Trả lời Người Đô Thị, Thượng tá Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel, cho biết: Đầu tư quốc tế được xác định là 1 trong 3 trụ cột chiến lược của Viettel, với mục tiêu đến năm 2020 phải đứng trong top 10 doanh nghiệp viễn thông về đầu tư ra nước ngoài trên toàn cầu. Đồng nghĩa với việc Viettel sẽ có mặt ở 20-25 thị trường nước ngoài với quy mô dân số từ 600-800 triệu dân.
![]() |
Trung bình mỗi năm Viettel đầu tư vào 1-2 thị trường mới với tốc độ, quy mô và hiệu quả ngày càng cao. Viettel đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 15-20%/năm và mỗi thị trường sẽ thu hồi vốn trong vòng 3-5 năm. Quan điểm của chúng tôi là đầu tư nhanh, mạnh vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo dẫn đầu về chất lượng và quy mô mạng lưới, làm nền tảng cho phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường và thu hồi vốn trong thời gian ngắn nhất.
Người Đô Thị: Ông có thể cho biết tại các thị trường Viettel đã đầu tư, kết quả mang lại thế nào?
- Năm 2015, Viettel khai trương dịch vụ tại hai thị trường mới là Tanzania (thương hiệu Halotel) và Burundi (thương hiệu Lumitel), đưa số thị trường hiện diện lên 10 nước với quy mô 270 triệu dân, gấp ba lần Việt Nam. Trong 10 thị trường hiện 6 đã có lãi, các nước còn lại dự kiến có lãi trong năm nay. Doanh thu từ nước ngoài đạt gần 1,5 tỉ USD, tăng trưởng 25%.
Với hơn 50 triệu dân, Tanzania là quốc gia đông dân nhất trong các thị trường Viettel cung cấp dịch vụ. Lumitel tại Burundi là một trong những nhà mạng có tốc độ phát triển thuê bao cao nhất. Hoặc Đông Timor là một thị trường nhỏ, việc xây dựng hạ tầng mạng lưới rất khó do đồi núi hiểm trở nhưng hiệu quả kinh doanh lại rất cao - là thị trường đầu tiên Viettel thu hồi vốn chỉ sau 6 tháng.
Chúng tôi cũng là nhà mạng tiên phong cung cấp công nghệ mới nhất tại các nước mình đầu tư, ví dụ công nghệ 4G hiện đã triển khai tại Cambodia, Lào, Burundi… Viettel cũng đưa một số thiết bị thông minh do Viettel sản xuất sang vận hành ở một số thị trường, như hệ thống tính cước, hệ thống quản lý doanh nghiệp để giảm thiểu chi phí đầu tư mua ngoài.
Người Đô Thị: Ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm lớn nhất để thành công trong quá trình đầu tư ra nước ngoài là gì?
- Ở mỗi thị trường, chúng tôi xây dựng một thương hiệu hoàn toàn mới với quan điểm đó là công ty viễn thông của người dân sở tại. Các sản phẩm, dịch vụ phải lấy lợi ích của khách hàng làm tâm điểm để cân bằng với mục tiêu doanh nghiệp. Viettel xem sản phẩm viễn thông là hàng hóa thông thường chứ không phải là dịch vụ xa xỉ. Vì sự phát triển của một đất nước một phần phụ thuộc vào viễn thông, không phải đợi đến khi GDP đạt một mức nhất định nào đó thì viễn thông mới có thể bùng nổ.
Ngay từ đầu chúng tôi quyết tâm phải đứng vị trí số 1 hoặc số 2 ở những thị trường mình đầu tư. Mục tiêu này bước đầu đã khẳng định được thành công, với 6/10 thị trường Viettel đang ở top đầu. Tại các nước như Lào, Campuchia, Đông Timor… khi Viettel đầu tư, đưa giá cước xuống thấp và dịch vụ tới người dân nhanh chóng thì viễn thông ở thị trường đó bùng nổ, kéo theo sự phát triển kinh tế xã hội. Đó mới là điều chính phủ cũng như người dân sở tại cần và mong muốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Dĩ nhiên chúng tôi mong muốn mang tới sự phát triển bền vững ở quốc gia Viettel có mặt thông qua đầu tư viễn thông.
Người Đô Thị: Đánh giá của Viettel về những thách thức và rủi ro của doanh nghiệp Việt Nam khi phát triển ở thị trường nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông?
Lumitel, thương hiệu viễn thông do Viettel đầu tư tại Burundi.
- Đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào và ở đâu cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ. Viettel đã gặp nhiều khó khăn vì hệ thống pháp luật, tài chính và quản lý của Việt Nam chưa sẵn sàng cho việc doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Khó khăn lớn hơn là so với các tập đoàn quốc tế khác thì Viettel muộn hơn từ 10-20 năm, còn non trẻ về cả tiềm lực kinh tế lẫn kinh nghiệm; khó khăn về rào cản ngôn ngữ, văn hóa; khó khăn trong việc xin được giấy phép viễn thông, cạnh tranh mạnh tại thị trường đầu tư, xu hướng doanh thu đang giảm nhanh...
Tuy nhiên, với kinh nghiệm 10 năm đầu tư quốc tế, chúng tôi đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với khó khăn. Trước khi quyết định bước vào một thị trường, Viettel có những tiêu chí đánh giá cơ hội, đặt ra những chỉ số đánh giá hiệu quả và dự phòng rủi ro. Các cách làm và kinh nghiệm được đúc kết, tối ưu qua 10 thị trường cũng được áp dụng để giúp công ty ở các thị trường mới ngày càng tối ưu được hiệu quả hoạt động. Yếu tố tất nhiên là tăng cường áp dụng công nghệ mới, thông minh hóa các dịch vụ để nâng cao hiệu quả quản lý kinh doanh.
Người Đô Thị: Ông có thể chia sẻ thông điệp trải nghiệm nào đến các doanh nghiệp khác khi ra thị trường nước ngoài?
Tôi nhớ một câu ngạn ngữ của châu Phi mà tôi thấy đúng trong mọi hoàn cảnh “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau” (If you want to go fast, go alone; if you want to go far, go together). Chúng tôi đã đi trước, và muốn rằng các doanh nghiệp sẽ cùng đi với Viettel, như cách chúng tôi đã làm ở tất cả các thị trường “Together for the Better” (Cùng nhau tạo nên những điều tốt đẹp hơn). Nếu khát vọng và quyết tâm, các doanh nghiệp Việt Nam khác hoàn toàn tự tin và có đủ năng lực để cạnh tranh trên trường quốc tế.
Người Đô Thị: Cảm ơn ông./.
Tuyết Ân thực hiện
» Viettel có thể giành giấy phép vào thị trường viễn thông thứ 11
» Viettel và Sony lập đối tác chiến lược triển khai giải pháp thẻ NFC