Có 95 sự cố hàng không dân dụng trong năm 2019

 13:43 | Thứ năm, 02/01/2020  0
Đó là thực trạng tai nạn giao thông mà Bộ GTVT báo cáo trong hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020.

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết trong năm 2019 trên toàn quốc xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.624 người, bị thương 13.624 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ TNGT giảm 939 vụ.

Theo thống kê, các lĩnh vực thì TNGT đường bộ giảm cả ba tiêu chí, với mức giảm trên 5%; TNGT đường sắt tăng hai tiêu chí (trong đó số vụ tăng 6,99%, số người chết tăng 9,57%);

TNGT đường thủy giảm hai tiêu chí về số vụ, số người chết, với mức giảm lần lượt là 17,5% và 33,33% nhưng số người bị thương tăng 125%;

TNGT hàng hải tăng 10 người chết và mất tích (chiếm 250%); lĩnh vực hàng không dân dụng đã xảy ra 95 sự cố, so với năm 2018 tăng bảy sự cố (chiếm 8%).

Nhiều sự cố về hàng không dân dụng xảy ra trong năm 2019. Ảnh: Tấn Lộc

Theo số liệu thống kê, đối với lĩnh vực đường bộ, nguyên nhân lớn nhất là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường (chiếm 20,51%), còn các vi phạm khác như: vi phạm tốc độ xe chạy chiếm 5,52%, tài xế sử dụng ma túy chiếm 0,04%, tài xế sử dụng rượu bia chiếm 1,46%.

Về lĩnh vực đường sắt nguyên nhân lớn nhất là do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ qua đường ngang, lối đi tự mở (chiếm 57,5%).

Từ phân tích nêu trên cho thấy ngoài các lý do khách quan dẫn đến TNGT như: mật độ phương tiện giao thông tăng cao, công tác quy hoạch một số nơi chưa hợp lý, một số vị trí kết cấu hạ tầng giao thông còn bất cập...) thì nguyên nhân chính của các vụ TNGT là do người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông chưa tuân thủ nghiêm các quy định về bảo đảm TTATGT.

Công tác quản lý tài xế của một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, trong khi lực lượng chức năng thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, tuần tra kiểm soát còn mỏng trên các địa bàn quản lý.

Từ các phân tích về nguyên nhân chính dẫn đến TNGT, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách có ảnh hưởng lớn đến công tác bảo đảm TTATGT, như xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); xây dựng đề án “Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở cả chiều rộng và chiều sâu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực thi hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Thái Nguyên

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.