Dấu hiệu bà bầu bị cảm cúm
Cúm là một loại bệnh rất hay lây gây ra do các loại virus nhóm A, B và C. Bệnh có thể xảy ra ở người và loài vật. Đa số thì sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, trong lịch sử Y học thế giới, có vài lần xảy ra dịch cúm chết người lan tràn trên thế giới như trận dịch năm 1918 –1919 đã có trên 10 triệu người trên thế giới bị tử vong. Trận dịch cúm năm 1957 gây tử vong do dòng virus cúm nhóm A. Bệnh nhân chết vì viêm phổi cấp tính với diễn tiến rất nhanh.
Triệu chứng bệnh thường xảy ra đột ngột. Khởi đầu là những cơn lạnh run và sốt cao có khi lên đến 39 – 40 độ. Người bệnh thường rất mệt mỏi, đau nhức toàn thân (đặc biệt là đau nhức tay chân, đau lưng) ,nhức đầu, ăn không ngon, suy nhược.Tiếp theo là triệu chứng đau họng, ho khan, tức ngực, chảy nước mũi.Thông thường thì bệnh giảm dần sau 4-5 ngày. Nếu ho và sốt kéo dài quá 5 ngày thì có thể có nhiễm trùng đường hô hấp thứ phát. Trong trường hợp có dịch xảy ra, bệnh nhân tử vong nhanh chóng do sưng phù phổi; triệu chứng sẽ là khó thở, tím tái, ho ra máu , tử vong trong vòng 48 giờ kể từ khi phát bệnh.
Bên cạnh loại bệnh Cúm kể trên, thai phụ còn có thể nhiễm một loại Virus cho triệu chứng khá giống như Cúm nên dễ bị lầm là cảm cúm. Đó là bệnh Rubella. Người bệnh có thể thấy nổi hạch và nổi ban khắp người. Bệnh ban đỏ do Rubella thường gây mù, điếc, còn tồn tại ống động mạch cho trẻ sơ sinh. Do ảnh hưởng tai hại trên thai nhi, hiện nay đã có thuốc chủng ngưà Rubella cho các bé gái để tạo sự miễn dịch trước khi chúng bước vào tuổi có khả năng sinh đẻ.
Chủng ngừa, tăng đề kháng, tránh đông người
Bệnh cúm không có thuốc chưã nhưng có thể phòng ngưà bằng cách chủng ngừa.
Tuy nhiên, do có nhiều dòng virus khác nhau gây bệnh nên thuốc chủng không tạo sự miễn nhiễm đối với loại virus gây bệnh khác với loại virus dùng làm thuốc chủng ngưà và khả năng ngưà bệnh cũng chỉ có trong vòng 1 năm nên phải chủng ngưà hàng năm. Vì thế, vấn đề quan trọng là phải tăng cường sức đề kháng cuả mọi người bằng chế độ ăn uống nhiều muối khoáng và vitamin (có trong trái cây, rau quả).
Khi có thai, thai phụ nên tránh những nơi đông người, tránh tiếp xúc với người bệnh. Khi nhiễm bệnh, cần phải nằm nghỉ trên giường trong khi bệnh đang ở giai đoạn cấp tính và trong vòng 24 – 48 giờ sau khi thân nhiệt đã trở về bình thường .Uống nhiều nước (3.000 đến 3500ml /ngày) , giữ cho không bón. Súc miệng khi có viêm họng bằng nước muối sinh lý ấm. Kháng sinh chỉ có tác dụng khi có viêm phổi do bội nhiễm.
Những người có tiền sử sẩy thai sẽ rất dễ bị tái phát sẩy thai và nguy cơ này tăng theo số lần sẩy. Thường với những trường hợp sẩy thai 1 lần thì nguy cơ sẩy thai lần 2 là khoảng 30% và đến lần mang thai thứ 3, nguy cơ này sẽ tăng lên, có khi đến 50%. Vì vậy, khi mang thai nên hạn chế những nguy cơ dẫn đến rủi ro để tránh tình trạng sẩy thai có thể tái phát sau này
Nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng và virus có thể gây ra tật bẩm sinh, bất thường về phát triển hệ thần kinh – Bệnh nhiễm trùng thường gặp đối với thai phụ là nhiễm trùng TORCH (Toxoplasmose, Rubella, Cytomegalo virus, Herpes) gây độc hại cho thai nhi với những tật bẩm sinh ở đầu, chậm phát triển thần kinh, viêm võng mạc.
Vì vậy, khi đã biết mình có thai, nếu bị mắc bệnh dù là với những triệu chứng cảm cúm thông thường , thai phụ nên đi khám thai để được hướng dẫn bởi thầy thuốc chuyên khoa và chỉ sử dụng thuốc theo y lệnh – Cũng phải chú ý đến môi trường sống của thai phụ để tránh những tác nhân có thể gây độc hại cho thai nhi.
PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung
(Chủ tịch Hội Phụ sản TP.HCM)