Nằm trong dòng chảy mong muốn giới thiệu các giá trị quá vãng chưa được khai thác, Băn khoăn là sự nhấn mạnh vào một đoạn đường sáng tác vô cùng quan trọng của riêng Khái Hưng mà còn ít người biết đến.
Xoay quanh câu chuyện của thanh niên Cảnh – cậu ấm đến từ gia đình “hai đời cự phú”, cậu sống vô lo vô nghĩ với cuộc đời mình. Thế nhưng đến tuổi trưởng thành, cậu lại băn khoăn về mục đích sống. Thế nào là sống cho có ý nghĩa, cũng như cho trọn đời người? Câu hỏi mà Cảnh đặt ra tuy đến từ hơn một thế kỷ trước, thế nhưng đến nay vẫn còn sống động và hoài thấp thỏm.
Những băn khoăn thời đại
Xuất bản vào năm 1942, Băn khoăn được viết sau khi tên tuổi Khái Hưng đã lên đỉnh điểm với Hồn bướm mơ tiên (1933), Nửa chừng xuân (1934)… cũng như nhiều tác phẩm khác. “Sinh sau đẻ muộn” thế nên ở tác phẩm này, ta thấy nó có một sự khác biệt và phức tạp hơn. Động cơ chủ chốt vẫn là một mối tình đẹp, nhưng nếu Hồn bướm mơ tiên là cái đẹp hồng trần, của những ngăn cách cõi đời – cõi tiên; thì ở Băn khoăn, nó lại đời hơn và nhiều ngã hơn, có cả tình cảm thuần khiết, tình cảm vụ lợi cũng như đắm say ái tình.
Chân dung nhà văn Khái Hưng. Ảnh: Tao Đàn |
Lần xuất bản đầu được đặt dưới tên Thanh Đức, có thể thấy rằng Khái Hưng đang muốn hướng tới thế hệ mà ông gọi là “nho tàn” – những người chịu sự ảnh hưởng cuối cùng của các tư tưởng Nho giáo một cách mạnh mẽ.
Với ảnh hưởng đó, Khái Hưng đang muốn khai thác sâu hơn về những mâu thuẫn giữa cũ và mới, giữa truyền thống và Tây học… trong một bối cảnh có phần biến động. Ở đó Thanh Đức chính là đại diện cho “khe nứt” ấy – những người đứng chênh vênh giữa những cách biệt thời thế.
Khái Hưng họa lên nhân vật này tương đối sâu sắc. Là một “thiếu gia” đã sẵn giàu có, thế nhưng ông đã tự mình tạo nên cơ ngơi. Khác với thân sinh là cụ hàn Na với nghiệp “cầm cố”, Thanh Đức tự mình kinh doanh bằng mánh tinh đời, với buôn hàng, khai hoang, xuất khẩu, nhìn xa trông rộng. Ông tự ý thức về sự thua sút trong mặt học vấn, từ đó quyết tâm “phú chứ không trọc” khi cho bản thân và cả con cái theo nhịp văn minh, khi cho chúng học tiếng Pháp cũng như Hán ngữ.
Không rõ nghiêng về phe nào hay là đại diện cho lối sống mới, mà ông Thanh Đức vô cùng thoải mái với con của mình. Là một công tử số sẵn giàu sang, Cảnh không phải lo bất cứ điều gì. Anh có khoản tiền bố cho hàng tháng, thừa tự một villa riêng, tự mình quyết định đời mình. Những tưởng “tháo cũi sổ lồng” là một lối sống có phần mới mẻ, nhưng ngay sau đó, Khái Hưng đã cho ta thấy không gì là tốt đẹp cả.
Bước sang độ tuổi trưởng thành khi đang học luật, Cảnh ngay lập tức rơi vào khủng hoảng khi không thể biết mục đích đời mình. Cậu liên tục hỏi ý nghĩa đời mình là gì, việc học có ý nghĩa gì? Từ đó trong cậu nảy sinh một sự khinh thường những người chăm học, khi gọi bọn họ là “hủ nho”, “thư sinh”, đem ra bỡn cợt… Còn về phần mình, cậu nguyện thi trượt để vẫn sẽ được chu cấp, tin vào chủ nghĩa độc thân cũng như tự do của thời tuổi trẻ.
Cho rằng đời mình chỉ thích thích xác thịt, Cảnh rồi trở thành tín đồ của Anatole France - “họa chăng chỉ có cái tính xác thịt, cái thú vui hiện tại đáng gọi là thiêng liêng, nếu ta nhất định muốn dành chữ thiêng liêng cho một cái gì”. Cảnh dần sa đọa trong những khoái lạc, mê đắm bạn gái của bạn thân mình, từ đó vây quanh những cơn thác loạn. Cảnh giờ hướng sang lối sống Tây phương, quên hẳn đi cái truyền thống mà cậu không biết sẽ nhanh chóng chiếm lại chính mình.
Ở đây, ta thấy cốt truyện của Khái Hưng có phần tương tự với cuốn tiểu thuyết Từ dạo ấy của Natsume Sōseki. Trong tiểu thuyết đó, nếu Daisuke là người “ngồi mát ăn bát vàng” chỉ thích thú vui điền viên như thưởng hoa, đọc sách; thì Cảnh ngược lại, chỉ thích thú vui trần tục. Và dù cho có khác nhau giữa hai lựa chọn, thế nhưng cả hai nhân vật đều là “nạn nhân” của sự quá độ và chọn nhầm “phe”. Họ sống theo những niềm tin một cách mù quáng mà không hề biết nó sẽ nhanh chóng sụp đổ, thông qua ái tình níu cõi đời qua.
“Phương thuốc” ái tình
Không chỉ có một mà tận hai người đã thay đổi Cảnh một cách mãi mãi. Trong khi Lan Hương nết na, hiền dịu, và là motif của những cô gái theo hướng truyền thống; thì Hảo lại mạnh mẽ, ngang tàng, làm theo ý mình và là đại diện cho phía hiện đại. Ban đầu Cảnh đã phải lòng Lan Hương, và cũng tính đến cưới xin đưa nàng về nhà. Thế nhưng sau lần phụ đồng chén ở nhà bà Án, cậu lại thấy được một cơn ái tình với Hảo, từ đó tiếp tục băn khoăn nơi nào mà mình chọn lựa.
Bìa tiểu thuyết Băn khoăn trong diện mạo mới. Ảnh: Minh Anh
Ở đây ta có thể thấy Khái Hưng liên tục đặt ra những tam giác lớn, từ Lan Hương – Cảnh – Hảo, cho đến Thanh Đức – Hảo – Cảnh, hay bà Án (mẹ Hảo) – chính con gái mình – ông Thanh Đức. Ở mỗi đỉnh riêng của tam giác đó, họ luôn bổ sung và tìm thấy nhau vì sự thiếu sót. Nếu với Lan Hương là sự thoáng qua của một nét đẹp có phần êm dịu, thì với Hảo, trong Cảnh hay ông Thanh Đức là niềm khao khát và sự cứu rỗi, là một “thần tượng” mà họ chẳng thể so bì. Tuy là phận gái nữ nhân, thế nhưng ở Hảo có sự quyết đoán, biết được mình đang làm gì, vượt xa những người đàn ông mình có liên quan.
Và cũng vì thế, mà ở đây ta thấy một dấu ấn khác của riêng Khái Hưng, đó là tư tưởng vô cùng mới mẻ. Tiếp nối cô Loan của Đoạn tuyệt, cô Mùi của Xóm Cầu Mới… Hảo trong Băn khoăn cũng đang đại diện cho một motif phụ nữ hoàn toàn tiến bộ, độc lập, biết mình thích gì và mong muốn gì. Đây là tư tưởng mang tính hiện đại của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và các thành viên mang tính chủ chốt, cho nên không lạ khi nó xuất hiện ở dưới ngòi bút của riêng Khái Hưng.
Sau này trong cuốn Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc, tác giả Nguyễn Trương Quý cũng nhận định rằng, sở dĩ nữ sinh của trường Đồng Khánh chọn diễn Tục lụy của Khái Hưng thay cho Vân Muội đã có sẵn trước, là bởi “các tiểu thuyết tâm lý xã hội của ông đã gây được sự yêu thích, đặc biệt hấp dẫn giới nữ ở những đề tài cởi trói ràng buộc của lề thói cũ, hoặc gợi ra những khao khát tự do, đề cao cái tôi cá nhân và quyền lên tiếng nói”.
Và Hảo là một nhân vật thật sự cách mạng, không mang tính chất “cải lương” khi đứng chênh vênh giữa hai bến bờ như cha con Cảnh. Nói như Natsume Sōseki, thì Hảo chính là “stray sheep” hay “những con cừu đi lạc” của giai đoạn đó – những người ai cũng trọng vọng nhưng lại không dám bước theo.
Ở cô ta có thể thấy những suy tư riêng thuộc về hiện đại: “Sống là giàu, mạnh và đẹp. Sống là thắng. Ở đời chỉ những người giàu, mạnh và đẹp là đáng kể. Mỗi người phải sống trong và chỉ sống trong xã hội của mình, quên những xã hội khác đi”. Và cũng có thể chính bởi điều này mà ông Thanh Đức tìm thấy ở Hảo điều mình tìm kiếm, sau việc thâu tóm cũng như thành công ở mảng kinh doanh. Nó rất phù hợp với thứ mục tiêu không ngừng gia cố và lắp đầy mình bằng sự hiện đại không dễ tìm thấy của những con người mang tính nửa vời.
Như vậy có thể thấy rằng Băn khoăn chính là đỉnh cao của riêng Khái Hưng, không chỉ thông qua những nét đặc trưng trong sự ý nhị của cách viết văn, mà còn là cách thâm nhập vô cùng sâu sắc vào trong xã hội của một thời đoạn, từ đó dựng nên rất nhiều nhân vật mang tính liên đới. Họ không thể sống độc lập, mà qua bộ hai phản ảnh, bộ ba tam giác… mới được nhìn nhận một cách rõ nét và chi tiết hơn, từ đó càng cho thấy được số phận mỗi một con người đều chung quy lại là nỗi băn khoăn.
Minh Anh