Sau bài viết Cận cảnh những điểm nhấn đặc biệt của Chùa Cầu Hội An trước và sau trùng tu đăng trên Người Đô Thị online ngày 29.7.2024, tòa soạn nhận được ý kiến của một giảng viên đại học hỏi về tên gọi của di tích này: “Vì sao tên gọi ngày xưa là Lai Viễn Kiều có nghĩa là “cầu đón khách phương xa” mà ngày nay lại gọi Chùa Cầu. Gọi như thế có phải vì chùa được xây trước cầu không?”.
Theo hồ sơ dự án tu bổ di tích Chùa Cầu của UBND thành phố Hội An, trong khu di tích đô thị cổ Hội An, di tích Chùa Cầu có một vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng. Xưa kia, cây cầu nối liền Cẩm Phô (khu người Nhật) với Minh Hương (khu người Hoa). Dãy phố bắt đầu từ cầu được gọi theo tên cầu: Phố Cầu Nhật Bản (Rue du Pont Japonnais).
Hiện nay, di tích được gọi bằng nhiều tên. Nhân dân địa phương thường gọi là Chùa Cầu. Có người gọi là Cầu Nhật Bản vì tương truyền cầu này do kiều dân Nhật làm vào khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Còn tên “Lai Viễn Kiều” là do Hiền Vương Nguyễn Phúc Chu đặt năm Kỷ Hợi thứ 28 (1719) khi đến Hội An. Hiện ở cầu vẫn còn tấm hoành phi sơn son thếp vàng khắc ba chữ đại tự đó.
Phía bắc của cầu gắn liền với một ngôi chùa nhỏ là lý do dân địa phương gọi là Chùa Cầu. “Thực chất, đó là một ngôi miếu thờ Bắc Đế Trấn Vũ. Có nhiều ý kiến cho rằng chùa được người Hoa xây thêm vào với cầu sau này vào năm 1653”, trích hồ sơ dự án tu bổ di tích Chùa Cầu.
Sau hơn 19 tháng triển khai thi công từ ngày 28.12.2022, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu với tổng mức đầu tư 20,2 tỷ đồng đã hoàn thành và khánh thành ngày 3.8.2024. Ảnh: Phạm Toàn
Trải qua thời gian, di tích Chùa Cầu đã được tu sửa nhiều lần. Hiện còn 4 tấm bia và 3 cây xà nóc ghi lại 3 lần trùng tu dưới đời Gia Long, Minh Mạng và Tự Đức. Trên 3 cây xà có ghi lại 3 lần tu bổ lớn: năm Đinh Sửu niên hiệu Gia Long thứ 16 (1817); năm Quý Mùi (1823) và năm Ất Hợi niên hiệu Tự Đức thứ 28 (1875). Ngoài ra còn dấu vết của những lần tu sửa khác gần đây là những cây dầm sắt chữ I dưới gầm cầu và vôi, vữa xi măng ở trụ cầu. Năm 1986, di tích cũng được trùng tu phần cầu với thay đổi lớn nhất là làm lại mặt cầu cong vồng như nguyên gốc.
Theo hồ sơ dự án tu bổ di tích Chùa Cầu, một chiếc cầu được gắn liền với một ngôi chùa (miếu) là một hình thức kiến trúc độc đáo không đâu có trên đất nước ta, làm sinh động, phong phú thêm cho di sản kiến trúc truyền thống của dân tộc, cần được lưu giữ lại cho muôn đời sau. Do hình thức độc đáo của mình, di tích Chùa Cầu đã trở thành biểu tượng cho khu di tích đô thị cổ Hội An cả về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. “Sự hiện diện của Chùa Cầu là minh chứng cho sự có mặt của kiều dân Nhật Bản và Trung Hoa ở Hội An, một thời kỳ lịch sử chung sống làm ăn. Mối quan hệ mậu dịch và giao lưu văn hoá lâu đời giữa ba dân tộc Việt, Hoa, Nhật, tạo tiền đề cho việc hợp tác nghiên cứu văn hoá, khoa học cũng như phát triển quan hệ nhiều mặt giữa ba nước…”, trích hồ sơ dự án tu bổ di tích Chùa Cầu.
GS-TS. Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết từ năm 1985, sau hội nghị khoa học bàn về đô thị cổ Hội An, Bộ Văn hóa đã quyết định công nhận xếp hạng khu phố cổ Hội An là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Năm 1990, Bộ lại có quyết định bổ sung, công nhận Chùa Cầu và 20 di tích khác trong khu vực phố cổ Hội An là những di tích lịch sử - văn hóa quốc gia (có tính chất là những đơn vị di tích trong quần thể). Năm 1999, Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) quyết định đưa quần thể di tích đô thị cổ Hội An vào Danh mục di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Sau các quyết định quan trọng nêu trên, mọi hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị đô thị cổ Hội An đều phải tuân thủ các quy định pháp luật của Nhà nước và công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết. “Cần khẳng định, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu là một trong những dự án tu bổ di tích được làm bài bản, khoa học và thận trọng nhất từ trước đến nay”, GS. Bài nói.
Hoàng Tấn - Nguyễn Hữu