Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là một công ty “sinh sau đẻ muộn” trong lĩnh vực sản xuất mía đường. Thế nhưng, báo cáo kinh doanh ngành đường của HAGL mới đây đã gây ngạc nhiên cho những nhà phân tích bởi chi phí sản xuất thấp quá sức tưởng tượng.
Cụ thể, doanh thu luỹ kế chín tháng đầu năm 2013 của HAGL đạt 644,1 tỉ đồng. Điều gây bất ngờ là giá vốn hàng bán, hay chi phí để sản xuất ra đường, chỉ vỏn vẹn có 232,9 tỉ đồng, chiếm 36,2% doanh thu. Do đó, lợi nhuận gộp mảng sản xuất đường của HAGL đạt 411,2 tỉ đồng. Hiểu một cách đơn giản, khi sản xuất một tấn đường để bán ra thị trường, HAGL chỉ tiêu tốn có 36% chi phí. Trong khi đó, số liệu từ các doanh nghiệp đang sản xuất đường ở Việt Nam thì để sản xuất một tấn đường, họ phải tiêu tốn hết 87% chi phí (xem bảng)
Điều đáng nói hơn cả là biên lợi nhuận “khủng” mà HAGL đạt được trong bối cảnh giá đường thế giới đang ở vùng thấp nhất trong vòng năm năm trở lại đây do thừa cung trên toàn thế giới, các nhà máy đường trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn do giá đường giảm mạnh. Nếu giá đường phục hồi trở lại, doanh thu từ đường của HAGL sẽ tăng lên và khi đó, biên lợi nhuận gộp sẽ được cải thiện và lợi nhuận gộp sẽ tăng lên tương ứng.
Tập trung Hóa đất đai: tăng năng suất, giảm chi phí
Để làm được điều đó, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là HAGL có thể tập trung hoá đất đai.
Diện tích trồng mía lên tới 10.000 ha của HAGL là diện tích tập trung chứ không phân mảnh nên có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất, giảm chi phí . Tưới nhỏ giọt, một công nghệ ra đời cách đây khoảng 30 năm, đã được áp dụng thành công trên diện tích mía của HAGL. Hệ thống tưới nhỏ giọt khá đơn giản bao gồm bơm, hoặc tháp nước, hệ thống lọc tạp chất hoặc xử lý chất thải, hệ thống phân bón hoặc chất dinh dưỡng đi kèm. Thế nhưng, cần phải có nguồn kinh phí đầu tư ban đầu cao cộng với diện tích đất đủ lớn thì bài toán tiết kiệm chi phí với những ứng dụng trên mới hiệu quả. Thử tưởng tượng 10.000 ha trồng mía của HAGL được chia cho 10.000 hộ nông dân trồng mía, mỗi hộ một ha. Khi đó các hộ chỉ có nước dùng sức người kéo ống để tưới như thông thường. Việc tập trung hoá đất đai cũng giúp HAGL thay vì phải tốn chi phí thuê hàng ngàn nhân công để chặt mía thì chỉ cần một chục máy cắt mía chạy liên tục là xong.
Bức tranh cạnh tranh trong tương lai
Giá đường của Việt Nam luôn cao hơn giá đường thế giới bởi bên cạnh yếu tố công nghệ sản xuất, chi phí trồng mía của nông dân Việt Nam cao hơn Thái Lan, Brazil, và nhiều quốc gia khác. Các biện pháp bảo hộ chỉ mang lại lợi ích cho ngành đường nhưng thiệt hại cho người tiêu dùng.
Khi có sự chênh lệch giữa giá đường thế giới và giá đường trong nước thì sẽ xuất hiện buôn lậu. Chi phí để chống buôn lậu đường là chi phí mà tất cả những người sử dụng đường phải gánh chịu, song lợi ích của việc này thì chỉ có nhà máy đường và những nông dân trồng mía được hưởng.
Việc bảo hộ được biện minh như một biện pháp khuyến khích sản xuất, bảo vệ nông dân. Nhưng đó là con dao hai lưỡi làm thiệt hại cho chính ngành mía đường. Khi được bảo hộ, nông dân sẽ không tìm cách tăng năng suất, giảm chi phí vì không có sức ép cạnh tranh. Ngành mía đường trở nên tụt hậu và đến thời điểm thị trường mở cửa hoàn toàn sẽ lâm vào cảnh phá sản hàng loạt. HAGL chính là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các nhà máy đường trong nước. Sản xuất với chi phí thấp như thế, HAGL sẽ tìm mọi cách để mở rộng diện tích trồng mía lên. Khi sản lượng đường của HAGL tăng lên trong khi chi phí không đổi, HAGL sẽ bán đường với giá thấp hơn giá của các nhà máy đường trong nước.
Công ty | Công ty Hoàng Anh Gia Lai |
Bourbon Tây Ninh |
Mía đường Lam Sơn |
Doanh thu | 644,1 | 1.473,6 | 1.409,7 |
Giá vốn | 232,9 | 1.289,7 | 1.234,9 |
Lợi nhuận gộp | 411,2 | 183,8 | 174,8 |
Biên lợi nhuận gộp | 63,8% | 12,5% | 12,4% |
(Đơn vị tính: tỉ đồngo)
Lê Hồng Giang