Vì sao “xương đòn dễ gãy dễ lành”?

 16:05 | Thứ sáu, 03/05/2019  0
Mọi người thường quan niệm xương đòn là dạng xương dễ lành khi gãy vì xương đòn có màng xương dày và vị trí phía trên của lồng ngực là vùng cung cấp máu dồi dào. Nhờ vậy, xương đòn rất dễ lành khi gãy.

Ảnh: TL


Gãy xương đòn nói riêng và gãy xương nói chung, đa phần bệnh nhân sẽ bị gãy bên trái. Theo một vài nghiên cứu, số người thuận bên phải nhiều hơn người thuận bên trái, và bên không thuận có xu hướng yếu hơn bên thuận.
Ở Việt Nam, người tham gia giao thông phải chạy bên lề phải, vì vậy, mọi người thường có xu hướng chống xe bằng chân trái nên nếu xảy ra tai nạn, thường bệnh nhân sẽ ngã về phía bên trái.
Khi điều trị gãy xương đòn có 2 phương pháp chính: điều trị bảo tồn hoặc điều trị phẫu thuật.
Điều trị bảo tồn
Đa số các trường hợp gãy xương đòn được điều trị bảo tồn mang đai. Trước đây, bệnh nhân sẽ được bó bột nhằm điều chỉnh vai bệnh nhân ngửa ra, cố định lại xương đòn. Ngày nay, bệnh nhân có thể lựa chọn phương pháp bảo tồn nhẹ nhàng hơn, tức mang đai bằng vải thun số 8 sẽ nhẹ nhàng hơn cho bệnh nhân.
Thường bác sĩ cũng chỉ định bảo tồn đối với bệnh nhân cao tuổi, xương đã bị loãng khiến cho phẫu thuật kết hợp xương sẽ không thể đảm bảo. Hoặc những bệnh nhân không chấp nhận rủi ro lớn nên được điều trị bảo tồn.
Điều trị bảo tồn sẽ được áp dụng khi bệnh nhân không chấp nhận cuộc mổ đau đớn hoặc sẹo mổ, không muốn nằm viện…

Điều trị phẫu thuật
Khi có biến chứng như tổn thương thần kinh, tổn thương mạch máu, tổn thương thủng màng phổi sẽ được chỉ định làm phẫu thuật. Bên cạnh đó, trường hợp gãy hở cần cắt lọc vết thương, kết hợp xương lại sẽ được chỉ định mổ.
Những trường hợp gãy kín đang được điều trị bảo tồn nếu xuất hiện mảnh gãy thứ ba có nguy cơ gây chọc thủng da hoặc màng phổi cũng sẽ được chỉ định mổ.

Ngoài ra chỉ định mổ được mở rộng hơn do nhu cầu thẩm mỹ của người dân. Chẳng hạn do đặc thù xương đòn nằm ngay dưới da, khi điều trị bảo tồn có những biến chứng như can xương lệch, tức quá trình lành xương không như mong muốn sẽ tạo nên một cục u trồi lên, gây mất thẩm mỹ. Nếu lo ngại điều này thì bệnh nhân có thể yêu cầu mổ để xương lành đẹp.

ThS-BS. Nguyễn Văn Mỹ Anh

(Khoa ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.