"Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời câu hỏi liên quan đến kiến nghị của gần 80 kiến trúc sư gửi tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng liên quan đến quy hoạch khu trung tâm Hoà Bình – TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng", bản tin tối 19.4 trên Pháp luật TP.HCM cho biết.
Theo Bộ Xây dựng, hiện Vụ quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) đang làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng để yêu cầu báo cáo và có thông tin đầy đủ liên quan đến hồ sơ đồ án và quá trình lập, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 Khu vực Trung tâm Hòa Bình, Thành phố Đà Lạt. “Sau khi có đầy đủ tài liệu và thông tin, Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến chính thức” – văn bản trả lời của Bộ Xây dựng nêu.
Cho rằng việc chỉnh trang, xây dựng lại Khu vực Trung tâm Hòa Bình, Thành phố Đà Lạt cho khang trang, văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân là cần thiết, tuy nhiên Bộ Xây dựng cũng nêu quan điểm: “Nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn các giá trị văn hóa, di sản gắn liền với lịch sử hình thành đô thị Đà Lạt, phù hợp với không gian, kiến trúc, cảnh quan đặc trưng riêng của Thành phố”.
Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cần nghiên cứu, phân tích kỹ hơn lịch sử và hiện trạng khu trung tâm Hòa Bình để đánh giá đúng các giá trị đặc trưng nhiều mặt. Ảnh: Zing
Theo Bộ Xây dựng, Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 Khu vực Trung tâm Hòa Bình, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt tại Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 12.2.2019 theo thẩm quyền quy định của pháp luật hiện hành về Quy hoạch đô thị (Luật Quy hoạch đô thị 2009; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7.4.2010 của Chính phủ và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành).
Bộ này cho rằng quy hoạch phải đảm bảo các yêu cầu về công khai, minh bạch, kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng; cải thiện cảnh quan, bảo tồn các di tích văn hoá, lịch sử và nét đặc trưng địa phương; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm tính đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm…
“Đồng thời, quá trình lập đồ án quy hoạch, cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, tổ chức tư vấn lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan. Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định phê duyệt” – văn bản của Bộ Xây dựng nêu.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cho rằng, để đáp ứng được mong muốn của người dân và các chuyên gia thì trước mắt UBND tỉnh Lâm Đồng cần tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, di sản văn hóa cũng như đại diện của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí để giải trình, tiếp thu các ý kiến nhằm rà soát, đánh giá tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và môi trường sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa khi triển khai thực hiện Quy hoạch này; đồng thời, đảm bảo mục tiêu xây dựng và phát triển Đà Lạt văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân, giữ gìn các giá trị văn hóa, di sản gắn liền với lịch sử hình thành đô thị Đà Lạt, phù hợp với không gian, kiến trúc, cảnh quan đặc trưng riêng của Thành phố.
Trong kiến nghị ngày 19.3, các kiến trúc sư cho rằng đồ án quy hoạch này có chất lượng không phù hợp với cảnh quan và vị thế trong lịch sử đô thị Việt Nam của thành phố Đà Lạt, cũng như việc ban hành quyết định nói trên của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng có nhiều vấn đề chưa tường minh về quy trình thủ tục theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam
Trước đó như Người Đô Thị đã đưa tin, 77 kiến trúc sư đã cùng tham gia kiến nghị trong một văn bản gửi Bộ Xây dựng, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng… yêu cầu xem xét, làm rõ Quyết định phê duyệt đồ án “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị – tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt” của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng có tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật? Tiếp nối kiến nghị này, một Thư kiến nghị khác cũng vừa được phổ biến rộng rãi để lấy ý kiến dư luận gửi Thủ tướng Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Trong đó, bản kiến nghị gửi bộ xây dựng ngày 19.3, các kiến trúc sư nêu quan điểm, rằng đồ án quy hoạch (“Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị – tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt”, đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định số 229 - QĐ/UBND ngày 12.2.2019) này có chất lượng không phù hợp với cảnh quan và vị thế trong lịch sử đô thị Việt Nam của thành phố Đà Lạt, cũng như việc ban hành quyết định nói trên của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng có nhiều vấn đề chưa tường minh về quy trình thủ tục theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, các kiến trúc sư yêu cầu:
1/. Bộ Xây dựng và Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng xem xét, làm rõ và công bố trước công luận việc ban hành Quyết định 229 - QĐ/UBND ngày 12.2.2019 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng có tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định hiện hành của pháp luật?
2/. Hội Quy hoạch Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam xem xét và công bố trước công luận đánh giá của mình về chất lượng đồ án quy hoạch nói trên.
3/. Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị thu hồi toàn bộ sản phẩm này, nghiên cứu làm lại một tác phẩm khác xứng đáng với tên tuổi và tầm vóc của ông trong nền kiến trúc đương đại Việt Nam.
Chợ cũ, nay là rạp Hòa Bình, một địa chỉ gắn với lịch sử phát triển đô thị Đà Lạt. Ảnh chụp khoảng giữa thập niên 1950. Ảnh: Tư liệu
Tiếp đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đã có văn bản số 40/KT gửi Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng bày tỏ ý kiến về Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà lạt. Văn bản do GS-TS-KTS. Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam ký ngày 15.4.2019.
Tại văn bản này, ý kiến chung của Hội đồng Kiến trúc, như sau: Nên nghiên cứu, phân tích kỹ hơn lịch sử và hiện trạng khu trung tâm Hòa Bình để đánh giá đúng các giá trị đặc trưng nhiều mặt về: Tổng thể khu phố, các công trình kiến trúc có giá trị, cảnh quan tự nhiên và cảnh quan hoạt động của cộng đồng cư dân (giá trị phi vật thể). Đây là những căn cứ quan trọng để đề xuất các giải pháp cụ thể có tính thuyết phục.
Cần nghiên cứu xác định rõ những chức năng mới, quy mô và hình thức kiến trúc mới, sao cho đảm bảo phù hợp với sức chứa và đặc điểm của khu vực về: Kiến trúc, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng và tỷ lệ kiến trúc đô thị.
Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khu đồi Dinh Tỉnh trưởng có giá trị đặc trưng là đồi cao với nhiều cây thông lưu niên và công trình Dinh Tỉnh trưởng khiêm tốn ẩn trong cảnh quan. “Giải pháp xây dựng khách sạn quy mô lớn ở đây là không phù hợp. Nên giữ là Đồi Xanh. Có thể khai thác công trình Dinh Tỉnh trưởng vào mục đích du lịch cao cấp. Đồng thời, có thể bổ sung thêm một số chức năng dịch vụ du lịch với kiến trúc quy mô nhỏ, không làm mất đặc trưng cảnh quan – Đồi xanh của khu vực đồi Dinh”, văn bản viết.
Đối với khu vực rạp Hòa Bình, công trình kiến trúc ban đầu của rạp Hòa Bình do Kiến trúc sư L.G. Pineau thiết kế theo xu hướng tiền hiện đại. Trải qua thời gian, mặc dù công trình đã có nhiều thay đổi, nhưng khu vực này vốn là không gian chợ truyền thống nên có giá trị như một di sản ký ức của cộng đồng dân cư Đà Lạt. Do đó cần nghiên cứu để khai thác giá trị ký ức của không gian di sản này trong công trình mới.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, tầm nhìn cảnh quan từ khu phố Hòa Bình xuống không gian chợ, đặc biệt, tầm nhìn ra phía hồ Xuân Hương là ưu tiên quan trọng nhất, cần được trú trọng. “Do đó không nên xây dựng thêm công trình chắn tầm nhìn từ khu phố Hòa Bình ra Hồ Xuân Hương, như: Công trình hỗn hợp dịch vụ, thương mại đặt ở ngã ba phía đầu rạp Hòa Bình hay các công trình khách sạn, dịch vụ ở phía Đông quảng trường sóng hoa,… Đặc biệt lưu ý tính chất chuyển tiếp hài hòa giữa các công trình mới và cũ về tỷ lệ và khối tích công trình để đảm bảo hình thái thống nhất của không gian khu phố trung tâm Hòa Bình trong quá trình phát triển liên tục”, văn bản viết.
Sau khi các kiến nghị được gửi đi, ngày 16.4, trả lời phỏng vấn Người Lao Động, ông Lê Quang Trung (Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, người phát ngôn của tỉnh Lâm Đồng về đồ án quy hoạch trung tâm Đà Lạt) cho biết: “Đà Lạt giữ nguyên Dinh Tỉnh trưởng”. Trong khi đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng - ông Trần Đức Quận, cũng cho biết cơ quan này đã nhận được đơn kiến nghị xem xét lại quy hoạch trung tâm thành phố Đà Lạt từ 77 kiến trúc sư trên toàn quốc.
Người Đô Thị sẽ tiếp tục thông tin về diễn tiến mới nhất liên quan đến đồ án quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt.
BTV