Người ta thấy giữa nhóm người bị đái tháo đường, bị các bệnh mãn tính so với nhóm nhóm người cùng tuổi nhưng không mắc bệnh mãn tính, tỷ lệ trầm cảm ở nhóm thứ nhất nhiều hơn hẳn nhóm còn lại.
Bệnh đái tháo đường sẽ theo người bệnh đến suốt đời, bệnh có thời gian ổn định nhưng cũng có những lúc biến chuyển. Khi có một căn bệnh phải mang theo suốt cuộc đời, trầm cảm có khả năng dễ xảy ra.
Bệnh nhân tiểu đường bị trầm cảm dễ khiến các biến chứng nặng hơn. Ảnh: TL
Làm sao có thể nhận diện trầm cảm? Khi một người vui vẻ, tương tác xã hội tốt, có cuộc sống thoải mái, đến khi có chẩn đoán đái tháo đường thì đột nhiên buồn rầu, không có nhu cầu ăn uống, không trò chuyện, tính tình cáu gắt...
Những câu than vãn, những suy nghĩ tiêu cực dù chỉ thoáng qua, nhưng cũng cần phải để ý. Khi một người thay đổi bất ngờ trong 1 - 2 tuần, bệnh nhân hoặc người nhà nên báo ngay cho bác sĩ.
Hiện nay có bài kiểm tra tầm soát cho người đái tháo đường, kiểm tra trong vòng từ 2 - 4 câu hỏi, để xem bệnh nhân có bị rối loạn lo âu hay trầm cảm không. Những câu hỏi là “Bạn có liên tục lo phiền điều gì trong 2 tuần qua không?”, “Trong 2 - 4 tuần qua, bạn có cảm thấy lo phiền về điều gì đó khiến bạn không muốn làm gì khác không?”...
Nếu câu trả lời của bệnh nhân là có, bác sĩ điều trị sẽ có phản xạ gửi bệnh nhân đến chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để đánh giá thêm để xác định rõ bệnh nhân có thật sự bị lo âu, trầm cảm không.
ThS-BS. Nguyễn Minh Mẫn (Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)