Tin thứ nhất: khoảng 4 giờ ngày 12.7, Lương Văn Thảo (trú xóm Văn Giang, xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) bỗng dưng cầm dao chạy sang nhà anh Lương Văn Vỵ, chú họ của Thảo, xông vào nhà dùng dao chém anh Vỵ bị thương nặng. Tiếp đó, Thảo chạy sang nhà anh Vi Công Kiên, thấy chị Hồ Thị Hường, vợ anh Kiên nằm ngủ cùng con gái trên giường thì vung dao chém loạn xạ khiến chị Hường gục tại chỗ. Anh Kiên chưa kịp chạy sang phòng vợ thì bị Thảo chạy vào phòng chém bị thương. Sau khi vứt dao, Thảo tiếp tục lao vào nhà anh Vi Công Thu, công an viên, dùng bơm hơi đánh bị thương chị Lô Thị Hồng, vợ anh Thu. Sự việc chỉ dừng lại khi anh Thu và người dân lao vào khống chế Thảo, ngăn chặn hành động trong cơn điên loạn của đối tượng này. Thảo trước đó đã có dấu hiệu của bệnh tâm thần, nhưng không ai ngờ được Thảo lại ra tay giết và làm bị thương người man rợ như vậy.
Tin thứ hai: bốn nghi can tuổi 17-18 bị cáo buộc trực tiếp đánh chết nam sinh tên H., lớp 10 trường THPT Khúc Thừa Dụ tại nhà văn hóa thôn Đồng Hội (xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, Hải Dương) xuất phát từ việc cả bọn nghi ngờ nạn nhân tán tỉnh bạn gái của một người trong nhóm. Ngày 11.7, H. đang dạy các em thiếu nhi tại nhà văn hóa thôn thì cả bọn đến gọi H. ra ngoài sân, đánh hội đồng khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Hình ảnh các đối tượng trong hai băng nhóm cầm vũ khí tham gia hỗn chiến trên đường phố. Ảnh tư liệu minh hoạ.
Tin thứ ba: một lãnh đạo UBND xã Ea Sol (huyện Ea H’leo, Đak Lak) cho biết đêm 11.7, có một người chở cháu Y Ng. và 2 cháu nhỏ khác qua xã Ea Hiao, cách chỗ ở của cháu Y Ng. khoảng 5 km để trộm mủ cao su. Cả 3 cháu nhỏ bỏ chạy nhưng cháu Y Ng. bị bắt lại và bị tẩm xăng đốt gây bỏng chân. “Nghi phạm gây ra vụ việc là Y Thắt N., 19 tuổi, trú xã Ea Hiao. Cháu Y Ng. là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, đang sống với ông bà, hoàn cảnh rất khó khăn”, lãnh đạo xã này thông tin. Đó là thông tin ban đầu và công an vẫn đang điều tra nguyên nhân chính xác của việc cháu bé bị đốt bỏng chân.
Cũng trong ngày 12.7, buổi sáng Tòa án quân sự Quân khu 7 mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu tư lệnh vùng cảnh sát biển là Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4) và Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3) cùng đồng phạm trong vụ án buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và không tố giác tội phạm.
Theo cáo trạng, cựu thiếu tướng Lê Văn Minh cùng Lê Xuân Thanh và 9 người khác bị truy tố về tội nhận hối lộ. Vợ ông Lê Xuân Thanh là bà Phan Thị Xuân cũng bị truy tố về tội này. Bị cáo Phùng Danh Thoại - cựu đại tá, cựu trưởng phòng xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển - bị truy tố tội buôn lậu; bị cáo Nguyễn Thế Anh - cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang - bị truy tố tội nhận hối lộ và tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Kết cục, bị can Lê Văn Minh bị kêu án 12 năm tù, Lê Xuân Thanh 15 năm tù và Nguyễn Thế Anh tù chung thân.
Vẫn có người tốt, sự việc tốt, tấm gương và lòng tốt quanh ta; chỉ là chúng ít được chú ý cho bằng những sự việc, con người tiêu cực vốn dễ gây bức xúc cho xã hội hơn.
Chiều cùng ngày, Tòa phúc thẩm tiếp tục xử vụ án cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp tay cho Công ty Nhật Cường trúng thầu các gói thầu số hóa hồ sơ, dữ liệu. Tại phiên tòa, bị cáo và gia đình đã cung cấp 3 bộ hồ sơ của các bệnh viện chứng minh ông Chung bị bệnh ung thư, nộp cho tòa 85 bằng khen, giấy khen… Kết quả là bị cáo Chung được tòa giảm án 1 năm tù, còn 2 năm so với án sơ thẩm. Tổng cộng, cùng với án tuyên trong hai vụ án trước, ông Chung bị tuyên phạt 12 năm tù.
Những vụ án và xử án trong cùng một ngày đó tất nhiên không phải là bức tranh toàn diện, đầy đủ về thực tế xã hội - kinh tế - chính trị ngày hôm nay. Vẫn có người tốt, sự việc tốt, tấm gương và lòng tốt quanh ta; chỉ là chúng ít được chú ý cho bằng những sự việc, con người tiêu cực vốn dễ gây bức xúc cho xã hội hơn.
Tuy vậy, những vụ án liên tiếp kể trên, cùng với một loạt vụ án trước đó - mà bị can là những quan chức từ cấp bộ trưởng trở xuống và sĩ quan quan đội, công an từ cấp tướng trở xuống - là những nét vẽ không sáng sủa trong toàn bộ bức tranh xã hội: dân thường thì dễ dàng làm ác, ra tay hại nhau; những người được Nhà nước tin tưởng và giao nhiệm vụ bảo vệ luật pháp và lợi ích quốc gia, cuộc sống an toàn của người dân thì lại phản bội lòng tin của Nhà nước và nhân dân, ăn tiền của tội phạm để làm điều trái pháp luật. Hành động của những quan chức này dù không trực tiếp thì cũng gián tiếp góp phần làm cho đạo đức xã hội tuột dốc, lòng tin của người dân bị bào mòn, hủy hoại. Và một khi mất niềm tin vào những điều, những con người lẽ ra phải mang lại niềm tin cho họ, người ta dễ rơi vào một thứ chủ nghĩa hư vô, chẳng còn niềm tin vào bất cứ giá trị nào. Tội ác lan tràn từ đó.
Vậy nên việc lựa chọn đúng người đủ phẩm chất và năng lực để giao phó nhiệm vụ càng quan trọng hơn bao giờ hết, càng cần thay đổi hơn bao giờ hết nếu không muốn “giao trứng cho ác”. Muốn vậy chỉ có thể dựa vào sự giám sát, vào con mắt và tiếng nói của người dân. Đó là một thách thức lớn về cải cách thể chế. Câu hỏi là bao giờ?
Đoàn Khắc Xuyên