Công khai giám sát môi trường nhiệt điện Vĩnh Tân nhưng không truy cập được

 17:26 | Thứ tư, 21/11/2018  0
Đầu tháng 11.2018, UBND xã Vĩnh Tân đã có một công văn thông báo rộng rãi tới toàn thể người dân về một “cổng thông tin” để có thể vào truy cập, theo dõi, giám sát các thông số quan trắc nước thải, nước xả làm mát, khí thải tự động của các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 4.

Công văn này được thực hiện theo công văn số 5220 vào ngày 6.11.2018 của Sở Tài nguyên môi trường (TNMT) tỉnh Bình Thuận về công khai thông tin, giám sát môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Người Đô Thị, hiện nay các đường dẫn (links) tài khoản được thông báo để đăng nhập giám sát các thông số trên đều không vào được.

Trao đổi với phóng viên Người Đô Thị, ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) cho biết, ông không biết được lý do tại sao không vào được, vì links, tài khoản và mật khẩu đăng nhập là đều do Sở TNMT cung cấp; chính quyền xã không quản lý các thông tin này.

Trong khi đó, ông Đào Dương Tấn Toại, một cán bộ Trung tâm thông tin thuộc Sở TNMT tỉnh Bình Thuận, cho rằng: do tài khoản được cung cấp đại trà, nên việc không vào được tài khoản có thể là do ai đó vào xem thông tin xong rồi thay đổi mật khẩu.

“Qua phản ánh của báo, chúng tôi mới nắm được tình trạng này. Chúng tôi sẽ tính toán đến phương án công khai thông tin phù hợp hơn. Có thể các thông tin quan trắc sẽ được công khai trực tiếp trên trang web chứ không cần thiết phải qua tài khoản, mật khẩu nữa.”, ông Nguyễn Quốc Đạt, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Thuận, trao đổi thêm với phóng viên Người Đô Thị.

Theo ông Nguyễn Quốc Đạt, mọi dữ liệu thông tin quan trắc từ các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân được truyền về hệ thống máy chủ của Sở TNMT; các tài khoản, mật khẩu đã được công khai đều do Sở quản lý.

“Việc công khai thông tin môi trường để người dân giám sát là chỉ đạo của UBND tỉnh, vào cuối tháng 10. Chúng tôi cũng cần thêm thời gian thiết kế giao diện mới, để việc công khai thông tin được trực tiếp và đơn giản hơn; có thể tháng 12 năm nay sẽ hoàn tất.”, ông Đạt nói.

Nhiệt điện Vĩnh Tân nhìn từ biển. Ảnh: Lê Quỳnh

Cho đến nay, các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 4 đã đi vào hoạt động tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, nằm trong cụm 5 nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân gồm 1, 2, 3, 4 và 4 mở rộng.

Các nhà máy nhiệt điện này nằm liên hoàn ngay bên bờ biển xã Vĩnh Tân.

Được quy hoạch là dự án nhiệt điện than trọng điểm quốc gia, Vĩnh Tân tổng công suất lắp đặt khoảng 6.264 MW. Đây sẽ là trung tâm nhiệt điện than lớn nhất nước khi hoàn thành đầu tư xây dựng vào năm 2020.

Hiện trường vụ việc người dân chặn xe phản đối tình trạng ô nhiễm ở Vĩnh Tân vào tháng 4.2015. Ảnh: Gia Bình/Tuổi Trẻ

Nhiều năm qua, từ khi xây dựng và đi vào hoạt động, nhiệt điện Vĩnh Tân đã gây ra nhiều vụ ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương, khiến người dân bức xúc, thậm chí đã từng xảy ra tình trạng xô xát, “đổ máu” giữa người dân và lực lượng an ninh chính quyền.

Ghi nhận của phóng viên thời gian qua cũng cho thấy, việc xây dựng cảng biển, nhà máy, và khi các nhà máy đi vào hoạt động, bãi tro xỉ,… cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động đánh bắt của người dân; đến hoạt động nuôi tôm giống của khu vực này – trong khi vùng biển Vĩnh Tân hơn 30 năm qua được biết đến là khu vực cung cấp nguồn tôm giống có chất lượng tốt nhất Việt Nam, chiếm khoảng 25% sản lượng cho thị trường cả nước hiện nay…

Hiện tại ở nhiệt điện Vĩnh Tân cũng đang có khoảng hơn 4 triệu m3 tro xỉ bị tồn đọng, nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Được biết thời gian qua, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Bộ Tài nguyên môi trường rà soát, lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường tổng thể cho toàn bộ các dự án tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân.

Cũng trong bối cảnh này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có kiến nghị Bộ Công an đưa Trung tâm nhiệt điện than Vĩnh Tân vào diện bảo vệ an ninh đặc biệt, vì đây là công trình trọng điểm quốc gia, có giá trị kinh tế đặc biệt. Chủ tịch UBND Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cũng đồng quan điểm với kiến nghị này, và cho rằng vị trí của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân đặc biệt nhạy cảm…

Lê Quỳnh

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.