Là một ngành nghề mang tính chất đặc thù, hàng ngày, những người làm trong ngành dịch vụ thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều khách hàng ở mọi lứa tuổi, tầng lớp.
Trong khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người chọn cách “cô lập”, tự cách ly, tránh nơi đông người để tự bảo vệ bản thân, thì những người trong ngành dịch vụ vẫn phải cần mẫn công việc của mình. Nhiều người ví, nghề của họ vất vả chỉ kém ngành y ở thời điểm này.
Những người làm dịch vụ vẫn cần mẫn làm công việc của mình bằng một tinh thần lạc quan, tích cực trong tâm bão
Niềm vui riêng giữa tâm bão
“Có những ngày trung tâm thương mại không tấp nập như mọi khi nhưng không vì thế mà tôi cho phép mình được nghỉ ngơi. Việc của tôi là khử trùng toàn bộ các bề mặt tiếp xúc tại trung tâm thương mại 2 tiếng/lần nên hầu như cả tổ House Keeping không lúc nào ngơi tay.
Toàn bộ các tay vịn thang cuốn, nút bấm thang máy, khu vực WC đều phải đảm bảo được sát khuẩn để hạn chế nguy cơ lây nhiễm viruts cho khách”, chị Bùi Thị Liên, bộ phận House Keeping, tại Vincom Center Bà Triệu chia sẻ.
Chị Bùi Thị Liên vẫn cần mẫn làm công việc của mình để khách yên tâm lui tới vui chơi, mua sắm trong trung tâm thương mại
Khuôn mặt vẫn còn hằn lên những vết do phải đeo khẩu trang cả ngày, anh Nguyễn Văn Tú, nhân viên bảo vệ tại đây chia sẻ: “Mình không thấy vất vả vì tuy hành động của mình nhỏ bé nhưng sẽ phần nào giúp bảo vệ được khách hàng đến mua sắm trong trung tâm thương mại”.
Công việc hàng ngày của anh là mở cửa và đo nhiệt độ của khách hàng. Bởi lẽ đó, có bao nhiêu khách đến với trung tâm thương mại thì anh gần như là người đầu tiên tiếp xúc. Tuy nhiên, tính chất công việc không vì thế mà khiến anh lo lắng, sợ hãi.
Anh Nguyễn Văn Tú tự nhận mình là “người ở đầu chiến tuyến giữa mùa dịch Covid-19”
“Mình vẫn lạc quan lắm, bên cạnh việc tự trang bị những kiến thức phòng, tránh cần thiết, bọn mình cũng có những niềm vui riêng để lấy lại tinh thần trong những ngày này. Tất cả bây giờ đều đeo khẩu trang nên mọi giao tiếp với nhau đều qua ánh mắt. Có chị khách hàng quen trưa nào cũng ghé vào trung tâm thương mại ăn. Mặc dù mình đeo khẩu trang nhưng chị vẫn nhận ra và gọi đúng tên mình.
Mỗi sự quan tâm, lời cảm ơn của khách hàng khi mình kéo cửa giúp họ đều là nguồn động viên tinh thần lớn. Mình tin rằng, chỉ cần sống bình tĩnh, sống khoa học. Rồi mọi chuyện cũng sẽ qua” - Anh Tú lạc quan chia sẻ.
Chung tay đẩy lùi bệnh dịch bằng ý thức và tinh thần
Là Quản lý một nhà hàng Kichi Kichi tại Hà Nội, chị Vũ Thu Thủy cho biết, từ khi có thông báo về dịch Covid-19, đơn vị này cũng đã triển khai tập huấn, đào tạo toàn bộ nhân viên quy trình làm việc mới.
Theo đó, 100% nhân viên nhà hàng phải kiểm tra nhiệt độ trước khi vào làm, đeo khẩu trang suốt thời gian làm việc để phục vụ khách. Cứ 15 phút một lần, nhân viên phải vệ sinh tay bằng cồn sát khuẩn. Tất cả bát đũa, bàn ghế trong nhà hàng đều phải được tiệt trùng. Bát đũa sau khi khử trùng sẽ được cất trong thùng kín để bảo quản. Nhân viên chịu trách nhiệm xịt cồn sát khuẩn tay cho khách hàng ngay từ cửa ra vào để đảm bảo khách được dùng bữa an toàn, ngon miệng.
Nụ cười của chị Thủy - người làm dịch vụ, khi khách yên tâm lựa chọn nhà hàng
“Nhiều nhân viên của nhà hàng còn là sinh viên làm part-time, bố mẹ các bạn cũng lo lắng, gọi cho mình. Nhưng sau khi nghe mình giải thích về việc công ty cùng cả Ban quản lý trung tâm thương mại đang làm tất cả những biện pháp có thể để bảo vệ nhân viên và khách hàng thì bố mẹ các bạn cũng yên tâm hơn. Mình tin rằng nếu trang bị đủ kiến thức để bảo vệ mình đúng cách thì chúng ta hoàn toàn có thể “sống chung với lũ” để làm việc và sinh hoạt bình thường.” - chị Thủy chia sẻ.
Khi được hỏi về việc: Nếu có khách hàng đến ăn tại nhà hàng có thân nhiệt cao hơn 37 độ C, nhà hàng có từ chối khách không?, một nhân viên phục vụ khác cho biết: “Mình sẽ thông báo và khuyến cáo khách nên đến cơ sở Y tế hoặc bệnh viện gần nhất để kiểm tra sức khỏe trước, dù việc đó có thể khiến khách không hài lòng. Nhưng so với sức khỏe của bản thân và việc ăn một bữa ngon thì tất nhiên, ai cũng sẽ ưu tiên sức khỏe hơn, nhất là trong mùa dịch như thế này”.
Khách hàng được rửa tay sát trùng và đo nhiệt độ trước khi vào một nhà hàng ở Hà Nội
Còn anh Bùi Văn Tuyền, Quản lý nhà hàng Bornga (Hà Nội) cho hay, nhờ thực hiện theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của Bộ Y tế, nhà hàng đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp để cùng khách hàng ứng phó với mùa dịch.
Sau những ngày hoang mang, lo lắng, mấy ngày gần đây, lượng khách bắt đầu đông hơn là một dấu hiệu tốt, có vẻ tâm lý mọi người đã dần ổn định, lạc quan và quay trở lại quỹ đạo cuộc sống bình thường. “Chúng tôi cũng hy vọng, khách hàng sẽ chung tay cùng đội ngũ phục vụ, không quên tự nâng cao ý thức để bảo vệ bản thân và cộng đồng”, anh Tuyền nói.
Tại các cụm rạp CGV, để hạn chế việc khách hàng phải xếp hàng đông, đứng chờ lâu trước quầy vé, các hình thức mua vé online được khuyến khích áp dụng. “Ngoài ra, CGV cũng đã tuyên truyền thông tin đến khách hàng về quy trình phòng chống dịch bệnh của CGV cũng như nhắc nhở mọi người chủ động chuẩn bị khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn tại các cụm rạp do CGV cung cấp trước mỗi suất chiếu”, anh Khánh Nguyễn – đại diện từ CGV chia sẻ.
CGV tiến hành công tác xịt khuẩn vệ sinh một số cụm rạp trọng điểm
Những việc làm tuy nhỏ nhưng bền bỉ, kiên trì của người làm dịch vụ trong “tâm bão” đã góp phần đẩy lùi đại dịch trong cả đời sống lẫn tinh thần của người dân. “Đại dịch rồi cũng sẽ qua, việc của chúng ta là bình tĩnh sống”, anh Tú vẫn chào đón khách hàng đến trung tâm thương mại hàng ngày với nụ cười trong ánh mắt và thông điệp nho nhỏ từ trái tim gửi tới khách hàng.
Với những hành động cụ thể cùng tinh thần bình tĩnh, vững vàng, tất cả chúng ta đều có một niềm tin rằng, đại dịch sẽ lùi xa và cuộc sống thường nhật sẽ sớm trở lại với tất cả mọi người.
Bài và ảnh: Phan Nguyễn