Theo đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan giao Sở Tài nguyên - Môi trường khẩn trương xem xét, thẩm định giá đất để Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) hoàn tất thủ tục thuê đất xây dựng Bến xe miền Đông mới, trình HĐND TP.HCM thẩm định giá đất theo quy định.
Bến xe Miền Đông mới với diện tích hơn 16 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng. Trong ảnh: Diện mạo Bến xe Miền Đông mới sau 2 năm thi công. Ảnh: Người Lao Động
Đồng thời, ông Hoan giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông vận tải khẩn trương có ý kiến về giá dịch vụ xe ra vào Bến xe miền Đông mới, đảm bảo tiến độ đưa bến xe vào khai thác.
Đặc biệt, lãnh đạo TP.HCM cũng đồng ý chủ trương cho Samco tổ chức đấu thầu theo quy định để lựa chọn đơn vị chuyên nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm cung cấp các dịch vụ tiện ích bên trong bến xe, phục vụ nhu cầu của hành khách và các đơn vị vận tải.
Trong khi đó, UBND quận 9 được giao chủ động hỗ trợ, thực hiện ngay thủ tục cấp địa chỉ cho Bến xe miền Đông mới theo quy định. Cạnh đó, thực hiện thường xuyên công tác duy tu, sửa chữa, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường Hoàng Hữu Nam, đường số 400, đường số 13 trên địa bàn quản lý. Cơ quan này cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ Samco vận dụng các quy định pháp luật để giải quyết dứt điểm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư phục vụ dự án Bến xe miền Đông mới.
Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an TP.HCM, UBND quận 9 làm việc với Samco để xây dựng và triển khai thực hiện phương án phân luồng, tổ chức giao thông khu vực bên ngoài bến xe, tránh xung đột gây ùn tắc giao thông. Bố trí hệ thống biển báo hướng dẫn lưu thông từ xa, kết hợp thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết và chủ động lộ trình khi tham gia giao thông.
Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan làm việc cụ thể với Samco và chủ đầu tư các dự án xung quanh khu vực Bến xe miền Đông để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành hệ thống các công trình liên quan như đường A8, cầu vượt hai đầu bến xe, cầu bộ hành, hầm chui và đường song hành phía trước lối ra vào bến xe… Việc này nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến giao thông ra, vào bến xe, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, giao thông thông suốt và an toàn.
Đáng chú ý, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu nghiên cứu thực hiện phương án tổ chức giao thông đồng bộ, liên hoàn giữa các hình thức vận chuyển kết nối với Bến xe miền Đông mới (metro, xe buýt, các loại hình trung chuyển khác…). Trước mắt, cho phép Sở Giao thông vận tải tổ chức lựa chọn, đặt hàng đơn vị vận tải cung ứng dịch vụ tuyến xe buýt kết nối giữa Bến xe miền Đông (hiện hữu) và Bến xe miền Đông mới. Sau đó, căn cứ thực tiễn và các quy định pháp luật có liên quan sẽ lựa chọn đơn vị vận tải khai thác tuyến xe buýt đúng quy định.
Bến xe miền Đông mới dự kiến đi vào hoạt động hôm 15.8 đến nay vẫn chưa chốt ngày khai thác. Dự án này được khởi công xây dựng vào tháng 4.2017, với diện tích hơn 16 ha thuộc phường Bình Thắng (thị xã Dĩ An, Bình Dương) và phường Long Bình (quận 9, TP.HCM).
Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 1 của dự án gồm nhà ga trung tâm, khu vực đậu xe chờ tài, khu vực đón trả khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu, trạm xử lý nước thải sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, tiến độ của dự án đã chậm trễ, dự kiến kéo dài đến 15.8.2019 mới có thể đi vào hoạt động. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn tiếp tục phải lùi đích vì còn nhiều vướng mắc.
Theo Sở Giao thông vận tải, giai đoạn 1 dự kiến sẽ di dời 29 tuyến xe cố định có cự ly từ 1.100 km trở lên (tức từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía bắc) ra bến xe mới. Trung bình có khoảng 40 chuyến/ngày hoạt động.
Phan Diệu