50 năm Oscar 'The Godfather': Họ đã làm gì với 'Bố già'?

 16:35 | Thứ bảy, 15/04/2023  0
Tối 13.3 vừa qua, Everything Everywhere All at Once - bộ phim kể câu chuyện về một gia đình nhập cư gốc Hoa tại Mỹ - đã thắng giải Phim xuất sắc nhất Oscar 2023. Đúng 50 năm trước, bộ phim kể về một gia đình nhập cư gốc Ý là The Godfather cũng đã giành Oscar 1973 hạng mục này và trở thành một trong những bộ phim huyền thoại kinh điển của điện ảnh thế giới.

Từ năm 2022, Hollywood đã bắt đầu những hoạt động kỷ niệm nửa thế kỷ phim The Godfather trong đó có cuộc trưng bày “The Art of Moviemaking: The Godfather” tại bảo tàng Academy Museum, Los Angeles (11.2022 - 3.2024). Buổi chiều ngày 13.3, khi thảm đỏ trước nhà hát Dolby tấp nập những ngôi sao điện ảnh tụ hội về đêm trao giải Oscar được trực tiếp toàn thế giới, thì cách đó chừng mươi phút lái xe, một dòng người già trẻ vẫn xếp hàng lặng lẽ vào bảo tàng Academy để “gặp” lại bố già của họ. Trong số đó có cả chúng tôi. 

Nửa thế kỷ trôi qua, có một sự lặp lại thú vị về hai bộ phim thắng lớn ở Oscar này. Everything Everywhere All at Once công chiếu tháng 3.2022 đã giúp hồi sinh các rạp chiếu phim sau hai năm đại dịch, thu về hơn 110 triệu USD cho nhà sản xuất.

50 năm trước, tháng 4.1972 The Godfather cũng trở thành một kỷ lục phòng vé: là phim đầu tiên thu về hơn 1 triệu USD ngay trong tháng đầu ra mắt, rồi trở thành bộ phim có lợi nhuận lớn nhất Hollywood thời điểm đó (tính đến nay cả ba tập phim đã thu về hơn 250 triệu USD). Cả hai bộ phim ăn khách này đều được đề cử 11 giải Oscar cho nhiều hạng mục, khẳng định thương mại và nghệ thuật hoàn toàn có thể song hành trong cùng tác phẩm.

Một góc khu vực triển lãm.


Tuy nhiên hai câu chuyện gia đình nhập cư trong Everything Everywhere All at OnceThe Godfather khác biệt rõ ràng: phim 2022 viễn tưởng kỳ lạ với ý tưởng “đa vũ trụ” về hành trình của một gia đình gốc Hoa bình dân với nhân vật chính là bà chủ một tiệm giặt là, còn phim 1972 là sử thi thăng trầm của một gia đình gốc Ý trở thành mafia ở New York.

Và dĩ nhiên, 50 năm cũng là một khoảng cách khác biệt ở phương cách, kỹ thuật làm phim của Hollywood mà triển lãm “The Art of Moviemaking: The Godfather” là một dịp hiếm hoi cho người xem hôm nay biết được quy trình để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật thực sự là thế nào. Đồng thời mở cánh cửa khám phá một giai đoạn quan trọng của lịch sử Hollywood thập niên 1970.

Ở thập niên 1970, phim về “xã hội đen” là thể loại đang chết dần, bị coi là phim hạng B, không đạt doanh thu phòng vé, cũng không được xem là dòng phim có giá trị nghệ thuật, các nhà sản xuất không muốn đầu tư... cho đến khi Bố già sản xuất và phát hành, thể loại phim này đã được hồi sinh ngoạn mục cùng một giai đoạn phát triển mới của Hollywood.

Với nguyên liệu là bộ tiểu thuyết best-seller của Mario Puzo, đạo diễn Francis Ford Coppola (mới 32 tuổi) đã làm nên The Godfather vừa bom tấn phòng vé vừa là một tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ, một bộ phim gangster máu me nhưng khiến người xem phải suy ngẫm về thiện - ác, tốt - xấu trong cõi nhân sinh cùng các thông điệp về nguyên tắc sống và những giá trị gia đình. 

“Một người đàn ông không dành thời gian cho gia đình thì chẳng bao giờ trở thành người đàn ông thực sự!”. “Anh nói về việc trả thù. Liệu trả thù có mang được con trai anh trở về với anh hay con trai tôi sống lại với tôi không?”

Người ta lại được nghe những câu thoại nổi tiếng ấy trong những cảnh phim tiêu biểu của The Godfather chiếu tại màn hình lớn đặt ở lối vào khu triển lãm. Ngay cạnh đó là bục trưng bày những phục trang gắn liền với các nhân vật chính trong phim: bộ suits của bố già Vito thời trẻ (diễn viên Robert De Niro) với “chất liệu vải nặng hơn và đắt tiền hơn” thể hiện địa vị khi bắt đầu trở thành ông trùm khu Little Italy ở New York; bộ váy cam rạng rỡ cùng chiếc mũ rộng vành của cô gái trẻ Kay (vợ Michael) trong cảnh tiệc cưới đầu phim; chiếc áo gilê cũ mòn của cậu bé di dân Vito khi ngồi nhìn ra tượng nữ thần tự do từ cửa sổ ở đảo Ellis - nơi cậu bắt đầu “giấc mơ Mỹ” của mình; những bản vẽ phục trang của nhà tạo mẫu Theadora Van Runkle...

Bộ suits của bố già Vito thời trẻ (diễn viên Robert De Niro) với “chất liệu vải nặng hơn và đắt tiền hơn” thể hiện địa vị khi bắt đầu trở thành ông trùm khu Little Italy ở New York.

Bản vẽ phục trang nhân vật của nhà tạo mẫu Theadora Van Runkle


Thật ấn tượng khi thấy tận mắt những trang tiểu thuyết của Mario Puzo chằng chịt các dòng ghi chú ý tưởng của đạo diễn Coppola để chuẩn bị chuyển thể thành kịch bản điện ảnh, chuẩn bị đưa người đọc từ thế giới tưởng tượng của văn chương đến với thế giới trực quan của màn ảnh.

Thấy tận mắt bản chép tay danh sách phân vai, tờ ghi chú tóm tắt các phân cảnh trong đám cưới mở đầu bộ phim, một ghi chép của đạo diễn Coppola hài hước nhận xét có bao nhiêu tên xã hội đen ngoài đời thực mà ông quan sát vào thời điểm đó có “hai cằm” (mặt nọng)... 

Trang tiểu thuyết của Mario Puzo chằng chịt các dòng ghi chú ý tưởng của đạo diễn Coppola để chuẩn bị chuyển thể thành kịch bản điện ảnh.


Để có được triển lãm này, nhóm thực hiện đã mất hai năm rưỡi nghiên cứu tư liệu của hãng Paramount Pictures, Marlon Brando Estate, kho lưu trữ của đạo diễn Francis Ford Coppola... Đặc biệt, Coppola đã cho thấy ông không chỉ là một nhà làm phim lừng lẫy mà còn là một nhà lưu trữ xuất sắc. Ông lưu giữ hầu như mọi thứ giấy tờ liên quan đến quá trình làm phim, thậm chí cả biên lai về một chiếc máy ảnh mà đoàn phim đã thuê mướn. 

Mỗi hiện vật trưng bày ở đây đều kèm chú thích câu chuyện thú vị của riêng nó. Chẳng hạn: dụng cụ độn hàm mà Marlon Brando đã đeo để có một khuôn mặt bành bạnh xề xệ đáng sợ; bộ trang điểm mà chuyên gia hóa trang Dick Smith đã sử dụng để tạo ra vẻ ngoài khó quên của bố già Brando; cây đàn mandolin mà Maxwell “Max” Gralnick đã chơi giai điệu bất hủ Speak Softly, Love trong phim; những đoạn thử giọng thử vai của Al Pacino, Marlon Brando...; máy ảnh và ống kính mà nhà quay phim huyền thoại Gordon Willis đã sử dụng để tạo ra “phép thuật ánh sáng” trong phim; một số bức vẽ phân cảnh (story board); bộ sưu tập ảnh về các địa điểm quay phim khác nhau; các tài liệu tham khảo thời sự đã giúp Coppola định hình bối cảnh, chẳng hạn như với màn ám sát con trai cả của bố già là Sonny Corleone...

Các đạo cụ thủ công là một thành công của The Godfather và triển lãm này là dịp cho ta thấy họ đã làm ra mọi thứ tỉ mỉ công phu thế nào để tạo được cảm giác chân thực cho một thứ điện ảnh không/chưa dựa vào các kỹ xảo ảo diệu.

Bản chép tay danh sách phân vai.


Cũng từ triển lãm này, người xem được biết đến cảnh phim “tai tiếng” nhất của The Godfather: cảnh nhà sản xuất phim Jack Woltz (diễn viên John Marley) thức dậy và kinh hoàng phát hiện trên chiếc giường đẫm máu là cái đầu bị cắt rời của con ngựa đua quý giá của ông ta.

Trong đoạn phim tư liệu được chiếu tại bảo tàng, đạo diễn Coppola cho biết ông đã nhận được nhiều thư phản đối từ các nhà bảo vệ động vật cho rằng họ đã giết một con ngựa để quay phim: “Chúng tôi không giết ngựa - Coppola nói với đài Fox 5 vào năm 2015 - Nhiều ngựa nuôi để lấy thịt làm thức ăn cho chó. Chúng tôi đã đến một hãng sản xuất thực phẩm cho chó và xem xét những con ngựa trước khi chúng bị giết thịt. Giám đốc nghệ thuật đoàn phim đã chọn một con trông giống con ngựa trong phim và yêu cầu khi hãng thực phẩm giết con ngựa đó, đoàn phim xin lấy phần đầu. Vì vậy không có con ngựa nào bị sát hại vì việc làm phim cả”.

Có mặt trong phòng trưng bày của triển lãm là chiếc đầu ngựa giả nhồi bông được sử dụng cho các buổi diễn tập của diễn viên Marley trước ngày quay phim chính thức với cái đầu ngựa thật.

Đầu ngựa giả dùng để diễn tập cho cảnh phim rùng rợn khi Jack Woltz phát hiện đầu con ngựa yêu quý của mình trên giường.


Trung tâm của khu triển lãm dành cho căn phòng làm việc của bố già Corleone - được tạo ra bởi nhà thiết kế Dean Tavoularis (đoạt Oscar với The Godfather 2) - mà bất kỳ người hâm mộ The Godfather nào cũng nhận ra ngay, với từng chi tiết. Ta gần như có thể nghe thấy giọng nói của nhân vật Amerigo Bonasera ở cảnh mở đầu bộ phim: “Tôi tin vào nước Mỹ!” khi nhìn thấy bộ bàn ghế ấy, biểu tượng nơi nắm giữ quyền lực của bố già xuyên suốt ba tập phim.

Tôi còn chú ý đến cái dụng cụ độn hàm nổi tiếng của nghệ sĩ hóa trang Dick Smith (từng đoạt Oscar) tạo ra cho khuôn hàm bạnh và xệ kiểu “bulldog” của bố già Marlon Brando. Nghe nói cái độn hàm này đã “lưu diễn” nhiều nơi, có mặt ở nhiều bảo tàng.

Trong một cuộc phỏng vấn Coppola của The Hollywood Reporter, vị đạo diễn kể rằng: Brando lần đầu đến thử vai đã nhét một miếng bông vào trong miệng để tự tạo hình khuôn hàm ấy cho mình, nhưng sau đó chuyên gia hóa trang Smith muốn có một phương pháp cố định hơn đã chế tạo khung độn hàm cho Brando đeo. Đội hóa trang, làm tóc đã biến đổi Marlon Brando điển trai hào hoa thành một ông trùm đáng sợ.

Ban đầu hãng phim Paramount quyết liệt phản đối việc đạo diễn chọn Brando (vì nhiều lý do, trong đó có những tai tiếng của Brando), sau khi xem khả năng biến đổi ngoại hình của Brando trong buổi chiếu thử nghiệm trên màn ảnh, hãng phim đã phải đồng ý với quyết định của đạo diễn. 

Quá trình hóa trang, làm tóc đã biến đổi Marlon Brando điển trai hào hoa thành một ông trùm đáng sợ.


Xuyên suốt cuộc triển lãm có thể thấy một phần quan trọng của tài năng Francis Ford Coppola chính là cách ông cộng tác cởi mở với tất cả các nghệ sĩ trong đoàn phim. Quan điểm của phòng triển lãm này bật ra: làm phim là một nghệ thuật hợp tác. 

Hiện nay nhiều nhà phê bình điện ảnh Mỹ cho rằng ở những năm đầu thập niên 20 thế kỷ này, khi Hollywood lại đang giữa ngã tư đường, The Godfather càng quan trọng hơn để nghiên cứu và ghi nhớ, vì đây là một bộ phim đã vượt qua thử thách của thời gian. Tháng 2.2022 The Godfather được trình chiếu trở lại trong hệ thống rạp Bắc Mỹ nhân kỷ niệm 50 năm bộ phim, vào thời điểm ra mắt, nó đứng vị trí số 1 hoặc số 2 trong tổng số 50% rạp chiếu và tiếp tục thu về hơn 1 triệu USD cho bộ phim huyền thoại.

Cũng như triển lãm này ở Academy Museum vẫn đang tiếp tục thu hút người xem dù giá vé không hề rẻ: 25 USD (miễn phí cho trẻ em dưới 17 tuổi)… Nhìn vào đó chúng ta có thể hy vọng nền điện ảnh sẽ lại mang đến những tuyệt phẩm như The Godfather và sẽ tiếp tục được người ta nhớ đến một cách trìu mến sau 50 năm, như thế.

Rồi Everything Everywhere All at Once 2022 liệu có được nhớ đến 50 năm sau - như The Godfather hôm nay? 

Bài và ảnh: Thúy Hà

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.