Chuyên gia góp ý bảo tồn văn hóa, loại bỏ tư duy cục bộ tại các địa phương sau sáp nhập

 11:40 | Thứ hai, 26/05/2025  0
Từ một tỉnh phân thành các tiểu vùng văn hóa tương ứng với đặc điểm của từng cộng đồng chủ sở hữu văn hóa, có thể xem đây là một hướng đi góp phần bảo tồn đặc trưng văn hóa của các tỉnh không còn tên trên bản đồ sau sáp nhập. Để làm được điều này, cần nâng cao chuyên môn của cơ quan quản lí văn hóa cấp tỉnh cũng như vai trò, trách nhiệm tự quản của từng xã trong tiểu vùng văn hóa ấy.

Tinh gọn bộ máy để tăng hiệu quả quản lí

Gần đây, Quyết định 759/QĐ-TTg 2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Theo đó, cả nước sẽ còn 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập (23 tỉnh, thành mới và 11 tỉnh, thành không thực hiện sáp nhập), gồm: 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương.

Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15.9.2025.

Bản đồ Thành phố Hà Nội sau điều chỉnh địa giới hành chính vào năm 2008. Ảnh: Wikipedia


Trước đó, hẳn trong kí ức của nhiều người vẫn còn nhớ Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Sau Nghị quyết vừa nêu, Hà Nội không chỉ mở rộng diện tích, nhờ việc sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh, tĩnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Với diện tích lên tới hơn 3.300km2, là một trong 17 thủ đô, thành phố lớn nhất thế giới, Hà Nội còn mở ra một vận hội mới nhờ cuộc thay đổi diện mạo có tính lịch sử này. Các huyện thuộc Hà Tây cũ từng bước có sự chuyển mình mạnh mẽ. Tiêu biểu nhất là huyện Ba Vì từng là một vùng đất xa xôi, điều kiện còn nhiều hạn chế. Đến năm 2023, hơn 82% hộ dân của huyện đã tiếp cận hệ thống và sử dụng nước sạch sinh hoạt được cấp từ công trình tập trung. Đồng thời, y tế, giáo dục cũng được đầu tư bài bản.

Và năm nay, một cuộc sáp nhập mới với quy mô lớn, trên khắp cả nước sắp tạo ra diện mạo mới của cả đất nước. Trong bối cảnh đất nước ta đang vững bước vào kỷ nguyên mới, việc tạo ra các tỉnh, thành lớn trên nền tảng sáp nhập các tỉnh, thành nhỏ sẽ tinh gọn được bộ máy, giảm chi phí vận hành hành chính và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

Đền Thượng trong quần thể Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ). Ảnh: TTXVN


Tuy nhiên, đối với những địa danh không còn xuất hiện trên bản đồ quy hoạch tỉnh, thành, liệu rằng những giá trị văn hóa ở những địa danh ấy có bị mai một đi trước bước ngoặt lớn này. Dưới góc độ của nhà nghiên cứu văn hóa, TS. Chu Xuân Giao – Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng đây là vấn đề cần lưu ý. Cụ thể ông Giao muốn nhấn mạnh tới cộng đồng nhỏ hơn tỉnh là làng xã.

Trải qua nhiều cuộc thay đổi địa giới hành chính trong lịch sử, văn hóa làng xã vẫn chứng minh được sức sống mạnh mẽ của mình dưới sự bảo vệ, gìn giữ của những thành viên trong làng. Chúng ta giữ được đất nước qua những cuộc xâm lược, chiến tranh trong suốt hàng nghìn năm, là nhờ giữ được văn hóa làng. Cũng chính từ làng xã, văn hóa lan ra thành khắp cả một vùng. Vì vậy, ông Giao cho rằng, giữ được văn hóa làng là chìa khóa để bảo tồn văn hóa của toàn quốc gia.

Dù hiện nay tỉnh Hà Tây với một phần văn hóa xứ Sơn Tây xưa đã sáp nhập với Hà Nội, nhưng ông Giao ghi nhận, những nét đặc trưng của xứ Tây vẫn được bà con địa phương gìn giữ. Trong tâm thức của nhiều người, khi đi tới khu vực huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây, người ta vẫn thường nói là đi Ba Vì hay đi Sơn Tây. Bởi lẽ, qua thời gian, những dấu chỉ văn hóa còn hiển hiện rõ nét.

Phân vùng, tiểu vùng văn hóa cần dựa trên yếu tố gì?

Giữ được văn hóa, song vấn đề quản lí văn hóa từ phía các cơ quan chức năng gợi cho TS. Trần Hữu Sơn – Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch, rất nhiều suy tư. Một vấn đề phức tạp nổi lên được ông Sơn chỉ ra đầu tiên là liệu còn tồn tại tính cục bộ địa phương của các tỉnh sau khi sáp nhập, bởi điều này có thể kìm hãm lực phát triển của các tỉnh.

Trong tổng thể một tỉnh sau khi sáp nhập là tụ hội của nhiều tiểu vùng văn hóa. Chính vì thế, ông đề xuất phân chia từ mỗi tỉnh thành các tiểu vùng văn hóa. Tiểu vùng văn hóa có thể gồm một vài xã có chung những đặc điểm về địa lý, lịch sử, từ đó hình thành nên những cộng đồng chủ nhân văn hóa khác nhau.

Khu đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên là điểm đến chính của du khách khi tham quan danh thắng Tây Thiên (tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: TTXVN


Đơn cử như trường hợp tỉnh Phú Thọ trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình và Vĩnh Phúc, ông Sơn chỉ ra 3 tiêu vùng văn hóa tiêu biểu. Chỉ riêng tỉnh Phú Thọ khi chưa sáp nhập đã có lợi thế là vùng đất Tổ Hùng Vương – nơi khởi thủy của người Việt theo truyền thuyết. Hòa Bình với huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy (hiện thuộc tỉnh Phú Thọ) nổi bật với cộng đồng dân tộc Mường. Vĩnh Phúc gắn với những huyền tích về Quốc Mẫu Tây Thiên, huyền thoại về Hai Bà Trưng. Vĩnh Phúc còn là cửa ngõ đi vào Thủ đô với Tam Đảo và một phần Ba Vì.

Hay tỉnh Lào Cai – nơi ông Sơn từng gắn bó trong thời gian dài và Yên Bái sau sáp nhập sẽ hình thành được 3 tiểu vùng văn hóa. Đầu tiên là Lào Cai với vùng biên giới mang đặc trưng là đồi núi và các thung lũng. Thứ 2 là nửa trung du miền núi của Yên Bái với các huyện Văn Yên, Trấn Yên. Thứ 3 là cánh đồng Mường Lò ở Yên Bái. Mỗi tiểu vùng tương ứng với các tộc người, chủ nhân văn hóa riêng.

Cộng đồng người Mường ở xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình chung tay khai thác những giá trị văn hóa đặc trưng để tạo thành sản phẩm du lịch. Ảnh: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam


Chính những yếu tố địa lý, lịch sử đã hình thành nên những đặc trưng giữa các cộng đồng chủ nhân văn hóa ấy. Và tương tự các tỉnh, thành cũng đều có thể chọn ra hướng đi như vậy. Việc phân thành các tiểu vùng đòi hỏi ngành văn hóa ở các địa phương cần phải tập trung nguồn lực để phục dựng những di sản văn hóa thất truyền, bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản văn hóa hiện còn được lưu giữ.

Đặc biệt ở những cộng đồng các dân tộc ít người, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vô tình để thất lạc đi ít nhiều những nét văn hóa truyền thống. Việc phục dựng lại có ý nghĩa quan trọng trong việc làm phong phú thêm, thúc đẩy sự phồn thịnh kho tàng di sản của một tiểu vùng văn hóa.

Người phụ nữ Dao Tiền (tỉnh Lào Cai) đã thêu nên những hoa văn tinh tế, chắp ghép những trang sức trang trí bằng bạc trên nền vải lanh nhuộm chàm. Ảnh: Báo điện tử Lào Cai


Không chỉ có phân chia trong tỉnh mà còn cần có sự quy hoạch liên tỉnh, TS. Chu Xuân Giao nhận định. Người xưa có câu: “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”, để chỉ những nét đặc trưng trong văn hóa kiến trúc ở 4 khu vực – hay gọi tứ trấn (tứ chiếng) quanh kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Sơn Nam nổi tiếng với những cây cầu mang hình thái “thượng gia hạ kiều” (cầu có mái ở bên trên). Xứ Đoài – Sơn Tây lưu giữ được nhiều mái đình cổ kính với những chạm khắc từ thời Lê Trung hưng. Còn xứ Kinh Bắc với vùng Dâu – Luy Lâu, được xem là trung tâm Phật giáo lớn ở miền Bắc nước ta, hội tụ nhiều ngôi chùa lâu đời. Dẫn chứng ví dụ về đặc trưng văn hóa kiến trúc ở từng xứ đã cho thấy tính liên kết tỉnh mạnh mẽ như thế nào.

Nhấn mạnh phân định của văn hóa là sự phân định theo chiều dài lịch sử, ông Giao cho biết thêm, đất Hưng Yên vốn thuộc xứ Nam. Tuy nhiên, theo thời gian, qua những lần thay đổi địa giới hành chính, tỉnh đã mở rộng ra khu vực huyện Văn Giang, Văn Lâm ngày nay, mà trước đây vốn thuộc xứ Bắc. Chính vì vậy, khi quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị của các vùng văn hóa, đơn cử như xứ Kinh Bắc, không chỉ cần tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh, mà còn cần sự phối hợp của ngành văn hóa tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội (với khu vực huyện Đông Anh, Gia Lâm).

Phá vỡ tư duy cục bộ địa phương bằng phân tiểu vùng văn hóa

Vậy liệu rằng có nên chờ đến lúc sau khi sáp nhập mới lập kế hoạch để hình thành các vùng, tiểu vùng văn hóa như vậy hay không? TS. Trần Hữu Sơn cho rằng ngay từ trước khi sáp nhập, Sở Văn hóa và Thể thao/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của mỗi tỉnh, thành nên xúc tiến nghiên cứu dựa trên các đặc trưng riêng biệt của địa phương mình, rồi quy hoạch, hình thành các tiểu vùng văn hóa. Bản thân lãnh đạo Sở không chỉ là người có chuyên môn sâu sắc, mới hướng dẫn nghiệp vụ, phải hiểu vùng, hiểu văn hóa. Theo ông Sơn không nên chần chừ hay có tư duy sau sáp nhập không còn giữ chức, không còn công tác thì không cần triển khai, không cần có trách nhiệm.

Đồng thời, ông Sơn cũng cho rằng việc tham vấn, lắng nghe ý kiến của tầng lớp “tinh hoa” ở mỗi địa phương (các già làng, trưởng bản...) cũng là điều cần thực hiện. Theo ông Sơn, họ là những người giàu kinh nghiệm, nắm giữ nhiều tri thức dân gian được cha ông trao truyền nhất trong một cộng đồng làng xã. Họ sẽ là người đưa ra những câu trả lời thỏa đáng cho việc địa phương mình có thể liên kết với những địa phương nào lân cận để củng cố một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh. Dẫu sao, để các Sở nghiêm túc thực hiện, rất cần tới sự hướng dẫn, chỉ đạo từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2004. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc


Theo Nghị quyết 74/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, từ ngày 1.7.2025 chính thức kết thúc hoạt động cấp huyện. Như vậy, chỉ còn lại hai cấp là tỉnh, thành và xã, phường. Chính vì vậy TS. Trần Hữu Sơn nhấn mạnh, vai trò bảo tồn văn hóa ở mỗi xã là rất quan trọng. Mỗi xã cần nâng cao vai trò tự quản của xã dưới chức năng hướng dẫn của cơ quan quản lí văn hóa cấp tỉnh.

Ông Sơn cũng khuyến nghị, các Phó Chủ tịch UBND xã chuyên phụ trách văn hóa cần ngồi lại với nhau, họp bàn để tìm ra phương hướng bảo tồn, phát triển văn hóa cho tiểu vùng văn hóa của địa phương mình.

Mở rộng vấn đề liên quan, đó là việc sáp nhập tỉnh, chuyển các cán bộ về trung tâm hành chính mới để công tác, dễ dẫn đến tình trạng chưa quen, chần chừ trong giải quyết công việc. Nhằm đảm bảo chất lượng cán bộ, TS. Lê Thương Huyền – Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng dù có được sắp xếp ở đâu, công tác trên cương vị, vị trí nào, đã là cán bộ, công chức đều phải làm đúng với nhiệm vụ của mình. Phải đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích vùng miền.

Cùng với đó, bà Huyền cho rằng để mỗi cán bộ, công chức làm tốt nhiệm vụ của mình, cần có những chỉ số đánh giá qua đó chọn lọc, đào thải những người thực hiện chưa tốt nhiệm vụ của mình. Theo bà Huyền, văn hóa là sự tổng hòa của nhiều giá trị như lịch sử, địa lý, tập quán... Chính vì vậy, người làm quản lí văn hóa không thể thu tầm nhìn của mình ở mức hạn hẹp. Một khi cán bộ coi trọng giá trị tập thể, vì lợi ích chung thì mới tránh được tư duy cục bộ địa phương.

Màn trình diễn nghệ thuật Xòe Thái với sự tham gia của nhiều nghệ nhân và diễn viên quần chúng. Ảnh: TTXVN


Theo các chuyên gia, sau sáp nhập tỉnh, cùng với đó là bỏ chính quyền cấp huyện, nếu văn hóa không được quan tâm một cách sát sao, thấu đấo, rất dễ mai một, thậm chí không lại trừ khả năng xảy ra “nạn đói” văn hóa giữa các xã, phường ngay trong một tỉnh, thành. Dễ xảy đến nhất là tình trạng quá chú trọng tới văn hóa ở khu vực trung tâm hành chính, mà vô tình lơ là những địa phương khác. Vì vậy để viễn cảnh trên không xảy ra trong tương lai, cơ quan hữu quan các cấp cũ thể cần nghiên cứu, có những kế hoạch, chính sách phù hợp và cần triển khai thực hiện sớm nhằm một mặt phát huy được tối ưu hiệu năng quản lí sau khi tinh gọn, một mặt bảo tồn được các giá trị văn hóa tồn tại lâu bền của địa phương.

Đoan Túc

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.