Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ sự hy sinh, công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nhật Bắc
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị. Cùng dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Đặc biệt, dự Hội nghị có hơn 400 đại biểu là người có công với cách mạng qua các thời kỳ; cán bộ lão thành cách mạng; cán bộ tiền khởi nghĩa, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; đại diện thân nhân liệt sĩ có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Trước khi diễn ra Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ sự hy sinh, công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đại diện người có công đã thực hiện nghi thức ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.
Thủ tướng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao quà tặng người có công với cách mạng và trao Giấy chứng nhận ADN cho đại diện 10 gia đình liệt sĩ, trong đó có 4 gia đình liệt sỹ được kết nối – tìm được thân nhân của mình sau hàng chục năm chờ đợi.
9,2 triệu người có công và thân nhân người có công
Báo cáo tri ân, tuyên dương người có công với cách mạng toàn quốc cho biết, suốt 77 năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Đến nay, cả nước đã xác nhận được 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội.
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Từ năm 2013 đến nay, cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110 nghìn sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn; hiện nay 2.412 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Công tác chăm sóc các nghĩa trang, công trình ghi công người có công được chăm sóc chu đáo. Công tác xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng là một trong những kết quả nổi bật trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thời gian qua, với việc đã xem xét, giải quyết dứt điểm hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP, nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng (tăng 35,7%), cao hơn 1 bậc so với mức lương cơ sở.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10 nghìn mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3 nghìn mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Qua đó đã so sánh đối khớp được hơn 1 nghìn danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân.
Tại Hội nghị, đại diện người có công với cách mạng xúc động trước sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với người có công; tự hào với truyền thống của cha ông; nguyện tiếp tục sống, lao động, học tập xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ cũng như sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân; tiếp tục phát huy truyền thống vượt khó, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp, đóng góp cho xã hội, góp phần làm giàu cho đất nước, xứng đáng là "những công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu" như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
Ngày kỷ niệm thiêng liêng của cả dân tộc Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng những tình cảm sâu nặng, lòng tri ân sâu sắc và lời thăm hỏi ân cần, thân thiết nhất; bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta, người luôn đặc biệt quan tâm chăm lo công tác người có công với cách mạng.
Nhắc lại truyền thống uống nước nhớ nguồn, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người có công với đất nước và sự ra đời của Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, ngày 27.7 hàng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Bày tỏ tri ân gần 1,2 triệu người con ưu tú đã dũng cảm xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu và hy sinh quên mình vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên, hạnh phúc của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, biết bao người con đã mãi mãi không trở về, máu thịt các anh, các chị đã hòa quyện vào hồn thiêng sông núi; có người được may mắn trở về nhưng đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam; không ít những đứa trẻ sinh ra trong hòa bình nhưng phải chịu rất nhiều thiệt thòi, mang trong người di chứng nặng nề của chiến tranh mà không có gì bù đắp được.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu nhiều đau thương, mất mát nhất sau Chiến tranh thế giới thứ II, sau gần 40 năm đổi mới và hội nhập dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 nước, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với 230 quốc gia, vùng lãnh thổ, và là hình mẫu của gác lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai và khôi phục vết thương sau chiến tranh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cùng sự phát triển của đất nước, được sống trong hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc; càng phấn khởi với những thành tựu đã đạt được, càng tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, chúng ta càng tự hào về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", và mãi mãi ghi nhớ, tri ân công lao to lớn của những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng chiến đấu, cống hiến, hy sinh xương máu cho Tổ quốc, cho Nhân dân.
Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, những người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng không ngừng được nghiên cứu được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.
Đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Đến nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú và 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Theo Thủ tướng, mặc dù Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo người có công và thân nhân với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao cả, nhưng chúng ta vẫn không khỏi day dứt, trăn trở khi đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; những số phận thiệt thòi của các nạn nhân chất độc da cam...
Công tác tìm kiếm quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin ngày càng khó khăn; còn khoảng 180 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập; khoảng 600 nghìn mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc còn thiếu thông tin, cần bổ sung, xác định danh tính…
Phát huy mạnh mẽ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Trong đó, phát huy mạnh mẽ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 14/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, để người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần "không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước ta".
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB&XH và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng, đồng thời cương quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng chính sách trong công tác này; đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác minh, kết luận thông tin bằng phương pháp thực chứng với mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ.
Cùng với đó, tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, thực hiện tốt các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhất là cho thế hệ trẻ về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung đa dạng, sâu sắc, thiết thực, hiệu quả và chân tình trên nhiều phương tiện với cách làm mới, sáng tạo theo phương châm "dễ nghe, dễ nhìn, dễ hiểu, dễ làm, dễ noi gương", "rõ người, rõ việc, rõ thời gian và thực sự tiêu biểu", tạo động lực, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
Thủ tướng mong người có công với cách mạng trên cả nước nói chung, tiếp tục phát huy truyền thống, ý chí tự lực, tự cường, cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, công tác, học tập và tu dưỡng, luôn là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tri ân, chăm lo đối với người có công với cách mạng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công tốt đẹp hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tất cả mọi người hãy luôn luôn ghi nhớ, tri ân và tâm niệm "Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân!", như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh.
Hà Văn