Thừa Thiên-Huế hiện là địa phương duy nhất ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á có 6 Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO ghi danh là Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế.
Việc sở hữu nhiều danh hiệu quốc tế đã khẳng định những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Cố đô, mang lại nhiều lợi ích khác nhau.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những yêu cầu cao về việc khai thác hiệu quả những danh hiệu của UNESCO để trở thành nguồn lực cho phát triển, thương hiệu phục vụ cho ngành công nghiệp văn hóa.
Cách đây hơn 30 năm, khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới đầu tiên của Việt Nam đã cho thấy cộng đồng quốc tế đánh giá cao giá trị, tầm vóc của Kinh đô Huế trong dòng chảy văn hóa nhân loại.
Với danh hiệu quốc tế này, công cuộc bảo tồn, giữ gìn di sản văn hóa triều Nguyễn bước sang một giai đoạn mới, góp phần đưa Huế hội nhập với thế giới và tạo nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Lợi thế từ danh hiệu của UNESCO
Trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Việt Nam tự hào có một Cố đô Huế cổ kính với bề dày lịch sử 143 năm, nơi lưu dấu của 13 triều vua nhà Nguyễn với hệ thống di sản văn hóa đồ sộ.
Đây là một sự gạch nối quan trọng giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của vùng đất Thừa Thiên-Huế nói riêng và đất nước nói chung.
Trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO, di sản thế giới là danh hiệu danh giá nhất và lâu đời nhất. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên-Huế Phan Thanh Hải nhấn mạnh các di sản văn hóa của Cố đô Huế sau khi được UNESCO ghi danh tạo cơ hội tốt để gìn giữ, bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di sản; nâng cao vị thế của Huế như một trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước; đồng thời tạo thương hiệu mang tầm quốc tế để Huế trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Đặc biệt, sự vinh danh này giúp Thừa Thiên-Huế xác định rõ con đường phát triển, xem di sản văn hóa là nền tảng, là hạt nhân cho sự phát triển toàn diện, bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt…, các công trình kiến trúc cung đình của Cố đô Huế đã bị tàn phá, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, việc UNESCO công nhận Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993 đã mở ra dấu mốc quan trọng trong công cuộc phục hưng di sản Huế. Đến nay, công cuộc bảo tồn, trùng tu di tích đạt nhiều kết quả đáng tự hào với hơn 200 công trình và hạng mục công trình được bảo tồn, tu bổ, phục hồi; trong đó, có các công trình tiêu biểu Điện Kiến Trung, Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, Thế Miếu, các lăng tẩm.
Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.Với những giá trị nổi bật toàn cầu, di sản văn hóa Huế luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế cùng sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, trùng tu di sản.
Hành trình hơn 20 năm gắn bó, hỗ trợ trùng tu di tích của chuyên gia Andrea Teufel, Trưởng Đại diện Hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Đức, là một trong những câu chuyện ý nghĩa trong hành trình bảo tồn và đưa di sản Huế hội nhập thế giới.
Từ lần đầu tham gia phục chế tranh tường cổ ở Cung An Định vào năm 2003, đến nay bà Andrea Teufel đã thực hiện được 6 dự án trùng tu với khoảng 50 địa điểm tại Quần thể Di tích Cố đô Huế. Bà cũng mở 5 khóa đào tạo về trùng tu cho hàng chục thợ lành nghề, góp phần xây dựng nguồn nhân lực cho công cuộc bảo tồn di sản lâu dài tại Việt Nam.
Năm 2024, bà được trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự tỉnh Thừa Thiên- Huế.”
Bà Andrea Teufel chia sẻ Huế là một nơi rất thú vị, không chỉ tồn tại nhiều di tích lịch sử của Việt Nam mà còn độc nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều di tích bị hư hại, xuống cấp, thậm chí chỉ tồn tại thông qua các tư liệu và hình ảnh xưa. Bà mong muốn được góp sức cho Huế để phục hồi và làm “sống lại” những di tích ấy.
Ngoài ra, thông qua việc đào tạo nhân lực trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích kết hợp với giáo dục di sản cho học sinh, sinh viên, bà hy vọng sẽ khơi dậy niềm đam mê di sản cho giới trẻ để cùng chung tay bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa quý báu mà tiền nhân để lại.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế Hoàng Việt Trung, hơn 40 năm qua, sự hỗ trợ và kết nối của UNESCO đã đem lại cho di sản văn hóa Huế những hỗ trợ thiết thực và hiệu quả: có 15 Chính phủ, 50 tổ chức phi chính phủ, hơn 10 tổ chức tư vấn chuyên môn quốc tế đã thiết lập quan hệ và tài trợ về kỹ thuật, tài chính với tổng kinh phí hơn 10 triệu USD.
Trung tâm đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 21 cơ quan, tổ chức quốc tế và 9 cơ quan, tổ chức trong nước; 55 chương trình, dự án hợp tác quốc tế về nghiên cứu, trùng tu và đào tạo nguồn nhân lực có quy mô.
Năm 2023, tại Lễ kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc-Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản Thế giới, Tổng Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO Lazare Eloundou Assomo đã có thông điệp đánh giá rằng Cố đô Huế đã chuyển mình từ một kho báu di sản bị tàn phá trở thành một biểu tượng nổi bật của bảo tồn di sản.
Câu chuyện thành công của Di sản Thế giới này đã mang lại hy vọng và nguồn cảm hứng quý giá để bảo vệ những Di sản Thế giới trong bối cảnh đầy thách thức ngày nay.
Thích ứng với dòng chảy văn hóa đương đại
Với nền tảng di sản văn hóa phong phú, tỉnh Thừa Thiên-Huế luôn nỗ lực đầu tư, hài hòa giữa bảo tồn và khai thác để di sản văn hóa tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa đương đại.
Hơn hai thập kỷ qua, chính quyền địa phương đặc biệt là các nghệ nhân, nghệ sỹ, nhạc công đã chung tay bảo tồn, phát huy giá trị, đưa Nhã nhạc cung đình Huế - di sản được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đến gần hơn với công chúng.
Không chỉ đầu tư môi trường diễn xướng nhiều hơn cho Nhã nhạc, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cố gắng từng bước tìm kiếm tư liệu âm nhạc liên quan ở cả trong nước cũng như hải ngoại; tìm gặp các nghệ nhân cao tuổi từng tham gia hoạt động loại hình múa hát cung đình để xin ghi chép, đối chiếu, tìm ra độ chân xác trước khi khôi phục một điệu múa hoàn chỉnh.
Đặc biệt, để Nhã nhạc cung đình Huế “sống lại” sau thời gian lãng quên còn có sự gắn bó, kiên trì của nhiều gia đình nhã nhạc “cha truyền con nối” để nối dài dòng chảy di sản như gia đình các cố nghệ nhân Lữ Hữu Thi, Trần Kích, La Cháu.
Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế Hoàng Trọng Cương cho biết, đơn vị luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng hồ sơ khoa học các bài, bản của Nhã nhạc và đưa ra trình diễn.
Ngày nay, Nhã nhạc cung đình có điều kiện và không gian diễn tấu phong phú; nhất là khi Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế duy trì không gian diễn xướng vốn có ngày xưa ở Nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Nội Huế.
Từ đây, các nghệ nhân có sân diễn ổn định, du khách được thưởng thức và hiểu biết thêm hồn cốt của Nhã nhạc cung đình Huế.Trong quá trình hội nhập và giao lưu văn hóa hiện nay, di sản văn hóa Huế còn được xem là kênh ngoại giao văn hóa đặc sắc của Việt Nam.
Phát huy lợi thế của vùng đất di sản, Thừa Thiên-Huế là địa phương đầu tiên của Việt Nam sáng tạo một hình thái lễ hội đương đại và xây dựng thành công thương hiệu “Festival Huế” trên nền tảng văn hóa và di sản.
Tổ chức lần đầu vào năm 2000 đến nay, Festival Huế dần khẳng định là một lễ hội mang tầm quốc gia và quốc tế; đem đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ, độc đáo về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật; là nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa đến từ nhiều quốc gia.
Trải qua 24 năm với 12 kỳ tổ chức, Ban tổ chức Festival Huế nỗ lực điều chỉnh nội dung, cách thức tổ chức, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo thương hiệu “Huế - thành phố Festival” cũng như đóng góp thiết thực vào bức tranh phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên-Huế Phan Thanh Hải, lễ hội là thành tố quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa. Từ năm 2022 tỉnh định hướng tổ chức Festival Huế theo hướng bốn mùa giúp khai thác tối ưu di sản lễ hội phong phú của địa phương với khoảng 500 lễ hội.
Từ đó, tạo sản phẩm du lịch có sức hút để Huế luôn mang lại sự mới mẻ, năng động, hấp dẫn hơn đối với du khách. Đặc biệt, tỉnh cũng chú trọng cộng đồng hóa các sản phẩm của Festival, để người dân thực sự là chủ thể của di sản, của lễ hội, đồng thời là đối tượng thụ hưởng, quyết định sự thành công của lễ hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, việc xây dựng các thương hiệu cho một thành phố di sản, thành phố du lịch rất quan trọng.
Thời gian qua, tỉnh đã báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban UNESCO Việt Nam để tham gia xây dựng Huế trở thành một thành phố trong mạng lưới sáng tạo của UNESCO ở khía cạnh ẩm thực.
Đây là một chất liệu, thế mạnh lớn của Huế, bên cạnh các danh hiệu như thành phố văn hóa ASEAN, thành phố du lịch xanh.
Các loại hình di sản văn hóa của Cố đô Huế sau khi được UNESCO công nhận đã trở thành nguồn lực có giá trị vô cùng to lớn để khai thác và phát triển kinh tế-xã hội địa phương; góp phần tạo nền tảng để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với thương hiệu “Cố đô Huế - 1 điểm đến 6 di sản thế giới”.
Đỗ Trưởng-Tường Vy-Mai Trang