“Việc chuẩn bị thực hiện đề án tích hợp này là từ tháng 12.2011 khi sở làm việc với DfE, chúng tôi muốn có một chương trình tích hợp. Đây là một chương trình mang tính chất tiên tiến, thực hiện chương trình này cũng là mang tính thí điểm, nhằm giúp học sinh tiếp cận chương trình toán, khoa học, tiếng Anh tiên tiến, để có định hướng nghề nghiệp sau này theo sự lựa chọn của các em (...) Chúng tôi đã chuẩn bị cách đây ba năm chứ không hề gấp gáp. Chúng tôi thực hiện theo cơ chế, có chỉ đạo và phải chờ thời điểm chín muồi. Đây là chương trình của DfE, đã được sự đồng ý của chuyên gia giáo dục Anh. Bộ và sở đều có hội đồng thẩm định và đã làm việc về mặt nội dung tích hợp chương trình. DfE có phối hợp thực hiện chương trình theo bản quyền của họ. Các bằng cấp, chứng chỉ, tài liệu đều được hỗ trợ”.
Tại buổi họp báo sáng 23.6 về việc ngưng chương trình tiếng Anh Cambridge tại các trường học ở TP.HCM để thay vào đó là một chương trình hoàn toàn mới, ông Lê Hồng Sơn - giám đốc sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM, đã giải đáp như vậy trước các thắc mắc về việc sở đã làm việc hay chưa với DfE (bộ Giáo dục Anh) để có thể có chương trình tích hợp mà ông Sơn nhắc đi nhắc lại là “tiên tiến” này. Ông Sơn thậm chí khẳng định “các bằng cấp, chứng chỉ, tài liệu đều được hỗ trợ”. Như vậy, chương trình tích hợp “tiên tiến” mà sở muốn đưa vào đã được chứng thực rồi còn gì! Yên tâm đi nhé!
Hoá ra không phải. “Không hề có bất cứ thoả thuận nào giữa DfE hoặc STA (cơ quan quản lý và khảo thí quốc gia Anh) với sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM và/hoặc EMG (công ty đối tác của sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM để đưa chương trình này vào các trường tại TP.HCM) về việc cung cấp chương trình học, tài liệu hoặc đảm bảo chất lượng liên quan tới chương trình giảng dạy được thực hiện tại TP.HCM” - tối 30.6, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM Douglas Barnes đã khẳng định như vậy! “Cũng không hề có bất cứ liên lạc chính thức nào với DfE hay STA về chuyện thoả thuận này”, ông Barnes nói. Ông Barnes cũng cho biết chương trình quốc gia của Anh và xứ Wales có hoàn toàn miễn phí ở trên mạng để cho phép trường và những cơ quan hay người có liên quan về giáo dục có thể tiếp cận nhằm phục vụ và đảm bảo nền giáo dục chất lượng cao tại Anh.
Tin ai? Tin sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM và sau lưng sở là công ty EMG, hay tin ông Tổng lãnh sự Anh về câu chuyện liên quan đến nước họ? Câu trả lời không thể dễ dàng hơn, khi sau cuộc họp báo của sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM hôm 23.6, công luận đã đặt ra nhiều câu hỏi nghi ngờ và nay đã được chính đại diện của nước Anh tại TP.HCM là ông Tổng lãnh sự xác nhận.
Chưa rõ rồi sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM sẽ trả lời công luận ra sao về sự thiếu trung thực liên quan đến chương trình tiếng Anh “tích hợp tiên tiến” mà sở có kế hoạch triển khai này. Điều đáng nói ở đây là chính cơ quan quản lý giáo dục, nơi phải là tấm gương về sự trung thực, một trong những phẩm chất hàng đầu của con người, lại tỏ ra thiếu trung thực đến như vậy. Có gì đằng sau sự thiếu trung thực của cơ quan quản lý giáo dục này? Có gì đằng sau sự hợp tác của sở Giáo dục- đào tạo với đối tác là công ty EMG nhằm đưa đề án “Đổi mới dạy và học các môn toán, khoa học, tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến” vào các trường ở TP.HCM? Có chăng mùi tiền đằng sau sự thiếu trung thực này?
Sự thật trước sau gì rồi cũng sẽ lộ ra dưới ánh mặt trời, như nó đã bắt đầu lộ sau tuyên bố của ông Tổng lãnh sự Anh. Đến lúc ấy, nếu quả thật có mùi tiền đằng sau sự hợp tác giữa sở sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM và công ty EMG, một công ty kinh doanh giáo dục nhưng lại dựa vào sự ủng hộ và phê chuẩn của sở, một cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, thì sự thất vọng của người dân hẳn sẽ rất não nề.
Và niềm tin của người dân, của thế hệ trẻ vào sự trong sáng của các nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục cũng như nhà nước nói chung hẳn sẽ chịu một cú sốc rất nặng. Ai sẽ chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ niềm tin đó?
Đoàn Khắc Xuyên