Trong những năm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam, cặp đôi Lê Uyên-Phương với những ca khúc nồng nàn, khắc khoải, đầy sự đớn đau nhưng không hề buồn chán đã được giới trẻ thời đó và mãi đến bây giờ yêu thương nồng nhiệt. Sau khi nhạc sĩ Lê Uyên Phương qua đời vào năm 1999 tại Mỹ, Lê Uyên vẫn tiếp tục đi hát khắp nơi. Sau vài lần về Việt Nam tham gia các chương trình ca nhạc và diễn tại phòng trà, lúc 20g đêm 8.11, Lê Uyên sẽ lần đầu xuất hiện trên một chương trình truyền hình trực tiếp của sóng VTV9 và tiếp sóng tại nhiều đài địa phương như VTV Huế, Đài PTTH Đà Nẵng, Lâm Đồng, Bình Phước. Dạ khúc cho tình nhân- đêm nhạc nằm trong chuỗi chương trình Sol Vàng do VTV9 và Jet Studio, với sự đồng hành của Khơ Thị sẽ mang những giai điệu vượt thời gian của nhạc sĩ tài hoa Lê Uyên Phương đến với khán giả qua giọng hát của người bạn đời, tri kỷ âm nhạc của anh-ca sĩ Lê Uyên.
Đêm Dạ khúc cho tình nhân diễn ra tại Nhà hát Hoà Bình do Đinh Anh Dũng tổng đạo diễn, Nguyễn Quang biên tập âm nhạc sẽ chia làm ba chương: Tình khúc cho em, Xin còn gọi tên nhau và Dạ khúc cho tình nhân. Và một phần hát giao lưu ngoài sóng trực tiếp truyền hình mang tên Nghìn trùng xa cách. Lê Uyên sẽ thể hiện lại những bài hát đã làm nên cặp song ca Lê Uyên - Phương không thể nào quên trong lòng khán giả như Tình khúc cho em, Bài ca hạnh ngộ, Đá xanh, Uống nước bên bờ suối, Cho lần cuối, Buồn đến bao giờ, Vũng lầy của chúng ta, Một ngày vui mùa đông... Lê Uyên cũng sẽ có một không gian âm nhạc cho riêng mình với các ca khúc của những nhạc sĩ Phạm Duy, Lam Phương, Trịnh Công Sơn. Các ca sĩ khách mời tham gia chương trình gồm có Quang Dũng, Quang Thành và nhóm Năm Dòng Kẻ.
Lê Uyên-Phương. Ảnh tư liệu
Trước khi trình diễn trên sân khấu Sài Gòn, Lê Uyên đã có chuyến trở về Đà Lạt thăm nhà sau 39 năm xa cách. Lê Uyên đã tìm về căn nhà cũ của chị ở số 18 và nhà 22 của Lê Uyên Phương trên đường Võ Tánh (nay là đường Bùi Thị Xuân). Chị cũng không quên đến nhà ga xe lửa, nơi chứng kiến những lần hai người gặp gỡ và chia tay, nơi ra đời ca khúc Một ngày vui mùa đông. Chị thăm lại trường đại học Đà Lạt, nơi Lê Uyên-Phương đã có buổi trình diễn đầu tiên trước khoảng 500 sinh viên và chị đã tìm về café Tùng - chốn hẹn hò đầu tiên của hai người…
Ca sĩ Lê Uyên đã có những ngày trở về quá khứ tại Đà Lạt. Ảnh: DL Duy
Ca sĩ Lê Uyên đã có cuộc trò chuyện ngắn với Người Đô Thị trước đêm diễn 8.11.
Trở về Việt Nam một mình mà không có anh Phương, cảm giác của chị như thế nào?
Sau khi anh mất, tôi mới cảm thấy mình là một con người trưởng thành. Trước đó, mọi thứ với tôi đều tốt đẹp, tôi vô tư, không phải lo nghĩ gì. Thế rồi mọi chuyện thay đổi hoàn toàn. Tôi bắt đầu suy nghĩ từ đây mình phải sống ra sao đây. Tôi cảm thấy không còn điều gì quan trọng trên đời, không còn có nhu cầu gì hết. Miễn cố gắng sống làm sao cho lòng vui vẻ để đi hát. Mà chắc anh ấy phù hộ nhiều nên khi anh ấy mất, tôi được mời đi hát nhiều hơn, đi Âu châu, đi Nhật…, đi đến đâu người ta cũng đón nhận và yêu thương. Khi anh còn sống, tôi thấy cuộc đời màu hồng. Khi ảnh mất rồi, cuộc đời tôi chuyển sang màu tím. Trước đây, các ca khúc Lê Uyên-Phương hát đều gắn với sự chia ly, nhưng cảm giác rất thoải mái vì mình có chia ly đâu. Bây giờ, tôi đang là nạn nhân của sự chia ly, tôi chỉ còn có một mình nên giọng hát có thể trưởng thành hơn nhưng cũng đớn đau hơn.
Đã mười lăm năm sau cái chết của chồng, chị đã tìm được sự cân bằng khi chấp nhận sự thiếu vắng người bạn đời, người tri kỷ âm nhạc của mình chưa?
Cho đến bây giờ tôi vẫn không cân bằng. Tôi luôn cảm thấy lao đao, chênh vênh mỗi khi hát những bài của ảnh. Mà chắc sẽ không bao giờ có được sự cân bằng đó đâu… Tôi vẫn còn đau lắm, nhất là khi ở trên sân khấu. Có những lúc, tôi phải ngưng hát nửa chừng vì khóc, thường xuyên nhất là khi hát Dạ khúc cho tình nhân, “cùng rót bao nhiêu ngày hoang/cùng đếm bao nhiêu mộng tàn…” Nhiều người hỏi tôi phải làm sao nếu mà xúc động quá không hát được, tôi bảo tôi không làm gì cả, tôi không cố đè nén cảm xúc của mình. Tôi sợ phải khóc lắm nhưng lúc đó không kiềm được, may mắn là khán giả đồng cảm với mình, xúc động với mình nên họ chấp nhận.
Nhiều ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam ở hải ngoại đã về nước hát trong nhiều năm gần đây, nhưng có liveshow trên sóng truyền hình trực tiếp thì không nhiều. Chắc chắn sẽ có rất nhiều người yêu mến chị, không có điều kiện đến nhà hát để xem, sẽ đợi chị ở sóng truyền hình. Cảm giác của chị như thế nào?
Tôi đang rất hồi hộp. Đây là dịp tôi làm được điều ấp ủ bao nhiêu năm nay. Khi anh Phương mất, anh ấy mong tôi đi đến những nơi có người Việt sinh sống để tiếp tục chia sẻ những ca khúc của anh với mọi người. Sol Vàng đã giúp tôi thực hiện ước mơ của mình. Tôi chỉ có một chút lo lắng sợ mình không làm tốt vì xúc cảm lấn át. Tuy vậy, tôi sẽ cố gắng hết sức để thể hiện đúng tinh thần âm nhạc của Lê Uyên Phương, đó là chia sẻ tâm trạng bất an của một thế hệ thanh niên thời đó trước một tương lai vô định; có thái độ chấp nhận định mệnh và mọi đau khổ vì không bao giờ có được mọi điều hoàn hảo theo ý mình muốn, đề cao sự hết lòng với nhau trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Lê Uyên sẽ cống hiến để khán giả chấp nhận, dù Lê Uyên chỉ còn một mình.
Cuộc sống của chị bây giờ ở Mỹ như thế nào?
Hai con của tôi đã có gia đình, tôi đã có cháu ngoại 21 tuổi. Tôi sống một mình ở một căn nhà có năm cây thông Đà Lạt tại California. Tôi mua ngôi nhà này vào năm 2011 như một duyên số, sau đó xây một căn nhà gỗ trên hồ nước, nuôi tám con chó, 300 con cá coi, vài con chim và những bông hoa quỳnh. Trong nhà có tro cốt của anh Phương, một trà thất nhỏ có hình anh với cây đàn guitar, một bàn nhỏ ngày nào cũng pha trà cho ảnh. Sống trong căn nhà này, tôi cảm giác y như anh Phương vẫn đang ở đâu đây, y như anh đi Đà Lạt chơi vài ngày rồi lại về.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
TRÂM ANH (thực hiện)