Dấu hiệu trục lợi dưới góc nhìn pháp lý:

Báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm gì?

 07:34 | Thứ tư, 09/01/2019  0
Các cơ quan giám sát quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần có tiếng nói góp ý kịp thời để điều chỉnh nội dung dự thảo nghị định nói trên.

Trao đổi với Người Đô Thị, nhiều chuyên gia luật, môi trường cho biết dự thảo Nghị định do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đề xuất chỉ có điều khoản công khai quyết định phê duyệt ĐTM mà không công bố rộng rãi hồ sơ môi trường của toàn dự án, gồm cả nội dung đánh giá tác động môi trường sẽ có nguy cơ dẫn đến lạm dụng con dấu “mật”. Điều này xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của cộng đồng. Luật do Quốc hội ban hành, còn nghị định do Chính phủ, giá trị hiệu lực của nghị định nằm dưới luật, nhằm làm rõ hơn những điều luật định, vấn đề này cần phải được Bộ TNMT sửa đổi, hoặc Chính phủ sẽ không thông qua.

Nếu nội dung của nghị định trái luật thì đương nhiên bị vô hiệu. Thực tế có thể xảy ra trường hợp vì một mục đích nào đó, người có trách nhiệm lạm dụng dấu “mật” vì vin vào nội dung trong Nghị định “báo cáo này chỉ được gửi cho các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước”. Điều này khiến cho người dân tiếp cận, sử dụng tài liệu có đóng dấu “mật” có nguy cơ bị khởi tố vì làm lộ bí mật nhà nước, hoặc những hành vi khác nằm trong nhóm tội bí mật nhà nước, bí mật công tác (Luật Hình sự). Tuy nhiên, nó vẫn không thể xem là “mật” được, vì Luật đã yêu cầu phải công bố công khai.  

Hàng loạt dự án khai thác titan Bình Thuận thời gian qua đã bị phát hiện làm ĐTM rất sơ sài, gian dối. Hậu quả là tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống và sinh kế của người dân; nguy cơ ô nhiễm phóng xạ không được thông tin đến cộng đồng bị ảnh hưởng… Trong ảnh: khu khai thác titan của Công ty TNHH Đức Cảnh tại khu Thiện Ái 2, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình

Các cơ quan giám sát quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần có tiếng nói góp ý kịp thời để điều chỉnh nội dung dự thảo nghị định nói trên. Đồng thời dư luận xã hội cũng cần lên tiếng, đây là một sự lên tiếng đúng đắn, chính xác và cần thiết. Nếu không, các nghị định sau này có hiệu lực sẽ gây ra nhiều hệ quả pháp lý không đáng có, và trong chừng mực nào đó gây tác hại cho công việc bảo vệ môi trường.

Cũng theo các chuyên gia, trên thế giới, ĐTM được xem là một công cụ dự báo, nên nó đóng vai trò quyết định cho việc có đầu tư dự án hay không, chứ không phải công cụ quản lý nhà nước như ở Việt Nam hiện nay. Cũng vì ĐTM là công cụ dự báo, nên thực tế khi triển khai dự án có sự thay đổi là bình thường. Tuy nhiên, các chỉnh sửa thay đổi cần được báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước, và tất cả những thông tin chỉnh sửa này, cũng như ĐTM và các thông tin liên quan cần được công khai, ai cũng có thể tiếp cận. Quan trọng hơn, vấn đề hậu kiểm cần thật nghiêm khắc, sẵn sàng đóng cửa dự án gây tác động xấu, tiêu cực, và không có vận hành thử. Còn tại Việt Nam hiện nay, dù công nghệ xấu cỡ nào, gây hại môi trường nhưng cứ ĐTM được thông qua (dù chất lượng rất kém) là được.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, thế giới khi làm ĐTM thì tất cả các yếu tố có thể bị ảnh hưởng như toàn bộ vùng chịu tác động do dự án (chứ không chỉ ở nơi đặt dự án), các hệ sinh thái, văn hóa, công trình văn hóa, xã hội, lịch sử, sinh kế người dân... đều cần được chú trọng như nhau. Đặc biệt, việc tham vấn ý kiến người dân cộng đồng được làm rất kỹ, thực chất. Còn tại Việt Nam khi làm ĐTM chỉ thiên về chất thải, nước thải ô nhiễm phát sinh trong dự án; tham vấn cộng đồng thì chỉ thông qua cán bộ nhà nước.

Liên quan đến vấn đề đảm bảo chất lượng ĐTM, tại Hội thảo Đánh giá tác động môi trường và các công cụ quản lý dự án theo vòng đời, do Tổng cục Môi trường và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản Jica tổ chức gần đây, bà Akiko Urago, Hội trưởng Hiệp hội Đánh giá tác động môi trường Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm quy trình góp phần “minh bạch hóa” ĐTM. Theo bà, tại Nhật, chủ đầu tư chi tiền cho đơn vị tư vấn thực hiện ĐTM. Cơ quan quản lý thẩm định ĐTM dự án, trong đó hội đồng thẩm định gồm đại diện cơ quan quản lý và các giáo sư chuyên ngành. Chính phủ hoặc chính quyền địa phương có vai trò và nghĩa vụ chi trả phí thẩm định cho hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định chỉ đưa ra ý kiến về chất lượng ĐTM dự án. Người đưa ra quyết định là cơ quan quản lý dự án của nhà nước. Ví dụ khi xây đập thủy điện, Bộ trưởng Bộ Giao thông sẽ quyết định xây dự án hay không dựa trên ĐTM và ý kiến hội đồng thẩm định; Bộ trưởng Bộ Đất đai cũng quyết định tương tự với dự án này. Nếu dự án xây đập ảnh hưởng xấu quá thì cũng có trường hợp chủ doanh nghiệp chủ động rút khỏi dự án. 

Thừa nhận tất cả vấn đề mà Người Đô Thị đã nêu khiến chất lượng ĐTM hiện nay rất kém là đúng, tại hội thảo trên, TS. Mai Thế Toản, quyền Vụ trưởng Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra (Bộ TNMT) đồng ý với góp ý của nhiều chuyên gia: cần trở lại với bản chất ĐTM là chỉ có vai trò cơ sở để quyết định đầu tư dự án hay không. Không dùng ĐTM làm công cụ quản lý môi trường, giám sát, thanh kiểm tra doanh nghiệp như hiện nay, vì đây chỉ là công cụ dự báo, mà cần quản lý giám sát dựa trên một kế hoạch bảo vệ môi trường làm riêng dựa trên nền tảng ĐTM. Đồng thời cần nâng cao chất lượng và công khai hội đồng thẩm định ĐTM, quy trách nhiệm rõ ràng của các bên trước pháp luật; cần quy định ai làm thẩm định ĐTM thì không được làm tư vấn nhằm đảm bảo tính khách quan...  

Bài và ảnh: Lê Quỳnh

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.