Cẩm Ly viêm xoang: tiếng buồn muôn thuở

 09:31 | Chủ nhật, 11/12/2016  0
Chia sẻ với báo chí mới đây, Cẩm Ly cho biết hơn nửa năm nay cô không nhận lời đi hát để tập trung chữa bệnh viêm xoang. Nhiều khán giả yêu mến tiếng hát Cẩm Ly nghe tin này đã mách cô nhiều bài thuốc dân gian, nơi điều trị có cam kết chữa khỏi bệnh. Cũng có không ít ý kiến an ủi Cẩm Ly nên học cách “sống chung với viêm xoang” vì bệnh này tái phát dai dẳng. Lý lẽ nào đáng tin cậy?

Viêm xoang rất hay gặp

Cẩm Ly cho biết bị viêm xoang ở mức độ viêm đa xoang, khiến giọng nói hay bị nghẹt, khản đặc, nói chuyện khó khăn, toàn giọng mũi, mặc dù thanh quản vẫn rất tốt. “Tôi không bị đau đầu nhiều như những người mắc bệnh xoang khác nhưng nhiều khi đang trang điểm, đánh phấn vào vùng trên mũi, giữa hai mắt làm bị đau, nước mắt chảy liên tục”, Cẩm Ly nói.

Cô ca sĩ có biệt danh “Chị Tư” chia sẻ bị bệnh đã hơn một năm, đi đến năm, sáu bác sĩ để chữa nhưng chưa khỏi. Với tình trạng sức khỏe hiện tại, Cẩm Ly khó lòng hát được chương trình dài nên cô chỉ nhận lời làm giám khảo một số cuộc thi, “Lâu rồi tôi chưa tổ chức tiếp đêm nhạc Tự tình quê hương. Tôi rất muốn làm nhưng do bệnh nên giọng có thay đổi. Tôi hy vọng khán giả thông cảm cho mình. Tôi đang tích cực chữa trị, mong khỏi bệnh sớm!”, Cẩm Ly cho biết.

Cẩm Ly trong một lần hiếm hoi chia sẻ sức khỏe hiện tại không tốt trên sóng truyền hình. Ảnh: Trí Huân

Theo TS-BS. Nguyễn Trọng Minh, Khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, hệ thống xoang gồm: hai xoang hàm, hai xoang trán (đôi khi không có xoang trán), hai xoang bướm và hai dãy xoang sàng (mỗi dãy có 16 - 18 xoang nhỏ), hai dãy xoang này nằm sát sàn sọ và sâu trong hốc mũi. Các xoang đều có lỗ riêng với lớp lót niêm mạc có cấu trúc chung, để đổ vào hốc mũi ở mỗi bên. Viêm xoang là khi bị viêm một hay nhiều xoang (viêm đa xoang) trong hệ thống xoang. “Viêm xoang là bệnh rất hay gặp trong dân chúng, khoảng 40 - 50% và cũng là bệnh rất hay tái phát. Viêm xoang gặp nhiều ở người trẻ và trung niên, đặc biệt những người bị bệnh đường hô hấp, hoặc đang bị những bệnh khác kết hợp, hoặc bị những bệnh gây suy giảm khả năng đề kháng như nhiễm HIV/AIDS, lao, suy nhược cơ thể hoặc những người phải cấy ghép các bộ phận cơ thể...”, BS. Minh nói.

Thủ phạm gây viêm xoang

Theo BS. Minh, viêm xoang chia làm ba loại: viêm xoang cấp tính (thời gian bị dưới 4 tuần), bán cấp (4 - 8 tuần) và viêm xoang mãn tính (trên 8 tuần).

Nguyên nhân gây viêm xoang nhiều nhất là do nhiễm siêu vi, kế đến là nhiễm vi trùng (Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, trong số này thì Haemophilus influenza chiếm đa số), tuy nhiên còn phải kể một số vi trùng khác như Staphylococcus aureus và một số dòng của nhóm Streptococci. Ngoài ra, còn có vi trùng yếm khí và một số loại vi trùng gram âm, viêm xoang do nấm... Các yếu tố tạo thuận lợi cho viêm xoang phát triển: môi trường ô nhiễm; các loại phấn hoa, lông thú bay trong không khí gây viêm mũi dị ứng rồi bội nhiễm viêm xoang; những bất thường trong cấu trúc mũi (vẹo vách ngăn, lỗ thông xoang quá nhỏ, phình cuốn mũi giữa, polyp mũi...), viêm xoang do răng, do bất thường vòi nhĩ...

Triệu chứng để nhận diện viêm xoang là nhức đầu vùng trán, hai bên thái dương hoặc sau gáy (thường gặp nhất), nghẹt mũi, sổ mũi nhày sau dần thì đục và hôi, chảy dịch ra sau họng, đau họng, ho về đêm, đôi khi đau tai, đau mắt, đau răng, sốt... “Vì viêm xoang là tình trạng ứ dịch trong các xoang và bội nhiễm, sau đó các lỗ thông của xoang bị tắc nên điều trị chủ yếu là làm giảm phù nề, mở thông các lỗ tắc. Trong quá trình điều trị, giải thích của thầy thuốc về bệnh và sự thống nhất, hiểu của bệnh nhân về các bước điều trị là yếu tố quan trọng”, BS. Minh nói.

Điều trị phức tạp và kéo dài

BS. Minh cho biết, điều trị viêm xoang chủ yếu là nội khoa, tức dùng thuốc làm giảm các triệu chứng như: giảm nghẹt mũi, chống chảy mũi, hoặc tan đàm bằng đường uống hoặc xịt mũi, kết hợp với một số thủ thuật như hút dịch mũi hoặc rửa mũi bằng nước muối sinh lý, xông mũi... Thời gian điều trị từ 2 - 4 tuần cho một đợt. Thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm chỉ dùng trong trường hợp viêm xoang có bội nhiễm vi trùng hoặc có hiện diện của nấm.

Nếu phải phẫu thuật thì đó là giải pháp sau cùng khi những phương pháp điều trị nội khoa kể trên thất bại. Thông thường các xét nghiệm hình ảnh hỗ trợ (nội soi mũi, chụp CT scan xoang...) rất quan trọng cho việc chỉ định mổ cũng như hướng dẫn trong khi mổ. Khi chọn phẫu thuật, có thể mổ nội soi xoang chức năng (FESS - là kỹ thuật mổ hiện đại, được dùng phổ biến hiện nay trong điều trị viêm mũi xoang vì nhiều ưu điểm như thời gian phẫu thuật ngắn, ít xâm lấn mô lành, ít sưng, ít tai biến, thời gian nằm viện ngắn, thời gian hồi phục nhanh...) hoặc phương pháp mổ xoang kinh điển (Caldwell-Luc - vẫn được sử dụng trong những trường hợp viêm xoang do răng hoặc mổ nội soi mà không lấy hết bệnh tích trong xoang). “Điều trị xoang phức tạp và kéo dài, phải cân nhắc có thật sự cần phải mổ không vì ngay cả khi mổ rồi, dù bằng phương pháp nào chăng nữa cũng không có nghĩa hoàn toàn hết bệnh và không tái phát. Kết quả “hết bệnh” đến đâu phụ thuộc vào chỉ định mổ, phạm vi các xoang, kinh nghiệm thầy thuốc và các hướng dẫn sau mổ được người bệnh thực hiện như thế nào...”, BS. Minh lưu ý.


 Những sai lầm trong điều trị viêm xoang 

 
   

Sai lầm lớn nhất hiện nay là người bệnh tự ý mua thuốc điều trị. Thông thường họ tự mua một vài liều trong hai hoặc ba ngày. Sau thời gian này, có thể những triệu chứng thuyên giảm và người bệnh không dùng thuốc nữa. Như vậy, bệnh sẽ không được điều trị triệt để, qua loa và sẽ làm vi trùng có cơ hội kháng thuốc, lần điều trị sau sẽ dài hơn, tốn kém hơn với những biến chứng có thể nặng hơn.

Một sai lầm khác là điều trị theo kinh nghiệm “gia truyền”: thổi thuốc bột hoặc nhỏ dung dịch vào mũi, một số trường hợp cảm thấy giảm sổ mũi nhưng thực ra các thuốc này bước đầu gây co mạch, có tác dụng kháng viêm, kháng phù nề, tuy nhiên sau khi vào hốc mũi thuốc sẽ làm bịt các lỗ thông của các xoang vào mũi, gây ứ dịch trong xoang ra ngoài mũi, về lâu dài làm viêm xoang nặng hơn. Đây là một trong những cách điều trị không tôn trọng diễn biến sinh lý và quá trình viêm xoang, hậu quả sẽ khôn lường với nhiều loại biến chứng khác nhau. Nhiều người bệnh còn thường dùng một số cây cỏ làm bài thuốc như: hoa cứt lợn, lá cóc mẳn, kim ngân hoa, tân di, ké đầu ngựa, bạch chỉ, hành, dịch ép tỏi, mật ong, dây mướp... Những cây cỏ này trong điều trị viêm xoang của y học cổ truyền có chỉ định rất chặt chẽ, sử dụng trong giai đoạn nào của viêm mũi và xoang, không thể tùy tiện sử dụng.

TS-BS. Nguyễn Trọng Minh


 Vi Thoại - Trang Lê

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.