Theo báo cáo mới nhất của TDCX (NYSE: TDCX)[1], các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Việt Nam đang đẩy nhanh việc thực thi các chiến lược số hóa bằng cách tận dụng các giải pháp công nghệ từ các nhà cung cấp bên ngoài, như công nghệ lưu trữ đám mây, dịch vụ tích hợp hệ thống, bảo mật cũng như các nền tảng số cần thiết cho hành trình phát triển của doanh nghiệp.
Với việc tận dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ, nền kinh tế số của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, dự kiến đạt 57 tỷ USD vào năm 2025, xếp thứ hai tại Đông Nam Á, với tỷ lệ tăng trưởng hằng năm khoảng 29%[2]. Doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp của cả nước, đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển này.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng 3/4 (75%) số SME tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu quá trình số hoá, hoặc mới chỉ số hoá trên một vài khía cạnh, bộ phận của doanh nghiệp. Mức này cao hơn một chút so với mức trung bình 70% của ASEAN.
Với việc tận dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ, nền kinh tế số của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, dự kiến đạt 57 tỷ USD vào năm 2025. Trong ảnh: Nhà máy Samsung và các doanh nghiệp phụ trợ đang hoạt động tại khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Hoàng Triều/Thời Đại
Ông Laurent Junique, CEO của TDCX, cho biết: “Sau đại dịch, các SME đã nhận thức sâu sắc hơn về lợi ích của việc chuyển đổi số. Điều mà trước đây thường được xem là “có thì tốt” bây giờ đã trở thành điều “bắt buộc phải có” và các SME đang nỗ lực bù đắp cho giai đoạn thiếu đầu tư trước đó bằng cách tìm đến các nhà cung cấp giải pháp công nghệ. Do đó, đây là giai đoạn “chín muồi” để các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ bắt tay với SME, hỗ trợ họ trong quá trình chuyển đổi số”.
Tín hiệu tích cực là các SME của Việt Nam đã nhận ra sự cần thiết phải số hoá và đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách. Báo cáo nhận thấy ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp này trong vòng hai năm sắp tới là tăng cường năng lực phân tích dữ liệu và năng lực đổi mới.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, SME Việt Nam đang tìm kiếm những đối tác cung cấp giải pháp công nghệ có kỹ năng kỹ thuật (82%), kiến thức về ngành (67%) và thời gian hồi đáp nhanh chóng (45%).
Các SME tại ASEAN đẩy mạnh đầu tư vào số hoá
Việc đầu tư cho công nghệ là vô cùng quan trọng trong việc giúp các SME duy trì năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh nền kinh tế số ASEAN, vốn đã đạt tổng giá trị hàng hoá 200 tỷ USD vào năm 2022, đang trên đà tăng trưởng nhanh chóng.
Bên cạnh việc cải thiện các năng lực phân tích dữ liệu và đổi mới, trong vòng hai năm tới, các SME Việt Nam sẽ tập trung vào việc chuyển đổi mô từ hình doanh nghiệp truyền thống sang mô hình số, cho phép vận hành các hoạt động thương mại điện tử (75%) cũng như số hoá các hoạt động như bán hàng, tiếp thị hay quản lý quan hệ khách hàng (63%).
Tuy nhiên, họ tiếp tục phải đương đầu với không ít thách thức, bao gồm tư vấn về ứng dụng công nghệ (79%), thiếu khả năng tiếp cận kiến thức và chuyên môn (65%), các chương trình đào tạo để bổ trợ và tăng cường kỹ năng cho nhân viên (61%), cũng như có được kết nối cần thiết với các đơn vị cung cấp dịch vụ phù hợp (53%).
Do các SME trưởng thành hơn trên hành trình số hoá, mọi việc sẽ trở nên phức tạp hơn và cũng khó quản lý hơn. SME tại ASEAN giờ đây sẵn sàng hơn trong việc hợp tác với một đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ bên ngoài để giúp họ quản lý những bộ phận nhất định nhằm đạt được các mục tiêu nhanh hơn.
Nghiên cứu tại 5 quốc gia ASEAN cho thấy, hơn 84% SME đánh giá cao việc hợp tác với một đơn vị giải pháp công nghệ bên ngoài.
Hai lĩnh vực hàng đầu mà họ đang tận dụng hỗ trợ bên ngoài là tiếp thị kỹ thuật số và đào tạo nhân sự. Điều này cho thấy rằng các SME tại ASEAN đang ưu tiên tạo doanh thu và đảm bảo rằng nhân viên có được những bộ kỹ năng phù hợp để thích ứng với một tương lai số.
Về phương diện vận hành, vẫn còn cơ hội lớn cho các SME tại ASEAN tiếp cận các nhà cung cấp công nghệ để nâng cao năng lực. Ví dụ, chỉ 25% SME tại ASEAN đang sử dụng các giải pháp bên ngoài để đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực thanh toán và thu hộ.
Để phục vụ SME tại ASEAN, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ cần nắm bắt những nhu cầu của họ và thấu hiểu tác động mà những trải nghiệm không như mong đợi có thể gây ra. Theo báo cáo của TDCX, hơn 4 trong 5 (82%) SME tại ASEAN được khảo sát cho biết sẵn sàng thay đổi nhà cung cấp, trong đó công nghệ tiên tiến hơn (71%), dịch vụ chăm sóc khách hàng nhanh hơn và hiệu quả hơn (68%) và giá dịch vụ tốt hơn (45%) là ba yếu tố hàng đầu thúc đẩy mong muốn tìm nhà cung cấp mới.
Khảo sát của TDCX nhấn mạnh nhu cầu hỗ trợ khách hàng tốt hơn. Các vấn đề liên quan đến trải nghiệm khách hàng là lý do hàng đầu khiến họ không hài lòng với nhà cung cấp công nghệ hiện tại. Cụ thể, đó là tốc độ phản hồi khách hàng (74%) và khả năng tương tác trực tiếp như một phần trải nghiệm của khách hàng (64%).
Trà My
______________
[1] Với tiêu đề “Doanh nghiệp vừa và nhỏ Asean: Cơ hội lớn cho nhà cung cấp giải pháp công nghệ”, báo cáo của TDCX nhằm mục tiêu giúp các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ trên khắp thế giới hiểu về cách mà các SME tại Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, đang áp dụng để phát triển kinh doanh trong nền kinh tế số, cùng với mong đợi của họ đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ. Báo cáo của TDCX được thực hiện bởi Intuit Research từ tháng 9 - 12.2022, nhằm thấu hiểu tư duy về số hoá của các SME. Tổng cộng 750 SME ở 5 quốc gia bao gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan tham gia trả lời phỏng vấn, với số lượng người tham gia bằng nhau ở mỗi quốc gia.
[2] https://vneconomy.vn/kinh-te-so-cua-viet-nam-se-dat-57-ty-usd-nam-2025-tang-truong-29-nam.htm.