Con ruồi (bọ hai cánh, có vòi hút, râu ngắn, thường mang vi trùng truyền bệnh) nhỏ bé kia đậu vào có thể làm lệch đòn cân không nhỉ? Có thể có người nói rằng "có". Bởi những loại cân siêu hạng hiện nay có thể cân vô cùng chính xác những vật thể bé tới mức mắt thường ta cũng chẳng nhìn thấy.
Chẳng hạn loại cân tiểu ly điện tử (chỉ có trong các phòng thí nghiệm) có thể cân chính xác tới 0,000001g (một phần triệu gram). Nếu thế thì chẳng cần đến con ruồi (chỉ bằng hạt đỗ đen) mà cái chân hay cái râu nhỏ xíu của nó cũng có thể làm thay đổi trị số cân nặng trên màn hình.
Cân đĩa thăng bằng. Ảnh: TL
Nhưng cái cân trong câu tục ngữ này (Con ruồi đỗ nặng đòn cân) là cái cân nhân dân ta vẫn dùng từ xa xưa. Lúc đó chưa có công nghệ hiện đại như bây giờ. Thông thường, người ta vẫn dùng các loại cân theo nguyên lý thăng bằng, như các loại cân treo (cân từ vài lạng đến hàng tạ), cân đĩa, cân đồng hồ... Với những loại cân này thì một cho đến trăm con ruồi cũng chả nghĩa lí gì hết.
Ấy vậy mà chú ruồi "xíu xìu xiu" kia lại có thể làm thay đổi tương quan lực lượng trên bàn cân kia đó. Đây có phải là một lối nói ngoa dụ không?
"Ngoa dụ" là "cách nói so sánh phóng đại nhằm mục đích diễn đạt ý một cách mạnh mẽ" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng 2020). Ở đây, đúng là dân gian muốn dùng hình ảnh con ruồi qua thủ pháp ngoa dụ (nói quá mức bình thường) để chuyển tải một thông điệp ngữ nghĩa trong cuộc sống.
Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển Tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải thích câu này là: "Đừng xem thường những con ruồi nhỏ bé, vì nó có thể dễ dàng làm cho đòn cân bị lệch hẳn đi. Hay dùng để nhắc mọi người chớ có coi thường các thứ nhỏ nhặt vì nó có thể làm cho cán cân lực lượng thay đổi hẳn".
Ảnh minh họa
Lẽ đời, cái nhỏ bé thường ít có tác dụng trong một thang giá trị nào đó. Một hạt cát trong vườn, một giọt nước trong ao, một chiếc lá trên rừng kia có thấm tháp gì đâu. Người ta thường có câu "như muối bỏ biển" để ví những tình huống "ít tới mức vô nghĩa". Ấy vậy mà, những cái nhỏ bé đó lại trở nên giá trị, có ý nghĩa trong những tình huống cụ thể.
Khi mà tương quan hai bên đang chao đảo, căng thẳng với cách biệt mong manh thì rất có thể, "cái nhỏ bé không đáng gì" kia lại trở nên vô cùng lợi hại. Nó giống như một "giọt nước tràn ly". Cốc nước đầy, vẫn đầy không sao cả. Nhưng cẩn thận, thêm một giọt nữa thì tình thế sẽ khác. Chính giọt nước này trở thành tác nhân "phá vỡ" sự cân bằng. Lượng đổi thì chất đổi và thế là, cái bình thường kia đã vượt ngưỡng, trở thành cái không bình thường.
Chỉ cần một chú ruồi thôi
Mà nên cục diện cuộc đời khác xa.
PGS-TS. Phạm Văn Tình
(Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)