BĐKH và nguồn thức ăn của con người – các lựa chọn dần khép lại:

Cách chúng ta ăn có đang vắt kiệt năng lượng quả đất?

 07:30 | Thứ ba, 28/09/2021  0
Mỗi ngày có 7,2 tỷ người trên hành tinh cùng tiêu thụ thực phẩm giống như bạn. Tương tự như vậy đến năm 2050, ít nhất có thêm hai tỷ người nữa sẽ cùng tham gia.

Tại sao chúng ta cần thay đổi hệ thống thực phẩm?

Theo Báo cáo của UN Environment Programme (UNEP), vấn đề đầu tiên đến từ việc tiếp nhận lương thực. Cứ ba người thì có một người bị suy dinh dưỡng, 794 triệu người bị đói và 2 tỷ người không được tiếp cận đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển. Mặt khác, 1,9 tỷ người ăn quá nhiều và 600 triệu người trong số đó người béo phì, do đó nhiều người mắc các bệnh như tiểu đường loại hai.

Hạn chế thứ hai là thức ăn của chúng ta quá nhiều muối, đường, chất béo và thịt. Chế độ ăn này có tác động đến sức khỏe và môi trường, chẳng hạn nó có thể dẫn đến gia tăng các bệnh tim mạch và phát thải khí nhà kính cao hơn.

Trên thực tế, hiện nay số người thừa cân và béo phì nhiều gấp 2,5 lần số người bị suy dinh dưỡng trên hành tinh. Ngoài ra, thực phẩm của chúng ta đang kém đa dạng. Hơn 73% nguồn thực phẩm hiện nay chỉ đến từ 12 loại thực vật (bao gồm ngô, gạo, lúa mì...) và từ năm loài động vật (bao gồm: bò, gà, lợn...).  

Nạn thừa cân béo phì vẫn tăng theo hàng năm mặc cho chính phủ thi hành nhiều biện pháp từ niêm yết thông tin sản phẩm, khuyến cáo, cho tới tăng thuế tiêu thụ với các mặt hàng thực phẩm chứa đường. Ảnh: Đại đoàn kết


Hạn chế thứ ba, 1/3 lương thực chúng ta sản xuất ra bị lãng phí hàng năm, dẫn đến áp lực lên tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường.

Sự lãng phí xảy ra ở tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm và chuỗi giá trị. Ở các nước thu nhập thấp, hầu hết hao hụt xảy ra trong quá trình sản xuất, trong khi ở các nước phát triển, lượng lớn thức ăn - khoảng 100 kilôgam trên người mỗi năm - bị lãng phí ở khâu tiêu dùng.

Thất thoát lương thực thể hiện sự lãng phí các nguồn tài nguyên được sử dụng trong sản xuất như đất, nước, năng lượng và các yếu tố đầu vào, làm tăng lượng khí thải xanh một cách vô ích. Ảnh: Food and Agriculture Organization of the United Nations - FAO


Hạn chế thứ tư từ thực trạng nguồn nước ngọt đang cạn kiệt, nguồn nước hiện có bị ô nhiễm, 33% đất bị suy thoái. Đa dạng sinh học đang bị đe dọa với việc biến mất của những khu rừng nhiệt đới và nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng như ong. Những vấn đề này ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu.

Hãy nhìn lại sơ bộ "dấu chân" cacbon mà quá trình sản xuất thực phẩm công nghiệp để lại:

Tỉ lệ đóng góp lượng khí thải nhà kính đến từ ngành công nghiệp thực phẩm.


Năng lượng tiêu thụ: động vật trang trại tiêu thụ hơn 700% lượng ngũ cốc so với lượng ngũ cốc mà toàn bộ dân số Hoa Kỳ sử dụng

Theo báo cáo của Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, ở Hoa Kỳ, động vật trang trại tiêu thụ hơn 700% lượng ngũ cốc so với lượng ngũ cốc mà toàn bộ dân số Hoa Kỳ.

Nguồn thực phẩm đó đến từ đâu? Bạn có nhớ Amazon và đất rừng nhiệt đới khác bị san bằng để sản xuất thịt không? Mặc dù một phần trong số đó được sử dụng để chăn thả, nhưng phần lớn lượng đất rừng trước đây phải nhường chỗ cho các loại cây làm thức ăn chăn nuôi.

Việc chuyển đổi đất rừng để lấy đất bằng cách phá rừng đã khiến một lượng lớn khí nhà kính được tống vào bầu khí quyển.

Nông dân phá một khu rừng Amazon để lấy đất canh tác, gần Porto Velho, Brazil, ngày 29.8.2019. Ảnh:Reuters/Ricardo Moraes


Ông Stéphane Hallaire, chủ tịch và người sáng lập Hiệp hội trồng rừng Reforets'Action, nhận định: “Tại sao lại có nạn phá rừng? Cụ thể như rừng Amazon ở Brazil, Peru... Bởi vì người ta đốn hạ cây cối làm đất làm nông nghiệp, chăn nuôi gia súc để bán sản phẩm khắp thế giới. Ứng xử có trách nhiệm trước tiên của người muốn bảo vệ môi sinh là cần chú ý đến món ăn chúng ta tiêu thụ, bảo đảm chúng không do việc phá rừng mà ra”.

Một quy trình phá rừng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.


Chế độ ăn nhiều động vật của chúng ta cũng là một nguyên nhân chính góp phần làm suy thoái nước - tác động đến quần thể cá và làm ô nhiễm nguồn nước toàn cầu. Đó là một hệ thống cực kỳ khát nước, với hàng trăm gallon nước cần để tạo ra một pound thịt gà hoặc một ly sữa, và hàng chục gallon nước cần thiết để tạo ra một quả trứng.

“Cần tới hai nghìn gallon nước cho mỗi pound thịt bò được sản xuất trong hệ thống công nghiệp. Đó là rất nhiều nước, và có nhiều bằng chứng cho thấy Trái đất không thể đáp ứng kịp nhu cầu” - lời phát biểu của Hoàng tử Charles trong bài phát biểu Tương lai thực phẩm.

Lượng nước cần để sản xuất thực phẩm đến từ động vật và thực vật. Ảnh: Environmental Working Group


Năng lượng xả thải: ngành công nghiệp thịt chịu trách nhiệm cho khoảng 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới

Mặc dù “bò ăn cỏ" chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong toàn bộ ngành chăn nuôi, chúng cũng góp phần đáng kể vào việc phát thải khí nhà kính.

Bò là động vật rất ưa khí và đặc biệt khi chúng ăn cỏ, quá trình tiêu hóa của chúng thải ra một lượng lớn khí metan - một loại khí nhà kính mạnh gấp 30 lần so với thậm chí cả khí cacbonic. Động vật trang trại tạo ra nguồn khí metan đáng kể nhất trong số các hoạt động con người tạo ra, và là nguyên nhân gây ra 40% tổng lượng khí thải metan trên toàn thế giới.

Đây là lý do tại sao việc “ăn thịt động vật ăn cỏ sử dụng nhiều khí nhà kính nhiều hơn chứ không phải ít hơn như nhiều người lầm tưởng” - Tiến sĩ Gidon Eshel, nhà khí hậu học tại Trung tâm Chính sách môi trường của Đại học Bard College, cho biết.

“Bạn có biết rằng ngành công nghiệp thịt chịu trách nhiệm cho khoảng 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới không? Trên thực tế, để sản xuất một calo thịt cần gần 20 lần năng lượng như một calo thực vật! Với mức tiêu thụ thịt toàn cầu tăng gấp ba lần trong bốn thập kỷ qua, ngành công nghiệp thịt hiện thải ra hơn 36 tỷ tấn khí nhà kính hàng năm và không có dấu hiệu chậm lại. Nếu chúng ta muốn tạo ra một vết lõm thực sự trong lượng khí thải carbon của thế giới và giảm dấu vết cá nhân của chúng ta, chúng ta cần ăn ít thịt hơn hiện tại” - Earth Day Network đưa tin.

Biểu đồ lượng khí thải CO2 đến từ nguồn thực phẩm động vật và thực vật. Nguồn: Environmental Working Group


Những xu hướng mới cho ngành công nghiệp thực phẩm với nỗ lực cải thiện tình hình trước khi quá muộn

Những hạn chế như vậy cho thấy rõ ràng rằng hệ thống lương thực của chúng ta phải được chuyển đổi. Mỗi bước của hệ thống sản xuất chế biến thực phẩm, tiêu thụ, phân phối cần được điều chỉnh để đảm bảo nguồn thực phẩm lành mạnh hơn cho dân số ngày càng tăng, đồng thời giảm tác động đến môi trường. Nhưng trên hết, cần phải tập hợp tất cả các bên liên quan lại với nhau, các cơ quan y tế, nhà sản xuất, người tiêu dùng, người kinh doanh để phá bỏ tư duy một chiều, xem xét tất cả các quan điểm và cùng nhau, xác định các hành động cần thiết để sản xuất và tiêu thụ thực phẩm khác đi.

Đối mặt với tính bất ổn trong tương lai và tính dễ bị tổn thương của khí hậu ngày càng gia tăng, công nghệ được phát triển với khả năng tạo ra các cơ hội canh tác mới trong các môi trường trong nhà, canh tác trong nhà kho. Cách thức sản xuất lương thực phải được thay đổi để phù hợp với cuộc sống đô thị mật độ cao và duy trì an ninh lương thực.

Các chuỗi cung ứng thực phẩm ngắn có rất ít khâu trung gian, thúc đẩy kinh tế nông thôn, tạo ra những cách thức mới để bán các sản phẩm địa phương và thu hút nhiều loại khách hàng mới. Đây là điều rất cần thiết khi đối mặt với dân số toàn cầu đang gia tăng.

Bất chấp những khác biệt không thể tránh khỏi về quy mô và văn hóa kinh doanh - một công ty khởi nghiệp Isarel làm việc với nhà cung cấp hàng đầu của Pháp cho ngành cung cấp dịch vụ ăn uống độc lập - hai tổ chức này bổ sung cho nhau một cách ấn tượng. Infarm trồng sản phẩm ngay bên trong cửa hàng Metro với một nhóm làm việc toàn thời gian gồm hai người.

Quang cảnh bên ngoài của trang trại trong nhà Infarm trong cửa hàng Nanterre của Metro © Maja Bialon.


Những người này giao các loại thực phẩm họ trồng được cho bộ phận quản lý Metro chỉ cách đó vài mét, đảm bảo nguồn cung cấp siêu tươi tại địa phương. Sản lượng thu hoạch cao tới 600-700 cây mỗi ngày, tương đương 4 tấn và 40% lượng nông sản được bán trong cửa hàng. Tác động môi trường của sáng kiến ​​này thấp hơn đáng kể so với canh tác thông thường.

*

*          *

Con người có thể thay đổi để giảm phát thải khí nhà kính và giảm mức tiêu thụ quá mức, đặt câu hỏi về thực phẩm mà nền công nghiệp đang sản xuất hoặc ăn một chế độ ăn uống cân bằng hơn.

Theo Quỹ Phòng vệ Môi trường, nếu mỗi người Mỹ thay thế thịt gà bằng thực phẩm có nguồn gốc thực vật chỉ một bữa ăn mỗi tuần, thì mức tiết kiệm carbon dioxide sẽ tương đương với việc giảm hơn nửa triệu chiếc ô tô trên đường phố.

Và đó chỉ là thịt gà - và chỉ là carbon dioxide.

“Cố định đĩa thức ăn của bạn với một lượng lớn protein động vật là chuyện của thế kỷ trước” - Wall Street Journal nhận định.

Quyền lực nằm trên đĩa của chúng ta - hãy sử dụng nó!

Phương Linh

___________

Tài liệu tham khảo:

1. Why do we need to change our food system - UN Environment Programme (UNEP)

2. Food Is the Solution: What to Eat to Save the World - Matthew Prescott, Macmillan Publishers

3. Bảo vệ môi sinh : Trồng rừng mới không phải là ‘‘phép mầu’’ - Đài phát thanh quốc tế Pháp RFI

4. The Future Of Food: Ten Trends In Food Sustainability - Future Food Network

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.