Câu chuyện uỷ thác và môi trường kinh doanh

 13:57 | Thứ năm, 17/04/2014  0

Hành vi đưa tiền (uỷ thác) cho 19 nhân viên mang 719 tỉ đồng (làm tròn) đi gửi Vietinbank để hưởng chênh lệch lãi suất – bị viện Kiểm sát tối cao truy tố – có thể tóm tắt như sau: vào thời điểm tháng 3.2010, trước tình hình ACB ứ tiền, thường trực hội đồng quản trị, hội đồng sáng lập và một số phòng ban liên quan đã họp và thống nhất uỷ thác cho nhân viên ACB đưa hơn 28 ngàn tỉ đồng và hơn 71 triệu USD đi gửi 22 ngân hàng, trong đó có 719 tỉ đồng gửi Vietinbank, để hưởng chênh lệch lãi suất. Việc ủy thác này, theo cáo trạng là trái luật Các tổ chức tín dụng.

Cũng theo cáo trạng, số tiền gửi Vietinbank đã bị quyền trưởng phòng giao dịch Vietinbank Huỳnh Thị Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt. Từ nguyên nhân và hậu quả trên, bảy thành viên của ACB bị truy tố theo tội danh “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 165 bộ luật Hình sự.

Kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra cho thấy, ngay từ những năm 2005, ACB đã thực hiện việc uỷ thác.

Lật lại các quy định về ngân hàng, bắt đầu từ luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 1997 cho phép hoạt động uỷ thác. Điều 72 quy định: tổ chức tín dụng được quyền uỷ thác, nhận uỷ thác, làm đại lý trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kể cả việc quản lý tài sản, vốn đầu tư của tổ chức, cá nhân theo hợp đồng.

Đến đầu năm 2011, khi luật TCTD (thay thế luật cũ) có hiệu lực, vấn đề uỷ thác có thêm ràng buộc “theo quy định của ngân hàng Nhà nước”. Một luật sư cho biết, điều này có thể hiểu, hoạt động uỷ thác sẽ được ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên hơn một năm sau ngày luật có hiệu lực, đến tháng 3.2012, ngân hàng Nhà nước mới có thông tư 04 hướng dẫn. Như vậy, từ khi luật TCTD có hiệu lực thì không có bất kỳ văn bản nào nói hoạt động ủy thác từ nay phải dừng để chờ hướng dẫn.

Ở đây, có một khoảng trống dài hơn một năm (1.1.2011 - 8.3.2012) trong việc thực thi luật, cụ thể từ thời luật ban hành đến khi có hướng dẫn thực hiện. Và, hành vi uỷ thác của lãnh đạo ACB rơi vào khoảng trống đó. Giả sử việc uỷ thác xảy ra trước khi luật TCTD có hiệu lực, sẽ chẳng ai bị vướng vào vòng lao lý. Nói thêm, ACB đã chấm dứt hoạt động ủy thác trước khi thông tư trên ban hành.
Trên góc độ pháp luật, có hai quan điểm tranh cãi. Một phía cho rằng chưa có hướng dẫn mà vẫn làm là cố ý vi phạm. Ngược lại là quan điểm được làm những gì luật không cấm, còn trách nhiệm hướng dẫn luật là công việc của cơ quan quản lý ngành.

Luật sư Nguyễn Tiến Tài (Bà Rịa – Vũng Tàu) đưa luận cứ, theo luật TCTD, hoạt động uỷ thác đầu tư và nhận ủy thác không hề có quy định cấm. Do vậy, không thể buộc một số lãnh đạo ACB có hành vi cố ý làm trái khi họ không biết trước việc đó như thế nào vì chưa có văn bản hướng dẫn. Hơn nữa, ngay cả khi thông tư hướng dẫn ra đời, nhà quản lý muốn dừng các hoạt động uỷ thác cũng cần phải cho một thời hạn để các ngân hàng thu hồi các khoản đã cho vay.

Sớm hơn một ngày so với dự kiến,  phiên xử vụ án “Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm” sẽ diễn ra từ sáng 16.4, dự kiến kéo dài 14 ngày. Theo cáo trạng của viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ông Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị, phó chủ tịch hội đồng sáng lập ngân hàng ACB) bị truy tố về bốn tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trốn thuế và kinh doanh trái phép.

Từ luận cứ trên, theo LS. Nguyễn Tiến Tài, không thấy hành vi “cố ý” của một số thành viên hội đồng quản trị ACB thể hiện trong cấu thành tội danh “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” mà các cơ quan tố tụng truy tố. Ông cho biết, Nhà nước đã tốn rất nhiều năm, mất nhiều công sức mới xây dựng được một môi trường kinh doanh nhiều tự chủ hơn cho doanh nghiệp. Nếu trở lại theo tư duy cũ, trói buộc doanh nghiệp “luật cho phép mới được làm”, hệ quả là môi trường kinh doanh sẽ bị bóp méo, bệnh tật.

Đồng quan điểm với LS. Nguyễn Tiến Tài về hành vi uỷ thác, một luật sư khác, đề nghị không nêu tên, có thêm nhận định: không thể vội khẳng định đã có hậu quả, thiệt hại xảy ra (ACB bị mất 719 tỉ đồng) và cũng khó buộc trách nhiệm cho các thành viên hội đồng quản trị ACB. Bởi vì, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như còn chưa kết thúc, các yêu cầu đòi bồi thường của nhiều ngân hàng, trong đó có ACB chưa được giải quyết xong. Vị luật sư này lập luận, cho dù thiệt hại có xảy ra, theo cáo trạng, sẽ thuộc trách nhiệm chính của Vietinbank và liên đới là bà Huỳnh Thị Huyền Như. Bởi 19 nhân viên được ACB uỷ thác đã làm đúng các thủ tục, trình tự gửi tiền vào ngân hàng. Ngân hàng là một tổ chức tín dụng hợp pháp chứ không phải một tổ chức cho vay nặng lãi nên chuyện rủi ro nếu có (mất tiền) có thể giải quyết ở một tranh chấp dân sự chứ không coi đây là hậu quả của vụ án hình sự.

Theo vị luật sư này, hai cấu thành là nguyên nhân (hành vi cố ý làm trái) lẫn hậu quả (gây thiệt hại) của tội “cố ý làm trái…” mà viện Kiểm sát truy tố trong cáo trạng đều yếu cơ sở lập luận. Chỉ một trong hai yếu tố trên bị bẻ gãy, tội danh này sẽ không thành lập.

Một chuyên gia ngân hàng ở TP.HCM đặt vấn đề, nếu không vỡ vụ lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền Như, chắc chắn cho đến bây giờ các hoạt động uỷ thác kiểu như ACB vẫn diễn ra bình thường, cho dù đã có luật và hướng dẫn, đồng thời, một số cựu quan chức của ACB đã không vướng vào vòng lao lý. Một thực tế, kể từ năm 2011, khi có luật TCTD đến hơn một năm sau ngân hàng Nhà nước mới có hướng dẫn, đây chính là phần lỗi của nhà quản lý.

 

Vĩnh Hòa

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
hệ thống chứng nhận iso 14001 môi trườngGiá Chivas 24 nhập khẩu chính hãng hút hầm cầu tại Bến Tre aspire

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.