Buýt nhanh “đội giá tỷ đồng/chiếc”: Ban quản lý dự án chính thức lên tiếng

 15:48 | Thứ tư, 08/03/2017  0

Ảnh minh họa.

Vì sao huỷ thầu lần đầu?

Ngày 8/3, ông Phạm Hoàng Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết vừa có văn bản báo cáo lên UBND TP xung quanh thông tin báo chí nêu về gói thầu dự án xe buýt nhanh BRT vừa qua.

Cụ thể, trong các ngày từ 3 đến 6.3.2017, báo Nhân dân có đăng tải một số bài viết trong đó có đề cập, nhận xét và cung cấp nhiều số liệu, thông tin liên quan đến việc đấu thầu xe buýt cho tuyến buýt nhanh Yên Nghĩa - Kim Mã bị đội giá cả tỷ đồng/chiếc.

Về vấn đề, ông Phạm Hoàng Tuấn cho biết: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội là đơn vị mới nhận bàn giao nhiệm vụ chủ đầu tư từ phía Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.

Theo ông Tuấn, hợp phần xe buýt nhanh (BRT) nằm trong dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội được phê duyệt từ  năm 2007, sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới. Dự án cũng đã được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán toàn diện các hợp phần theo đề nghị của chủ đầu tư.

Tổng giá trị thực hiện đến thời điểm kết thúc dự án BRT là vào khoảng 35 triệu USD thấp hơn so với giá trị trong tổng mức đầu tư được duyệt là 53,6 triệu USD.

Lý giải vì sao phải có tới 2 lần đấu thầu gói đoàn xe BRT, ông Phạm Hoàng Tuấn cho biết: Gói thầu đoàn xe được tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi trong năm 2014 theo đúng các quy định của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới.

Kết quả đấu thầu đã được Sở Giao thông vận tải (chủ đầu tư) phê duyệt tại Quyết định số 1367/QĐ-SGTVT ngày 20.10.2014 với giá trúng thầu là 11.656.061 USD (trong đó đã bao gồm chi phí vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ; chi phí kiểm tra xe và thuế); Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Openasia Equipment Limited – Volvo Bus.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, do việc thương thảo, đàm phán hợp đồng với nhà thầu liên danh này không thành công nên Sở Giao thông Vận tải sau đó đã huỷ đấu thầu vào ngày 18.3.2015.

Lý do cơ bản của việc đàm phán, thương thảo hợp đồng không thành công là do nhà thầu đã đưa ra các điều kiện làm thay đổi các điều kiện chung đã quy định trong hồ sơ mời thầu và không chấp nhận yêu cầu của bên mời thầu về điều khoản tạm ứng, thanh toán hợp đồng, đồng thời không chấp nhận thực hiện gia hạn hiệu lực của HSDT cũng như gia hạn bảo lãnh dự thầu tương ứng theo yêu cầu của bên mời thầu.

Sau khi hủy thầu với Volvo Bus, Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (cũ) thuộc Sở Giao thông vận tải đã triển khai công tác đấu thầu lại với giá trị trúng thầu là 176,29 tỷ đồng (tương đương 7,9 triệu USD).

Số tiền này đã bao gồm chi phí vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ; chi phí kiểm tra xe và thuế. Nhà thầu trúng thầu là Liên danh công ty cổ phần Thiên Thành An và Công ty cổ phần ô tô Trường Hải.

Ông Phạm Hoàng Tuấn khẳng định: Thời gian giữa lần đấu thầu thứ nhất và thứ 2 cách nhau khoảng 8 tháng, không phải 1 tháng như báo chí đã nêu.

Liên quan đến thông tin báo chí nêu về giá trị gói thầu phê duyệt điều chỉnh là 12.349.855 USD, thực chất theo ông Tuấn: đây là giá trị dự toán (không phải giá trúng thầu) đã được cập nhật bổ sung thêm các chi phí trong nước cho các loại thuế, phí và lệ phí cũng như chi phí dự phòng theo quy định và một số khoản chi phí trong dự toán này sẽ không tính trong giá gói thầu để xét thầu.

Giá 5,03 tỷ/xe - có đắt?

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết, thực tế giá xe buýt BRT do nhà thầu Trường Hải cung cấp theo quyết định phê duyệt trúng thầu khoảng 5,03 tỷ/xe (trong đó giá xe đã bao gồm thuế là 4,91 tỷ/xe, còn lại là các chi phí vận hành, đào tạo lái xe và nộp thuế VAT...).

Xe buýt BRT có thiết kế riêng với sàn xe cao và cửa mở bên trái (khác xe buýt thông thường) với sức chứa 90 hành khách và có hệ thống đóng mở cửa tự động khi tiếp cận cửa nhà chờ.

Ngoài ra, xe buýt BRT được thiết kế với các đặc tính, thông số kỹ thuật cao như: động cơ Hino của Nhật Bản; hộp số tự động 6 cấp của Cộng hòa Liên Bang Đức; hệ thống treo khí nén, kết hợp với hệ thống điều khiển nâng hạ sàn tự động của Cộng hòa Liên Bang Đức; hệ thống điều khiển bậc tự động tiếp cận thuận lợi với bậc nhà chờ; chế độ bảo hành kéo dài hơn và xe được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cho việc vận hành đoàn xe BRT được thuận lợi, sau khi thống nhất với Ngân hàng Thế giới và được UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận cho phép bổ sung thêm các hạng mục vào gói thầu đoàn xe, bao gồm:

Hệ thống dây cáp tín hiệu và tủ rack, thiết bị lắp đặt trên xe đảm bảo vận hành cho xe BRT; hệ thống đóng, mở cửa tự động giữa nhà chờ và trên xe (hệ thống này được lắp trên nhà chờ)...với kinh phí khoảng 17,7 tỷ đồng.

Các hạng mục bổ sung này đã được Sở Giao thông vận tải phê duyệt thiết kế, dự toán và được triển khai lắp đặt trên xe và tại các nhà chờ đảm bảo đưa xe BRT vào vận hành đồng bộ, hiện tại toàn bộ gói thầu đoàn xe chưa được quyết toán.

Trước đó, báo chí có đề cập đến việc tổng giá trị đoàn 35 xe của Liên danh Công ty Thiên Thành An và Công ty Trường Hải (THACO) cung cấp cho Hà Nội vào khoảng 5,543 tỷ đồng/xe. Trong khi giá xe 47 chỗ ngồi tiện nghi đầy đủ nhất hiện nay của THACO chào bán là 3,360 tỷ đồng (đã bao gồm VAT) với dòng xe THACO UNIVERSE.

Cũng theo phản ánh, giá xe có cùng chiều dài và công suất máy bán ngoài thị trường, với nội thất và đầy đủ tiện nghi nhất, do thế, là thấp hơn giá xe buýt BRT mà Hà Nội mua tới cả tỷ đồng mỗi chiếc. Để đầy đủ điều kiện lăn bánh khai thác… mỗi chiếc xe cỡ này cần thêm khoảng 120 đến 160 triệu đồng cho các chi phí thủ tục đăng ký, bảo hiểm, cấp biển...

N.Mạnh (Theo BizLive)

» Chuyên gia giao thông: 'Buýt nhanh không nhanh vì cách làm nửa vời'

» 'Chẳng có nước nào buýt nhanh chạy cùng xe máy'

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.