Tại cuộc tọa đàm "Thực trạng di sản Sài Gòn - Đà lạt" ngày 6.4 ở TP.HCM, sự kiện Đà Lạt công bố quyết định “khai tử” khu Hòa Bình đã trở thành tâm điểm luận bàn của các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu... Ảnh: Trung Dũng
Cần làm rõ tính hợp pháp và chất lượng đồ án
Trong bản kiến nghị ngày 19.3 gửi đồng thời: ông Phạm Hồng Hà (Bộ trưởng Bộ Xây dựng); Ông Trần Đức Quận (Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng); Ông Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam); Ông Nguyễn Tấn Vạn (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) và Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị (tác giả đồ án “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị – tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt”, đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định số 229 - QĐ/UBND ngày 12.2.2019), các kiến trúc sư cho rằng:
Đồ án quy hoạch này có chất lượng không phù hợp với cảnh quan và vị thế trong lịch sử đô thị Việt Nam của thành phố Đà Lạt, cũng như việc ban hành quyết định nói trên của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng có nhiều vấn đề chưa tường minh về quy trình thủ tục theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, các kiến trúc sư yêu cầu:
1/. Bộ Xây dựng và Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng xem xét, làm rõ và công bố trước công luận việc ban hành Quyết định 229 - QĐ/UBND ngày 12.2.2019 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng có tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định hiện hành của pháp luật?
2/. Hội Quy hoạch Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam xem xét và công bố trước công luận đánh giá của mình về chất lượng đồ án quy hoạch nói trên.
3/. Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị thu hồi toàn bộ sản phẩm này, nghiên cứu làm lại một tác phẩm khác xứng đáng với tên tuổi và tầm vóc của ông trong nền kiến trúc đương đại Việt Nam.
Sau khi kiến nghị gửi đi, qua một số kênh liên lạc, các kiến trúc sư nhận được phản hồi Bộ Xây dựng và Hội Kiến trúc sư Việt Nam đang xem xét nội dung kiến nghị.
Theo Đồ án quy hoạch khu Hòa Bình vừa công bố: rạp Hòa Bình - một địa chỉ lâu đời của khu trung tâm Đà Lạt sẽ bị đập bỏ để xây trung tâm thương mại có 5 tầng nổi; Dinh tỉnh trưởng (Ảnh dưới) di dời để xây trung tâm thương mại - khách sạn cao 10 tầng. Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên và Zing
“Mong được lắng nghe ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng”
Trong một diễn biến khá bất ngờ với dư luận (mà một số thành viên của nhóm kiến nghị cho rằng đó là “phản pháo” của chính quyền Lâm Đồng với bản kiến nghị ngày 19.3), tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức ngày 5.4, báo Tuổi Trẻ trong bản tin “Quy hoạch trung tâm Đà Lạt: Dân phản đối, tỉnh vẫn làm” cho biết: UBND tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt vẫn giữ quan điểm sẽ triển khai đồ án quy hoạch “Khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt” mà Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng công bố vào giữa tháng 3.2019 (Xem thêm lược trích ở cuối bài- PV).
Dẫn lại bản tin đó trên facebook cá nhân và trang NgoViet Architects & Planners, TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn thẳng thắn:
Các câu trả lời chưa thỏa đáng về việc quyết định tiếp tục dự án này theo hướng (1) chỉnh trang giải tỏa lớn & cao tầng hóa & hiện đại hóa, thay vì chỉ nên làm theo hướng (2) chỉnh trang bảo tồn & cải tạo & mở rộng Khu lịch sử Phố Việt Hòa Bình, cho thấy các nhà lãnh đạo chưa hề đọc kỹ các góp ý của các nhà khoa học để nhìn thấy tầm nghiêm trọng của vấn đề.
Nếu thành phố Đà Lạt chịu bỏ công sức nghiên cứu thêm giải pháp (2) và so sánh 2 phương án (1) và (2), thì sẽ thấy hiệu quả các phương án. Phương án (1) có thể thực hiện dễ dàng và nhanh hơn phương án (2) trong giai đoạn 3-5 năm đầu, nhưng sau 5 năm trở đi, hiệu quả thu ngân sách và đóng góp cho kinh tế xã hội Đà Lạt của phương án chỉnh trang (2) chắc chắn sẽ cao hơn nhiều, trong khi giữ được bản sắc đô thị, môi trường, và quyền sở hữu, sử dụng các tài sản công cộng vẫn thuộc thành phố, không phải chuyển giao cho tư nhân.
Vấn đề là cho đến nay phương án (2) có lẽ chưa hề được đặt ra và được nghiên cứu nghiêm túc để so sánh với (1).
Cách chọn duy ý chí theo phương án (1) có thể sẽ tạo tiền đề cho việc phá hỏng giá trị cảnh quan lịch sử mà Đà Lạt đã tích lũy trên trăm năm trong thời gian tới, và điều đó có thể đưa đến sự khẳng định Đà Lạt đang từ bỏ tiềm năng tiến lên một đô thị du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới, để chỉ có thể phát triển thành một đô thị du lịch hạng 3!
“Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn có thể hy vọng vào việc vẫn chưa nghe tiếng nói cuối cùng của các nhà lãnh đạo đứng đầu tỉnh Lâm Đồng (Tỉnh Ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh).
Việc phát triển sao cho không mâu thuẫn với bảo tồn trong một đô thị di sản tầm quốc gia, có thể không còn là vấn đề của Đà Lạt nữa, mà là vấn đề quốc gia, trong bối cảnh ngày càng nhiều đô thị có giá trị di sản thiên nhiên và di sản quy hoạch kiến trúc trên toàn quốc đang bị xóa dần bản sắc, gây thiệt hại lớn đến kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và của cả nước nói chung. Nhưng cơ chế hiện nay vẫn còn cho phép chính quyền địa phương làm điều tổn hại đến di sản quốc gia do tầm nhìn ngắn hạn về phát triển.
Do đó, chúng tôi rất mong được lắng nghe ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này!”, KTS. Ngô Viết Nam Sơn bày tỏ.
TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn tiếp tục lên tiếng về quy hoạch trung tâm Đà Lạt trên mạng xã hội. Ảnh: N.Đ.T
Một động thái khác cũng vừa bắt đầu trên mạng xã hội: một Thư kiến nghị soạn ngày 4.4.2019 đã phổ biến rộng rãi để lấy ý kiến dư luận gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Ông Phan Xuân Dũng (Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội) đề nghị xem xét lại tính pháp lý, quy trình thực hiện đồ án quy hoạch chi tiết trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt.
Theo tìm hiểu của Người Đô Thị, đây là động thái tiếp nối từ hiệu ứng của kiến nghị ngày 19.3, đồng thời bày tỏ quan điểm không đồng tình với ý kiến của UBND tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt trong bản tin “Quy hoạch trung tâm Đà Lạt: Dân phản đối, tỉnh vẫn làm”.
Nhóm thực hiện Thư kiến nghị hầu hết là các kiến trúc sư có kinh nghiệm thực tiễn ở Đà Lạt; giảng viên khoa kiến trúc, lịch sử đô thị; sinh viên chuyên ngành kiến trúc - quy hoạch... Chỉ vài giờ sau khi công bố, nhóm thực hiện đã nhận được rất nhiều phản hồi đồng thuận tham gia kiến nghị.
Tại Thư kiến nghị này, nhóm kiến nghị cho biết họ không phản đối việc chỉnh trang, sắp xếp, quy hoạch lại khu vực trung tâm Đà Lạt, nhưng việc làm hiện nay của chính quyền tỉnh Lâm Đồng và của đơn vị tư vấn thiết kế đang không phù hợp với vị thế đặc biệt của thành phố trong lịch sử đô thị Việt Nam, có nguy cơ xóa bỏ các giá trị vô giá về môi trường và di sản văn hóa của địa phương.
Vì vậy, nhóm kiến nghị đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẩn cấp yêu cầu chính quyền tỉnh Lâm Đồng xem xét lại tính pháp lý, quy trình của đồ án, xem xét việc tổ chức không gian sử dụng đất trong đồ án có phù hợp với tính đặc thù của Đà Lạt không; Đề nghị Đồ án quy hoạch chi tiết này cần phải được xem xét với sự tham gia, kiểm tra giám sát và phản biện chặt chẽ của cơ quan Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam...
Cùng với đề nghị trên, nhóm kiến nghị đưa ra các điểm mấu chốt yêu cầu xem xét, trong đó có một số vấn đề sau:
Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu trung tâm Hoà Bình có biểu hiện không tuân thủ Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12.4.2014. Cụ thể là các quy định về tầng cao, bảo tồn cảnh quan lịch sử, tầm nhìn về hướng Lang Biang và bảo tồn cảnh quan rừng trong đô thị...
Đồ án làm gia tăng áp lực dân số (dù đồ án có đưa ra hệ số chiếm đất có vẻ phù hợp, song hệ số sử dụng đất quá cao, các công trình mới có diện tích sàn xây dựng quá lớn) và áp lực giao thông trong khu vực, gây quá tải hạ tầng đô thị. Không đảm bảo các tiêu chuẩn về diện tích đất công trình công cộng và đất cây xanh của đô thị theo Quy chuẩn Việt Nam. Nguyên nhân chính là do trong giải pháp quy hoạch, đã chuyển đổi mục đích sử dụng các khu đất công cộng và đất cây xanh thành đất thương mại, dịch vụ và đất ở.
Về kiến trúc, có 3 quyết định ảnh hưởng rất lớn đến di sản:
Công trình Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt có giá trị lịch sử, được xây dựng từ năm 1910, là nơi diễn ra cuộc biểu tình giành chính quyền trong Cách Mạng Tháng Tám, là trụ sở của Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên. Bản quy hoạch chi tiết đưa ra giải pháp di dời Dinh tỉnh trưởng mà không cung cấp thông tin cho dư luận thấy đã có đánh giá công trình, phạm vi bảo vệ... là vi phạm Luật Di sản.
Khu vực rạp Hoà Bình trước đây là chợ cũ được kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Pineau thiết kế, xây dựng từ năm 1933 với tỷ lệ rất đẹp xong trong quá trình phát triển, quản lý đô thị đã bị buông lỏng mà kiến trúc của rạp bị biến dạng. Nay việc đề xuất phương án kiến trúc mới hoàn toàn xa lạ, không có nét đặc sắc, có thể làm mất đi thế mạnh thương mại nông sản và sức hút du lịch của thành phố...
Khu nhà phố (shop-house) quanh chợ Đà Lạt là nét đặc sắc từ thời kỳ đầu thành lập Đà Lạt, đây là dấu ấn của người Việt khi đấu tranh đòi vị trí tại trung tâm thành phố và được Pháp nhượng bộ, bố trí gắn chặt chẽ trong quy hoạch trung tâm. Bản quy hoạch chi tiết đưa ra lập luận “chỉnh trang đô thị” song thực chất giải tỏa trắng các khu di sản này. Mức độ đền bù, giải phóng mặt bằng quá lớn, gây xáo trộn cho người dân, dân không được hưởng lợi từ đề xuất này...
Người Đô Thị đang tiếp tục ghi nhận ý kiến từ các cơ quan chức năng, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt để có thông tin đa chiều về diễn tiến mới nhất liên quan đến đồ án quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình.
Song Nguyên
Theo bản tin “Quy hoạch trung tâm Đà Lạt: Dân phản đối, tỉnh vẫn làm” trên Tuổi Trẻ ngày 6.4.2019: UBND tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt vẫn giữ quan điểm sẽ triển khai đồ án quy hoạch “Khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt” mà UBND tỉnh Lâm Đồng công bố vào giữa tháng 3.2019.
Quan điểm trên được thể hiện tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức ngày 5.4.
Ông Lê Quang Trung, giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, trao đổi tại cuộc họp: "Tất cả những du khách đến khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt đều nhìn nhận khu Hòa Bình quá nhếch nhác, lộn xộn. Trên tinh thần sắp xếp lại, chúng tôi quy hoạch lại khu trung tâm Hòa Bình".
Trả lời về việc khối tích các công trình quá lớn sẽ khiến bêtông hóa khu vực trung tâm Đà Lạt, ông Trung nói: "Sau khi quy hoạch, chúng tôi tính toán tổng diện tích tháo dỡ 14.000m2, nhưng diện tích xây dựng lại chỉ chiếm 7.000m2. Như vậy, diện tích công trình mới xây dựng ít hơn".
Phóng viên nêu câu hỏi: "Người dân lo chủ đầu tư sẽ tập trung triển khai các công trình thương mại tại rạp hát Hòa Bình và khu Dinh tỉnh trưởng là hai khu đất công được xem là "đất kim cương" mà bỏ qua việc quan trọng nhất của quy hoạch lần này là chỉnh trang đô thị. Nhiều ý kiến thắc mắc chủ đầu tư sẽ xây trung tâm thương mại trước hay giải tỏa chỉnh trang khu Hòa Bình trước?".
Ông Trung trả lời: "Không cần xác định xây công trình trước hay giải tỏa, chỉnh trang trước. Chúng tôi sẽ mời nhà đầu tư vào theo từng dự án, từng gói thầu. Tính toán làm sao có lợi cho tỉnh, có lợi cho nhà đầu tư".
Đa số người dân phản đối đồ án quy hoạch khu Hòa Bình, trong đó đồ án khi công bố và đồ án được triển lãm lấy ý kiến gần như không khác biệt, chứng tỏ không có sự ghi nhận góp ý của dân.
Trả lời về trách nhiệm của UBND TP Đà Lạt trong việc lấy ý kiến góp ý của người dân, ông Tôn Thiện San, chủ tịch UBND TP Đà Lạt, nói: "Chúng tôi công khai đồ án để lấy ý kiến ở khu Hòa Bình, bây giờ vẫn đang tiếp tục ghi nhận ý kiến. Chúng tôi đã thành lập một tổ để lắng nghe, ghi nhận ý kiến của người dân. Người dân nào chưa thông về quy hoạch thì chúng tôi giải thích cho thông".
Việc một công ty cổ phần đầu tư địa ốc tài trợ để thực hiện đồ án quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt có đi kèm lợi ích? Ông Lê Quang Trung cho biết: "Đơn vị tài trợ chi phí quy hoạch bằng tình yêu Đà Lạt. Khi tỉnh quy hoạch khu vực trung tâm, họ nhận thấy mình cần đóng góp cho sự phát triển nên đã tài trợ theo đúng luật định. Còn các dự án về sau đều sẽ được đấu thầu công khai theo đúng luật".
Theo ông Lê Quang Trung, quy hoạch khu Hòa Bình đã đến đích, phải triển khai để trung tâm Đà Lạt có diện mạo mới. "Không có chuyện dừng lại quy hoạch này, nhưng chúng tôi phải tính toán kiến trúc của khu vực cho phù hợp"- ông Trung nói.
Còn ông Phùng Khắc Đồng, người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng quy hoạch chỉnh trang khu trung tâm Hòa Bình là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng phải quyết tâm thực hiện.
Theo quy hoạch vừa mới công bố, Dinh tỉnh trưởng sẽ được di dời để xây dựng trung tâm thương mại - khách sạn với 10 tầng. Đây được xác định là công trình điểm nhấn, có tầng cao vượt các công trình khác trong khu vực. Thay cho rạp Hòa Bình sau khi dỡ bỏ là Trung tâm thương mại Hòa Bình. Theo đơn vị thiết kế đồ án quy hoạch, đây là khu phức hợp mang tính giải trí, có 5 tầng nổi. Công năng của rạp hát sẽ được xây dựng trong công trình ngầm…
Mai Vinh