Tết Quý Mão năm nay đến sớm gần 20 ngày so với các năm, kinh tế chung sụt giảm sau dịch Covid-19 và biến động kinh tế thế giới, nhà nhà khó khăn hơn, nhưng thật kỳ lạ, tinh thần chăm lo cho người nghèo dường như không giảm. Mục tiêu chăm lo tập trung cho trẻ em nghèo và hộ nghèo các tỉnh miền Bắc và miền Nam, người già các tỉnh vùng núi biên cương.
Chỉ gần hai tháng kêu gọi đã huy động gần 13.000 phần quà chung (Nam, Bắc) trị giá xấp xỉ 800.000 đồng/phần, 20.000 chăn bông (4 tỷ đồng) để trao tận tay người cần chăm lo trước khi Tết đến. Quà Tết rất cần và rất vui, nhưng vui bền bỉ nhất vẫn là những ngôi nhà mới để người nghèo đón Tết.
“Sống nhà, chết mồ” và nụ cười của ông Tư
Gặp lại những người quen trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở Vĩnh Long, nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang rất vui khi biết tỉnh và huyện dịp này khánh thành cầu mới và trường học mới hoành tráng. “Dân nghèo còn không ít, và cần nhiều thứ lắm. Nhưng những gì thiết thực, lâu bền cho số đông người dân thì nên tập trung lo trước” - ông Tư (như người ta vẫn gọi theo cách gần gũi) nói vậy.
Thấy ông chuẩn bị ra về ngay sau lễ, hỏi mới biết ông có hai chuyến đi kế nhau là Sóc Trăng và Hà Giang. Sao mấy năm nay ông đi lại giữa TP.HCM và Hà Giang nhiều vậy? Ông cười rất tươi: Đi để chia sẻ với đồng chí, đồng bào ngoài đó những nỗ lực phấn đấu và đến tháng 11 năm nay đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra theo Quyết định 1953 của tỉnh: 6.010 căn nhà cho người nghèo với kinh phí 340 tỷ đồng.
Đây là số tiền xã hội hóa lớn nhất từ trước đến nay của một tỉnh miền núi, biên giới nghèo như Hà Giang. Riêng cán bộ và nhân dân trong tỉnh đã đóng góp 290.000 ngày công trong chương trình nhà ở này với tinh thần: lo cho dân hôm nay chính là lo cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang và nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang trong dịp bàn giao nhà ở theo Quyết định 1953, 11.2022. Ảnh: TV Hà Giang
Anh em công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang cho biết: Mục tiêu ban đầu của quyết định này chỉ là hỗ trợ làm 2.000 căn nhà mới kiên cố cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Tuy nhiên từ thực tế triển khai và tính nhân văn sâu sắc của chương trình, cùng với sự chung tay của cả cộng đồng trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là vai trò vận động tích cực và hiệu quả của nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, đến giữa tháng 10.2022 đã có 6.010 căn nhà được hoàn thành, mỗi căn trị giá trên dưới 60 triệu đồng (vượt mức hơn 4.000 căn).
Miền núi phía Bắc giá rét ghê gớm vào mùa đông kéo dài nhiều tháng, có căn nhà vững chãi, ấm áp là niềm mơ ước của nhiều người nghèo, nhất là những người trở về sau trận chiến bảo vệ Tổ quốc mà mãi nhiều năm cái nghèo vẫn đeo bám. Ông Tư siêng đi về nơi biên cương ấy nên biết rõ hiện tình để cùng lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chung tay thực hiện Quyết định 1953.
Trong kết quả chung đáng vui mừng Hà Giang hoàn thành 6.010 căn nhà ở Hà Giang, có 356 căn nhà do Nhóm Thiện nguyện Chia Sẻ - Sharing mà vợ ông, bà Mai Thị Hạnh cùng các bạn bè thành viên trong nhóm đóng góp: bà Huỳnh Bích Ngọc (TTC), các bà Đặng Thu Thủy - Đặng Thu Hà (ACB), ông bà Huỳnh Bá Lân - Trần Thúy Nga (Kiến Á), bà Võ Thị Xuân Trang (JRP), ông bà Lê Nhựt Tân - Nguyễn Thị Tranh, bà Nguyễn Thị Phương, bà Thanh Hương, bà Như Loan (QCGL) cùng nhiều ông bà, em cháu thành viên khác. Các thành viên trong gia đình ông Tư cũng đóng góp rất cụ thể vào chương trình này.
Còn ở Sóc Trăng, mong muốn ban đầu mà ông Tư nghe được từ lãnh đạo tỉnh là: toàn tỉnh còn nhiều hộ nghèo cần nhà ở mà ngân sách cho phép cũng như năng lực vận động của tỉnh còn hạn chế, cho nên không dám nghĩ sẽ hoàn thành sớm được chỉ tiêu. Chỉ tiêu là bao nhiêu? Tổng số hộ nghèo rất khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh hiện là 3.240 hộ. Vậy thì, đừng để chỉ một mình Sóc Trăng lo cho dân của mình. Tụi tôi sẽ phụ với tỉnh vận động các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm - ông Tư nói vậy.
Và thế là, với sự nỗ lực của cán bộ, nhân dân trong tỉnh cùng với nguồn lực từ các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà hảo tâm bên ngoài tỉnh, trong hai năm 2021 - 2022, toàn tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng được 3.496 căn nhà cho hộ nghèo (trong đó có 1.253 căn cho hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer, chiếm gần 36%) với tổng số vốn hơn 174 tỷ đồng (mỗi căn trị giá 50 triệu đồng) theo phương thức xã hội hóa, vượt chỉ tiêu 256 căn so với kế hoạch.
Người ta sống cần nhà, chết cần mồ. Mong muốn nhân văn ấy không phải ai cũng có khả năng tự thực hiện. Vậy thì, nếu giúp được những người mà số phận không may mắn chạm được mơ ước đời người là có ngôi nhà đúng nghĩa để ở thì với những người dân bình thường chứ đừng nói đến những công bộc của dân, đó phải chăng là niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực?
Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tại lễ tổng kết chương trình nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2022. Ảnh: báo Sóc Trăng
Đất liền và biển xa, ai cũng có Tết
Trong lịch trình tặng quà Tết Quý Mão 2023 xây dựng từ những ngày cuối năm 2022, những người từng nhiều năm cùng Chia Sẻ - Sharing rong ruổi đây đó trên hành trình thiện nguyện thấy lại tên của những nhóm đối tượng quen thuộc cần sự giúp đỡ: 1.000 trẻ nghèo, trẻ mồ côi, trẻ nạn nhân chất độc da cam; 500 hộ nghèo ở Cù Lao Dung - Sóc Trăng, 500 hộ nghèo ở các xã Lương Hòa, Lương Phú (Giồng Trôm - Bến Tre), 500 trẻ nghèo Long An…
Giúp nhiều năm cho các đối tượng này là bởi thoát nghèo không hề là một quá trình dễ dàng, mỗi năm tặng họ những phần quà thiết thực khi Tết đến được xem như một lời động viên họ tiếp tục tự thân phấn đấu thoát nghèo, hòa nhập với cộng đồng chung đang từng ngày cải thiện mức sống.
Đại diện Nhóm Thiện nguyện Chia Sẻ - Sharing trong đợt thăm và tặng quà Tết Quý Mão 2023 cho đại diện chiến sĩ Nhà giàn DK1 (12.2022). Ảnh: Sharing
Nhưng đáng chú ý hơn cả có lẽ vẫn là truyền thống tặng quà Tết cho các chiến sĩ hải quân làm nhiệm vụ giữ biển ở các nhà giàn DK1 và bà con giữ rừng ngập mặn khu dự trữ sinh quyển ở huyện đảo Cần Giờ. Năm nào ngân hàng ACB cũng nhận nhiệm vụ tài trợ chính và nhóm trưởng Nguyễn Thị Tranh của Sharing cũng sắp xếp để ông Tư đi thăm Tết bà con Cần Giờ.
Không xếp vậy thì ông Tư - thành viên đặc biệt của Sharing cũng đề nghị vậy. Những nơi gần, nơi dễ đi nên để cho những người khác. Chị Nguyễn Thị Tranh và vài thành viên khác của Sharing thì lãnh trách nhiệm ra tận Bà Rịa - Vũng Tàu trao quà cho anh em đại diện nhà giàn DK1. Phu nhân của ông Tư dặn dò chuẩn bị quà cho anh em không thiếu thứ gì hương vị Tết. Họ thay mặt bao người ngày đêm bám trụ nơi đó, chênh vênh giữa mênh mông biển khơi, giữ biển cho Tổ quốc…
Ngoài kia Tết đã đến thật gần với mọi người, mọi nhà. Chỉ mong trong mỗi gia đình ấm áp đoàn tụ yên vui ngày Tết có chút gì nhớ đến những người đang làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước và chia sẻ với những phận người không may. Như Chia Sẻ - Sharing và nhiều người khác, nhiều tổ chức dân sự khác đã khởi xướng hành trình thiện nguyện bao năm qua…
Thanh Nguyễn