phổ biến hơn trước là điều hết sức bình thường. Tôi chứng kiến những câu chuyện thực tế về những gia đình kiều bào vẫn một lòng hướng về quê hương, kiên định gìn giữ tiếng Việt trong sinh hoạt gia đình. Họ không muốn con cái mất gốc; quên đi lịch sử, văn hóa của cha ông nên vẫn chú tâm dạy dỗ tiếng Việt, lịch sử văn hóa Việt. Họ hình thành những cộng đồng người Việt xa xứ và miệt mài những công việc truyền dạy như thế…
Vấn đề còn lại là trong nước cần làm gì? Tôi cho rằng cần tạo ra các hoạt động, sân chơi hấp dẫn để thu hút, giúp cho những con em thế hệ hai, thế hệ ba đó có điều kiện hiểu thêm nơi chốn và có thể thích thú muốn tìm hiểu tiếp. Vì vậy các hoạt động văn hóa và hoạt động giao lưu văn hóa, giảng dạy văn hóa Việt Nam là rất quan trọng. Nên hình thành ba trung tâm lớn về Việt Nam học ở ba miền đất nước để những sinh viên Việt kiều cùng với người nước ngoài có thể dành một khoảng thời gian, chẳng hạn 1 năm, để học về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Việc này tôi cho là thiết thực và cần thiết của tương lai cần được chú ý.
Dự kiến diễn ra từ ngày 24 đến 26.5.2024, tại Thiso Mall (TP.HCM), Diễn đàn Việt Nam: Thời khắc Việt là một diễn đàn đa diện và khác biệt với các hoạt động đa dạng, ý nghĩa theo 3 chủ đề có quan hệ liên hoàn: Văn hóa - Kết nối - Sáng tạo. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt các hoạt động này là “Câu chuyện Việt Nam” (The Vietnam story), tức là những gì làm nên tính chất đặc trưng hoặc độc nhất, “độc bản” cho Việt Nam và người Việt.
Diễn đàn hướng đến sự đa dạng trong tính chất và chủ đề của các loại hoạt động như khai mạc, phiên toàn thể, thuyết trình, diễn thuyết, tọa đàm, trò chuyện về thương hiệu đất nước - con người Việt Nam; thương hiệu nào cho TP.HCM; khát vọng, tầm nhìn đến 2045; vai trò của văn hóa, công nghệ, nông nghiệp; tiềm năng của thế hệ trẻ; các trao đổi liên thế hệ, những không gian giao lưu kết nối, biểu diễn và trưng bày thể hiện sự phong phú và đặc sắc về hành trình cuộc đời, sự nghiệp và sự vươn lên của người Việt và công ty, tổ chức Việt thành công; cơ hội và thử thách cho kiều bào và du học sinh khi trở về; cầu nối giữa các thế hệ…
Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ hai dự án nhánh Khảo sát Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Căn tính Việt cùng Bản đồ điện tử Tài năng Việt tại cuộc họp báo công bố “Diễn đàn Việt Nam: Thời khắc Việt” tổ chức ngày 24.1.2024. Ảnh: Trung Dũng
Trong khuôn khổ Diễn đàn, hai dự án nhánh: Khảo sát Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Căn tính Việt; Bản đồ điện tử Tài năng Việt đã và đang được triển khai. Trong đó, khảo sát Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Căn tính Việt được cố vấn bởi nhóm học giả chuyên môn cùng sự đồng hành của công ty C+P Consulting Asia, công ty nghiên cứu thị trường GCOMM, công ty Redbridge và công ty Vietsuccess đã thực hiện đồng thời khảo sát định lượng với quy mô 500 mẫu và khảo sát định tính, tiếp cận được 75 cá nhân uy tín trong và ngoài nước. Kết quả của khảo sát sẽ được công bố, báo cáo và thảo luận tại Diễn đàn. Giáo sư Furuta Motoo (Hiệu trường Trường Đại học Việt Nhật) đã nhận lời làm diễn giả về chủ đề này tại Diễn đàn.
Bản đồ điện tử Tài năng Việt tương tác nhằm bước đầu nêu bật những gương mặt Việt (trong và ngoài nước) thành công nổi trội trên các lĩnh vực như: GS. Ngô Bảo Châu, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai, đạo diễn Trần Anh Hùng, đại kiện tướng vô địch cờ vua thế giới U12 Đầu Khương Duy, vận động viên huy chương vàng Olympic bắn súng Hoàng Xuân Vinh,...
Trà My thực hiện